Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2808/LĐTBXH-ATLĐ
V/v tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18 tháng 9 năm 2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong thời gian qua các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người lao động đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động nên nhìn chung tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã được kiểm soát, thống kê đầy đủ hơn. Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã giám sát, đánh giá 3 năm thực hiện pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (2016 - 2019), công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ngày càng đi vào nề nếp, có chiêu sâu. Tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tổ chức thực hiện các chính sách về an toàn, vệ sinh lao động được quan tâm theo dõi sát sao, công tác an toàn, vệ sinh lao động được chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc triển khai kịp thời.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, sự cố mất an toàn lao động tại nhiều dự án, công trình, doanh nghiệp. Riêng từ tháng 5 năm 2020 đến nay, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết nhiều người. Điển hình như: vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 25 tháng 5 năm 2020 tại dự án Thủy điện Plei Kần, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum làm 06 công nhân của Công ty cổ phần Tấn Phát thương vong (03 người chết, 03 người bị thương); vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 10 tháng 6 năm 2020 tại nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc làm 23 người thương vong (03 người chết, 20 người bị thương); đặc biệt nghiêm trọng là vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 14 tháng 5 năm 2020 tại công trình xây dựng nhà máy Công ty Cổ phần AV Healthcare - Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, làm 24 công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga thương vong (10 người chết, 14 người bị thương),... Xảy ra tình trạng trên, một phần do sức ép công việc sau kỳ nghỉ dài do dịch Covid -19, một phần người sử dụng lao động, người lao động đã chủ quan, thiếu quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và rèn luyện kỹ năng làm việc an toàn.

Để kịp thời chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm quyền được làm việc an toàn của người lao động, đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương:

a) Tập trung nguồn lực cho công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động bao gồm cả khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, cải thiện điều kiện lao động nhằm chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động nói riêng, của người dân nói chung góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững;

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động. Công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng;

c) Tăng cường thực hiện thanh tra chuyên đề về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: khai thác khoáng sản, khai thác đá, xây dựng, quản lý sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn lao động; kiên quyết khởi tố các vụ tai nạn nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người do vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (đặc biệt thiết bị có tác động rộng lớn đến xã hội như thang máy, cần trục, bình chứa khí nén...);

đ) Bố trí nguồn lực cho thanh tra chuyên ngành an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương theo Điều 89 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, nghiệp vụ chuyên môn an toàn, vệ sinh lao động cho đối tượng thanh tra chuyên ngành;

e) Thực hiện và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó chú trọng khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

2. Đối với một số Bộ quản lý các lĩnh vực đặc thù về an toàn, vệ sinh lao động:

a) Bộ Xây dựng: Đề nghị Bộ tập trung, tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực xây dựng như cần trục tháp, vận thăng, cần bơm bê tông, hệ thống cốp pha, sàn treo nâng người, hệ thống giàn giáo; tăng cường quản lý an toàn trong các công trình xây dựng, đặc biệt các công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông;

b) Bộ Giao thông vận tải: Đề nghị Bộ tập trung, tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực giao thông vận tải như các máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động lắp đặt, sử dụng trên phương tiện giao thông vận tải; tăng cường quản lý an toàn trong các công trình giao thông, đặc biệt là các công trình cầu, hầm giao thông; khẩn trương giải quyết dứt điểm các vướng mắc về điều tra tai nạn lao động trong lĩnh vực đã được Chính phủ phân công điều tra tai nạn lao động;

c) Bộ Công Thương: Đề nghị Bộ tập trung, tăng cường quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đặc thù trong lĩnh vực Bộ phụ trách, đặc biệt là vật liệu nổ công nghiệp, các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về phòng nổ.

3. Đối với các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Thanh tra: xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra tại các địa phương có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế; sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại; thi công công trình xây dựng; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày.

b) Cục An toàn lao động:

- Phối hợp với các Bộ, địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động nhất là đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động;

- Tập trung, tăng cường quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đặc biệt máy, thiết bị có tác động rộng lớn đến xã hội như thang máy, cần trục, bình chứa khí nén,...;

- Tham mưu xây dựng kế hoạch phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng (để báo cáo), Thanh tra Bộ, Cục ATLĐ, TTTTT để đăng cổng thông tin của Bộ);
- Lưu: VT, ATLĐ.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Tấn Dũng