Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2812/NHCS-TD
V/v Bổ sung, sửa đổi một số điểm về nghiệp vụ cho vay giải quyết việc làm

Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2008

 

Kính gửi: Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh, thành phố

Ngày 16/9/2008, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội có công văn số 2539/NHCS-TD về hướng dẫn quy trình thủ tục cho vay giải quyết việc làm của Quỹ Quốc gia về việc làm. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện phát sinh những vấn đề cần xử lý cho phù hợp với tình hình thực tế. Để thuận lợi cho việc triển khai thực hiện ở các địa phương, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành hướng dẫn chỉnh sửa một số điểm của văn bản số 2539/NHCS-TD như sau:

1. Sửa đổi, bổ sung Điểm 5 phần I như sau:

“5. Phương thức cho vay”

5.1. Đối với hộ gia đình:

5.1.1. Đối với các dự án vay vốn thuộc nguồn vốn do UBND cấp tỉnh; nguồn vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý: Áp dụng phương thức cho vay ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị - xã hội trên cơ sở thiết lập các tổ Tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản như cơ chế cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

- Đối với những nơi đã có Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) đang hoạt động thì Tổ trưởng Tổ TK&VV tổ chức kết nạp người vay vào Tổ để họ thực hiện các thủ tục vay vốn Ngân hàng.

- Đối với những nơi chưa có Tổ TK&VV thì Ngân hàng nơi cho vay phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương để chỉ đạo thành lập Tổ TK&VV để người vay thực hiện các thủ tục vay vốn Ngân hàng.

5.1.2. Đối với các dự án thuộc nguồn vốn do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam; Hội người mù Việt Nam và Bộ Quốc phòng quản lý: NHCSXH thực hiện cho vay thông qua các dự án, có thể là dự án nhóm hộ hoặc dự án do người vay vốn trực tiếp làm chủ dự án.

5.2. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp tại Hội sở Ngân hàng cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Sửa đổi, bổ sung tiết 7.1 Điểm 7 phần I như sau:

“7.1. Thẩm quyền thẩm định dự án”

NHCSXH địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định hoặc ủy thác cho tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã tổ chức thẩm định, bảo đảm các chỉ tiêu tạo việc làm mới và bảo toàn vốn trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án theo quy định:

a. Đối với các dự án vay vốn của hộ gia đình thuộc nguồn vốn do UBND cấp tỉnh; nguồn vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý: NHCSXH ủy thác cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã (đơn vị đang nhận ủy thác cho NHCSXH) tổ chức việc thẩm định dự án vay vốn.

b. Đối với các dự án vay vốn của hộ gia đình thuộc nguồn vốn doTổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam; Hội người mù Việt Nam và Bộ Quốc phòng quản lý: NHCSXH trực tiếp tổ chức thẩm định dự án vay vốn.

c. Đối với các dự án vay vốn của các cơ sở sản xuất kinh doanh: NHCSXH trực tiếp tổ chức thẩm định dự án vay vốn.

3. Sửa đổi, bổ sung Điểm 1 phần II như sau:

“1. Thủ tục và quy trình cho vay”

Người vay lập 03 bộ hồ sơ (sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt Quyết định phê duyệt kèm biểu tổng hợp dự án theo mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư số 14 và hồ sơ vay vốn đã qua thẩm định được gửi 01 bộ cho Chủ dự án; 01 bộ cho NHCSXH nơi cho vay; 01 bộ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với nguồn vốn do UBND tỉnh quản lý) hoặc cơ quan Trung ương thực hiện chương trình (đối với nguồn vốn do cơ quan Trung ương thực hiện chương trình quản lý) chi tiết như sau:

1.1. Đối với các dự án vay vốn của hộ gia đình thuộc nguồn vốn do UBND cấp tỉnh; nguồn vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý:

- Người vay lập dự án vay vốn (mẫu số 1b) gửi Tổ TK&VV.

- Tổ TK&VV nhận hồ sơ của người vay, tiến hành họp Tổ để bình xét cho vay, kiểm tra các yếu tố trên dự án, đối chiếu với đối tượng xin vay đúng với chính sách vay vốn của Chính phủ. Trường hợp người vay chưa là thành viên của Tổ TK&VV thì Tổ TK&VV tại thôn, bản đang hoạt động hiện nay tổ chức kết nạp thành viên bổ sung hoặc thành lập Tổ mới nếu đủ điều kiện.

- Sau đó, Tổ TK&VV trình tổ chức chính trị - xã hội cấp xã được NHCSXH nhận ủy thác để tiến hành thẩm định dự án, việc thẩm định theo mẫu số 3b ban hành kèm theo Thông tư số 14.

- Sau khi có kết quả thẩm định, Tổ TK&VV lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu số 03/TD) kèm theo dự án vay vốn (mẫu số 01b) trình UBND cấp xã xác nhận trên dự án về địa chỉ cư trú hợp pháp của hộ gia đình và xác nhận trên danh sách mẫu số 03/TD về địa chỉ cư trú hợp pháp tại xã, thuộc các hộ có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm.

- Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã, Tổ trưởng Tổ TK&VV gửi bộ hồ sơ xin vay cho NHCSXH. Khi nhận hồ sơ do Tổ TK&VV gửi lên NHCSXH viết Giấy biên nhận theo mẫu số 18/TD sau đó trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt cho vay.

- Sau khi có Quyết định phê duyệt cho vay của cấp có thẩm quyền, Quyết định phê duyệt các dự án cán bộ NHCSXH được Giám đốc phân công thực hiện việc kiểm tra đối chiếu tính hợp pháp, hợp lệ của bộ hồ sơ xin vay vốn sau đó hướng dẫn hộ vay lập Khế ước nhận nợ (mẫu số 01/TD) trình Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện phê duyệt giải ngân.

- NHCSXH nơi cho vay lập Thông báo kết quả phê duyệt cho vay (mẫu số 04/TD) gửi UBND cấp xã.

- UBND cấp xã thông báo cho tổ chức chính trị - xã hội cấp xã (đơn vị nhận uỷ thác) để Tổ TK&VV thông báo cho người vay đến điểm giao dịch tại xã hoặc trụ sở NHCSXH nơi cho vay để làm thủ tục nhận tiền vay.

1.2. Đối với các dự án vay vốn của hộ gia đình thuộc nguồn vốn do Tổng Liên đoàn lao động, Liên minh các Hợp tác xã, Hội người mù và Bộ Quốc phòng quản lý: (nội dung không thay đổi)

1.3. Đối với cơ sở sản xuất kinh doanh: (nội dung không thay đổi)

4. Sửa đổi, bổ sung Điểm 2 phần III như sau:

“2. Đối với số dư nợ cũ...”

Đối với số dư nợ cũ theo những Hợp đồng tín dụng đã ký giữa hộ gia đình với NHCSXH trước đây thuộc nguồn vốn do UBND cấp tỉnh; nguồn vốn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam quản lý thực hiện theo phương thức cho vay và quản lý trực tiếp đến người vay, nay cũng được chuyển giao theo phương thức cho vay thông qua Tổ TK&VV và ủy thác từng phần cho các tổ chức chính trị - xã hội quản lý, đôn đốc thu hồi nợ theo quy định hiện hành. Giám đốc NHCSXH nơi cho vay sao kê dư nợ cho vay giải quyết việc làm theo thôn (xóm), bản, buôn, ấp thông báo cho các Hội đoàn thể cấp xã để làm cơ sở tiến hành sát nhập người vay vào Tổ TK&VV nơi họ đang sinh sống.

Các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã vận động người vay gia nhập Tổ TK&VV đang hoạt động tại nơi sinh sống và thực thi quy ước hoạt động của Tổ đã đề ra. Tổ TK&VV kết nạp bổ sung thành viên đang có dư nợ thuộc Chương trình cho vay giải quyết việc làm (Tổ không lập danh sách 03/TD đối với các trường hợp này).

Nhận được văn bản này, yêu cầu Giám đốc chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội;
- Các cơ quan thực hiện chương trình ở TW;
- Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc;
- Trưởng ban kiểm soát HĐQT NHCSXH;
- Các phòng, Ban tại Hội sở chính;
- TT Đào tạo, TT CNTT (để truyền Fastnet);
- Đại diện Văn phòng khu vực miền Nam;
- Sở Giao dịch, CN NHCSXH các tỉnh, TP;
- Lưu VP, phòng NVTD.

KT/TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Văn Lý