Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2873/BTP-PBGDPL
V/v hướng dẫn thực hiện “Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015” năm 2012.

Hà Nội, ngày 13 tháng 04 năm 2012

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức đoàn thể;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Ngày 26 tháng 11 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2160/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015. Năm qua, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Đề án đối với thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, Bộ Tư pháp đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng như ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Đề án; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên, cán bộ Đoàn; biên soạn các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức giới thiệu pháp luật, hướng dẫn hành vi ứng xử pháp luật cho thanh niên, thiếu niên… Ủy ban nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban điều hành; ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc triển khai Đề án bước đầu có ý nghĩa, tác dụng tích cực, tạo cơ sở tăng cường các hoạt động giáo dục ý thức pháp luật cho thanh niên, thiếu niên trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, qua hơn 01 năm thực hiện Đề án, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương chưa thực sự quan tâm đưa Đề án vào thực tiễn cuộc sống; việc triển khai Đề án đến cơ sở xã, phường, thị trấn chưa đồng đều, mạnh mẽ; các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương chưa chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị trực thuộc, Đoàn thanh niên, các đơn vị theo ngành dọc ở địa phương triển khai Đề án; các cơ quan phối hợp Đề án chủ yếu thực hiện lồng ghép các hoạt động Đề án với chương trình, đề án khác, mới tập trung vào các nhiệm vụ do Ban chỉ đạo phân công; nguồn lực, kinh phí thực hiện Đề án còn hạn hẹp…

Năm 2012, để tiếp tục triển khai Đề án ở Trung ương và địa phương, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình tập trung vào một số hoạt động sau đây:

I. Ở TRUNG ƯƠNG

1. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Đề án đến các đơn vị trực thuộc, Đoàn thanh niên cơ quan và các đơn vị theo ngành dọc ở địa phương

Để triển khai Đề án hiệu qủa, đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, Đoàn thanh niên cơ quan, các đơn vị theo ngành dọc ở địa phương phổ biến, giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức thanh niên thuộc phạm vi quản lý; phân công các phần việc của Đề án cho Đoàn thanh niên thực hiện phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, đơn vị; chú trọng gắn việc thực hiện Đề án với các chương trình, chiến lược, đề án khác của bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Đề án.

Đơn vị thường trực Đề án (tổ chức pháp chế hoặc đơn vị có chức năng quản lý công tác thanh niên) kịp thời tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.

Các đơn vị thuộc Bộ, ngành là cơ quan phối hợp, tham gia thực hiện Đề án (gọi chung là cơ quan thành viên Đề án), bên cạnh các nhiệm vụ nêu trên, còn có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng đơn vị tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 1825/KH-ĐA ngày 09/03/2012 của Ban chỉ đạo Đề án đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ thời gian.

2. Đẩy mạnh công tác phối hợp nhằm triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án kịp thời, hiệu quả

Đề nghị Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan thành viên Đề án phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại mục III Đề án. Trong quá trình triển khai, đặc biệt là trong việc xây dựng, ban hành văn bản, cơ chế, chính sách đối với thanh thiếu niên, kiểm tra thực hiện Đề án, cơ quan chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thành viên Đề án có liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đó và nâng cao hiệu quả của Đề án.

Bộ Tư pháp, các cơ quan thành viên Đề án (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam…), Đoàn khối các cơ quan Trung ương tích cực phối hợp để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ: rà soát, đánh giá các mô hình, hình thức PBGDPL cho thanh niên có hiệu quả; thực hiện chương trình, chuyên mục PBGDPL trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và một số báo ngành; tổ chức các đợt nói chuyện, hướng dẫn hành vi ứng xử pháp luật cho thanh thiếu niên các tỉnh, thành phố chỉ đạo điểm; biên soạn, phát hành các tài liệu pháp luật; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho cán bộ Đoàn, báo cáo viên pháp luật; tổ chức tọa đàm, hội thảo về giải pháp, biện pháp nâng cao hiệu qủa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.

3. Các hoạt động tập trung triển khai trong năm 2012

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 2160/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Đoàn thanh niên cơ quan, các đơn vị theo ngành dọc ở địa phương tập trung triển khai một số hoạt động sau:

- Tổ chức quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các quy định liên quan trực tiếp đến thanh niên, cơ chế, chính sách đối với thanh niên cho đội ngũ công chức, viên chức thanh niên thông qua hội nghị, trang thông tin điện tử, báo ngành.

- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên là đối tượng của Đề án thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành, đoàn thể bằng các hình thức phù hợp, chú trọng các văn bản pháp luật chuyên ngành nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của ngành mình.

- Biên soạn các tài liệu pháp luật (sổ tay hỏi đáp, tờ gấp pháp luật) giới thiệu, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ, ngành, đoàn thể chủ trì soạn thảo, cung cấp hoặc đưa lên trang thông tin điện tử để các cơ quan, đơn vị khai thác, phục vụ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.

- Tổ chức các diễn đàn, đối thoại để các đoàn viên thanh niên giao lưu, trao đổi, đề xuất với người đứng đầu bộ, ngành, đoàn thể, góp phần nâng cao hiệu quả công việc chuyên môn, giáo dục lối sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

II. ĐỐI VỚI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

1. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án đến cấp huyện, cấp xã

Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hoặc chỉ đạo Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, cơ quan Thường trực Đề án, Sở Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án ở cấp mình, đồng thời chỉ đạo cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện Đề án phù hợp với điều kiện thực tế, đầu tư nguồn lực, bố trí kinh phí để Đề án được triển khai đến xã, phường, thị trấn, đảm bảo thanh niên, thiếu niên trên địa bàn được tiếp cận với pháp luật và hướng dẫn hành vi ứng xử pháp luật.

2. Tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án của địa phương

Sở Tư pháp tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Ban điều hành Đề án, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án theo hướng dẫn tại Công văn số 801/BTP-PBGDPL ngày 28/02/2011 của Bộ Tư pháp, đồng thời chủ động triển khai kịp thời các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch.

Tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, UBND cấp tỉnh hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án từng năm, đảm bảo các nhiệm vụ Đề án được triển khai sâu rộng, có nề nếp, tổ chức thường xuyên việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên, thiếu niên trên địa bàn bằng hình thức, biện pháp phù hợp. Pháp huy vai trò của đội thanh niên xung kích, đội tuyên truyền thanh niên, thanh niên tình nguyện; kết hợp, lồng ghép với các phong trào, cuộc vận động do Đoàn, Hội, Đội phát động để triển khai sâu rộng các hoạt động của Đề án.

3. Chọn địa bàn chỉ đạo điểm Đề án, tổ chức đợt cao điểm về tuyên truyền pháp luật, vận động chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên

Mỗi cấp ở địa phương, chọn một số địa bàn thực hiện chỉ đạo điểm Đề án ở cấp mình để đánh giá, rút kinh nghiệm, tạo cơ sở triển khai trên diện rộng giai đoạn tiếp theo. Việc chỉ đạo điểm có thể tiến hành đối với một hoặc một số đối tượng, theo từng năm hoặc theo giai đoạn, trong đó chú trọng các nhóm thanh thiếu niên của Đề án, địa bàn thường xuyên xảy ra vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tội phạm có xu hướng gia tăng, tỷ lệ thanh thiếu niên vi phạm pháp luật cao. Đồng thời, chọn điểm một số mô hình tuyên truyền được đánh giá có hiệu quả ở địa phương để thực hiện PBGDPL cho thanh thiếu niên.

Căn cứ điều kiện thực tế, mỗi cấp ở địa phương tổ chức ít nhất 02 đợt cao điểm về tuyên truyền pháp luật, vận động chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu, giúp UBND cùng cấp chỉ đạo, tổ chức đợt cao điểm ở cấp mình; đồng thời, hướng dẫn nội dung, thời gian tổ chức các đợt cao điểm ở cấp huyện, cấp xã.

4. Các hoạt động tập trung triển khai trong năm 2012

Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, kế hoạch thực hiện Đề án của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, năm 2012, các địa phương tập trung triển khai các hoạt động sau:

- Biên soạn các tài liệu phục vụ hoạt động tập huấn, bồi dưỡng pháp luật cho cán bộ làm công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên; hoạt động thanh niên tình nguyện phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức giới thiệu, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho thanh thiếu niên.

- Tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong thanh niên, cán bộ Đoàn.

- Xây dựng, thực hiện các chuyên mục về pháp luật cho thanh thiếu niên trên đài phát thanh và truyền hình, các báo của địa phương.

- Tổ chức các lớp (đợt) tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn hành vi ứng xử pháp luật cho các nhóm thanh thiếu niên thuộc đối tượng của Đề án.

- Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp giữa chuyên gia pháp luật, người thực thi pháp luật có kinh nghiệm (luật sư, thẩm phán, kiểm sát viên, đại biểu quốc hội…) với thanh thiếu niên để trao đổi, nói chuyện về những vấn đề cụ thể trong xử lý, thi hành pháp luật, giúp thanh thiếu niên nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử pháp luật.

- Tổ chức xét xử lưu động các vụ án có thanh thiếu niên tham gia; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động cho thanh thiếu niên ở cơ sở.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương:

- Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương;

- Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án của Bộ Tư pháp để tổ chức triển khai các nhiệm vụ Đề án phù hợp với điều kiện thực tế của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.

2. Chế độ thông tin, báo cáo

Hàng năm, đề nghị Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương thông tin, báo cáo kết quả thực hiện Đề án, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án (nếu có) để Bộ Tư pháp nắm bắt tình hình, kịp thời hướng dẫn, giải quyết. Báo cáo kết quả thực hiện Đề án năm 2012 được gửi về Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) trước ngày 30/11/2012 để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Kinh phí thực hiện Đề án

Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Việc chi, thanh quyết toán kinh phí triển khai Đề án thực hiện theo các quy định của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương về lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương có thể huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và ngoài nước, đồng thời kết hợp với các Chương trình, Đề án khác (nếu có).

Trên đây là một số nội dung hướng dẫn việc triển khai thực hiện “Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015” năm 2012. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vương mắc, đề nghị các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật) để nghiên cứu, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các tổ chức đoàn thể (để chỉ đạo);
- Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để chỉ đạo);
- Tổ chức pháp chế hoặc đơn vị có chức năng, nhiệm vụ quản lý công tác thanh niên của Bộ, ngành, đoàn thể (thường trực Đề án) (để thực hiện);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Vụ KH-TC, VP Bộ;
- Lưu: VT, Vụ PBGDPL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thúy Hiền