Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 291/QLCL-CL2
V/v: hướng dẫn triển khai Thông tư số 05/2010/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 02 tháng 3 năm 2010

 

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW

Ngày 22/01/2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 05/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản trước khi đưa ra thị trường. Thông tư có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký (ngày 8/3/2010).

Theo Thông tư này, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản có nhiệm vụ “tổ chức kiểm tra có lựa chọn theo kế hoạch hàng năm được duyệt hoặc kiểm tra đột xuất theo phân công của Bộ trưởng về điều kiện đảm bảo VSATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản trên phạm vi toàn quốc; chủ trì phối hợp với các Cục quản lý chuyên ngành tổ chức truy xuất nguyên nhân thực phẩm nông sản không đảm bảo VSATTP” (Điều 9).

Để triển khai nhiệm vụ Bộ giao, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản đề nghị Quý Sở chỉ đạo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản hoặc đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra có lựa chọn, kiểm tra đột xuất điều kiện đảm bảo VSATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản tại địa phương trình Sở phê duyệt, gửi về Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản để tổng hợp kế hoạch chung và thực hiện kiểm tra theo kế hoạch sau khi được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với Chi cục Thú y, Chi cục Bảo vệ thực vật thực hiện truy xuất nguyên nhân thực phẩm nông sản không đảm bảo VSATTP tại địa phương.

- Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu gửi báo cáo kết quả triển khai về Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản.

Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ nêu trên tại địa phương năm 2010 như sau:

1.1. Mục đích:

- Kiểm tra theo kế hoạch có lựa chọn nhằm đánh giá thực trạng điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản và đề xuất các biện pháp cần triển khai trong công tác quản lý và kiểm tra cho năm 2011.

- Kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của Sở, của Cục nhằm xác minh, truy xuất nguyên nhân thực phẩm nông sản không đảm bảo VSATTP tại địa phương và xử lý vi phạm theo pháp luật đối với các trường hợp khiếu nại hoặc có thông tin mất an toàn thực phẩm.

1.2. Nội dung:

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra có lựa chọn, kiểm tra đột xuất điều kiện đảm bảo VSATTP của một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông sản thuộc địa bàn quản lý, tập trung kiểm tra các cơ sở thuộc chuỗi sản xuất kinh doanh rau, quả, chè, thịt (thịt gà, thịt lợn): cơ sở trồng trọt, chăn nuôi; cơ sở đóng gói; cơ sở giết mổ, chợ bán buôn rau, thịt;

- Tham dự lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP nông sản do Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản tổ chức (dự kiến trong tháng 3/2010);

- Thực hiện kiểm tra điều kiện đảm bảo VSATTP các cơ sơ sản xuất kinh doanh nông sản theo kế hoạch được phê duyệt; Lấy mẫu rau, quả, chè, thịt gà, thịt lợn (lấy mẫu xác xuất hoặc khi nghi ngờ) để phân tích các chỉ tiêu ATTP tại phòng kiểm nghiệm có khả năng thực hiện (xem phụ lục 1, 2).

1.3. Nguồn kinh phí:

Sử dụng 2 nguồn kinh phí:

- Kinh phí từ Dự án đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm năm 2010 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006 - 2010 cấp qua ngân sách địa phương và ngân sách của địa phương cho công tác đảm bảo VSATTP (nếu có);

- Kinh phí đề xuất xem xét hỗ trợ từ nguồn Dự án đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm năm 2010 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn 2006 - 2010 hoặc ngân sách Nhà nước cấp qua Cục năm 2010 cho hoạt động kiểm tra, giám sát VSATTP nông sản (khoảng 1,8 tỷ đồng).

- Các mục kinh phí bao gồm: chi phí đi kiểm tra (công tác phí, đi lại, lưu trú), lấy mẫu, gửi mẫu, phân tích mẫu cho triển khai hoạt động kiểm tra theo quy định của Nhà nước.

Các nội dung hoạt động và dự trù kinh phí tương ứng của các đơn vị đề nghị Cục hỗ trợ cần gửi về Cục trước ngày 15/3/2010 để thẩm định, tổng hợp.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị thông báo về Cục để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời (Fax: 04.38317221; ĐT: 04.44591898).

 

 

Nơi nhận:  
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Lương Lê Phương (để b/c);
- Các Phó Cục trưởng (để biết);
- Chi cục QLCL NLTS;
- Cơ quan QLCL NLS&TS Trung bộ, Nam bộ (để hướng dẫn, đôn đốc);
- Các phòng: TC, QLKN, Thanh tra, Văn phòng (để p/hợp);
- Lưu: VT, CL2

KT.CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG






Phùng Hữu Hào

 

PHỤ LỤC 1

DANH SÁCH CÁC PHÒNG KIỂM NGHIỆM CÓ KHẢ NĂNG PHÂN TÍCH CÁC CHỈ TIÊU ATVSTP NÔNG SẢN
(Kèm theo công văn số 291/QLCL-CL2 ngày 02/3/2010 của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản)

TT

Phòng Kiểm nghiệm

Địa chỉ

Ghi chú

1

Trung tâm Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Bắc, Cục Bảo vệ thực vật (VILAS 168)

149 Hồ Đắc Di, Đống Đa, Hà Nội.

Dư lượng thuốc BVTV

2

Trung tâm Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật (VILAS 244)

28 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Dư lượng thuốc BVTV

3

Phòng thí nghiệm QUATEST 1 Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (VILAS 021)

Số 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội

VSV trong thịt; Dư lượng một số chỉ tiêu thuốc BVTV;

4

Phòng thí nghiệm QUATEST 2, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (VILAS 038, VILAS 166)

02 Ngô Quyền, phường Thọ Quang, Quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

VSV trong thịt; Dư lượng một số chỉ tiêu thuốc BVTV;

5

Phòng thí nghiệm QUATEST 3, Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Số 7 Đường số 1, Khu Công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai

VSV trong thịt; Dư lượng một số chỉ tiêu thuốc BVTV;  Dư lượng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng;

6

Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm - CASE (VILAS 092)

02 Nguyễn Văn Thủ, P. Đa Kao, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh

VSV trong thịt; Dư lượng một số chỉ tiêu thuốc BVTV;

Dư lượng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng

7

Viện Kiểm nghiệm Quốc gia (VILAS 203)

48 Tăng Bạt Hồ, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

VSV trong thịt;

8

Trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương I, Cục Thú y

Số 28 ngõ 78 đường Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội

VSV trong thịt;  Dư lượng kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng;

9

Trung tâm kiểm tra vệ sinh thú y Trung ương II, Cục Thú y

521/1 Hoàng Quốc Việt, Phường 4, Quận Tân Bình, tp. Hồ Chí Minh

VSV trong thịt;  Dư lượng kháng sinh;

10

Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 1 (VILAS 123)

51 Lê Lai, Quận Ngô Quyền, Hải Phòng

VSV trong thịt

11

Trung tâm Chất lượng Nông Lâm Thủy sản vùng 5 (VILAS 104)

171 Phan Ngọc Hiển, Phường 6, tp. Cà Mau, tỉnh Cà Mau

VSV trong thịt

12

Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, Viện Vệ sinh y tế công cộng (VILAS 219)

159 Hưng Phú, Quận 8, tp. Hồ Chí Minh)

VSV trong thịt;

Ghi chú: Các đơn vị cần chủ động liên hệ với PKN để nắm được thông tin hiện trạng thực tế của PKN trước khi gửi mẫu phân tích.

 

PHỤ LỤC 2

DỰ KIẾN LOẠI MẪU, CHỈ TIÊU PHÂN TÍCH ATVSTP NÔNG SẢN
(Kèm theo công văn số 291/QLCL-CL2 ngày 02/3/2010 của Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản)

1. Mẫu rau:

1.1. Loại mẫu: tập trung vào các loại rau ăn lá.

1.2. Chỉ tiêu kiểm tra: chỉ định chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV căn cứ trên tình hình sử dụng thuốc BVTV tại vùng sản xuất và tham khảo danh sách các hoạt chất dưới đây:

- Nhóm Phospho hữu cơ: Methamidophos, Acephate, Trichlorfon, Profenophos, Chlorpyriphos.

- Nhóm Pyrethroid: Cypermethrin, Fenvalerate, Cyfluthrin, Permethrin.

- Nhóm khác: Carbendazim, Endosulfan, Fipronil, Chlorothalonil, Metalaxyl, Imidacloprid.

2. Mẫu thịt:

2.1. Loại mẫu: Thịt lợn, thịt gà.

2.2. Chỉ tiêu kiểm tra:

- Vi sinh vật: Salmonella, Staphylococcus aureus (mẫu thịt lợn, thịt gà);  Campylobacter (mẫu thịt gà).

- Dư lượng hóa chất cấm: kiểm tra dư lượng hoạt chất nhóm β–agonists là Clenbuterol và Salbutamol (mẫu thịt lợn).

3. Mẫu chè:

Chỉ định chỉ tiêu dư lượng thuốc BVTV căn cứ trên tình hình sử dụng thuốc BVTV tại vùng sản xuất.