Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TƯ PHÁP
CỤC BỒI THƯỜNG
NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 294/BTNN-NV2
V/v trả lời ý kiến của Sở Tư pháp Cà Mau về thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước

Hà Nội, ngày 25 tháng 9 năm 2018

 

Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau

Phúc đáp Công văn số 912/STP-VP ngày 05/9/2018 của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau về việc xin ý kiến về thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước, Cục Bồi thường nhà nước đã trao đổi với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật. Trên cơ sở thống nhất ý kiến với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Cục Bồi thường nhà nước có ý kiến cụ thể như sau:

1. Về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở ba cấp tỉnh, huyện và xã

Về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 quy định một thủ tục chung được áp dụng cho tất cả các cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại mà không phân biệt cơ quan đó ở cấp nào. Vì vậy, thời gian giải quyết đối với 03 thủ tục hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã là như nhau.

2. Về việc xác định tổng thời gian thực hiện thủ tục hành chính để giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại

Theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 và Quyết định số 1442/QĐ-BTP ngày 26/6/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc công bố thủ tục hành chính được ban hành mới, thủ tục hành chính được thay thế, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực bồi thường nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp thì các bước và thời gian thực hiện các bước trong tổng thể quy trình thực hiện thủ tục hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại đã được quy định cụ thể, rõ ràng.

Khi công bố thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại, không xác định tổng thời gian thực hiện thủ tục mà chia theo từng bước cụ thể vì việc giải quyết yêu cầu bồi thường là một quy trình với nhiều hoạt động xử lý nghiệp vụ phức tạp, cần sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan. Ngoài ra, thời gian thực hiện phụ thuộc vào nhiều sự kiện thực tế trong quá trình giải quyết của từng vụ việc như: các bên có thể thỏa thuận kéo dài thời gian xác minh thiệt, thời gian thương lượng; phát sinh việc hoãn hoặc tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường...

Ngoài ra, tùy từng vụ việc yêu cầu bồi thường cụ thể thì thời điểm được coi là kết thúc việc giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có thể được xác định là khác nhau như: thời điểm cơ quan giải quyết bồi thường trao Quyết định giải quyết bồi thường cho người yêu cầu bồi thường; thời điểm cơ quan giải quyết bồi thường lập biên bản thương lượng không thành; thời điểm người yêu cầu bồi thường rút yêu cầu bồi thường trước khi cơ quan giải quyết bồi thường tiến hành xác minh thiệt hại…Do vậy, nếu vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường được thuận lợi, không có các trường hợp phức tạp cần phải kéo dài thời hạn hoặc không có tình tiết dẫn đến hoãn, tạm đình chỉ…thì thời hạn giải quyết bồi thường tối thiểu quy định trong luật là 47 ngày kể từ ngày cơ quan giải quyết bồi thường tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường hợp lệ. Còn đối với vụ việc mà phát sinh thêm các trường hợp dẫn đến phải kéo dài, phải hoãn, tạm đình chỉ giải quyết bồi thường thì thời hạn sẽ kéo dài thêm tùy từng trường hợp.

Chính vì những lý do nêu trên, không thể xác định được một thời hạn chung về giải quyết bồi thường cho tất cả các vụ việc giải quyết bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại.

3. Đối với việc ghi phiếu hẹn cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính

Thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có đặc thù là người yêu cầu bồi thường sẽ phải tham gia buổi thương lượng một hoặc nhiều lần để thống nhất về các nội dung bồi thường và kết quả của thủ tục hành chính là quyết định giải quyết bồi thường sẽ được trao cho người yêu cầu bồi thường ngay sau buổi thương lượng (trong trường hợp thương lượng thành) hoặc là biên bản thương lượng không thành (trong trường hợp thương lượng không thành) chứ không trả thẳng kết quả như các thủ tục hành chính thông thường khác. Do đó, thay vì ghi phiếu hẹn, cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường có thể thông báo thông tin liên hệ để đối tượng thực hiện thủ tục hành chính chủ động cập nhật tình hình giải quyết thủ tục hay khẳng định trách nhiệm của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính trong việc thông báo những thông tin cần thiết cho người yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết thủ tục tại giấy xác nhận đã nhận hồ sơ.

Trên đây là nội dung trả lời ý kiến về thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường nhà nước của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, Cục Bồi thường nhà nước gửi Quý cơ quan để biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc (để báo cáo);
- Lưu: VT, NV2.

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Văn Bốn