Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2947/BNN-TY
V/v Tăng cường công tác phòng chống dịch tai xanh trên toàn quốc

Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2010

 

Kính gửi: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Từ cuối tháng 6 năm 2010, theo báo cáo của Cục Thú y, dịch Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (Tai xanh) đã lây lan nhanh và gây thiệt hại nghiêm trọng ở hầu hết các tỉnh phía Nam và đang có chiều hướng gia tăng, tập trung ở các tỉnh Nam bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đến nay dịch đã xảy ra ở 1032 xã, thuộc 150 huyện của 29 tỉnh, với 346.438 lợn mắc bệnh và 169.884 lợn chết và bị tiêu hủy. Khả năng dịch tiếp tục lây lan đến các xã, huyện mới ở tỉnh đang có dịch và xuất hiện ở các tỉnh chưa có dịch là rất cao.

Nguyên nhân làm dịch lan rộng, dây dưa kéo dài là do một số địa phương các cấp chưa thực sự phòng, chống dịch quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Để nhanh chóng dập tắt dịch, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi có dịch xảy ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung. Công điện số 615/TTg-KTN ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 2507/CT-BNN-TY ngày 5/8/2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh Tai xanh và Công điện số: 14, 15, 18/CĐ-BNN-TY và công văn số 1429/BNN-TY ngày 17/5/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó cần phải triển khai ngay một số việc cấp bách sau:

1. Các tỉnh có dịch phải công bố dịch (hiện nay còn tỉnh Trà Vinh và thành phố Cần Thơ vẫn chưa công bố dịch), những tỉnh đã công bố dịch nhưng chưa công bố đầy đủ số xã, huyện có dịch phải tiếp tục công bố dịch.

2. Tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp, phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách từng địa bàn, có chế độ báo cáo, giao ban.

3. Chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra dịch bệnh ở từng thôn, ấp, kiểm tra, giám sát đến từng hộ chăn nuôi nhằm phát hiện dịch sớm, tránh tình trạng chỉ biết dịch xảy ra khi người dân báo cáo.

4. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về cách phòng chống bệnh, phác đồ điều trị, không ăn thịt lợn ốm, chết, chỉ mua và sử dụng thịt lợn đã được kiểm soát giết mổ.

5. Quyết định mức hỗ trợ cho người chăn nuôi khi có lợn ốm phải tiêu hủy theo Quyết định số 719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/6/2008 và Thông tư hướng dẫn chế độ tài chính phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm số 80/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính. Mức hỗ trợ phải phù hợp với từng địa phương, không đưa mức cao hơn giá thị trường làm cho người dân muốn tiêu hủy lợn bệnh hơn là chăm sóc, điều trị gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và gây ô nhiễm môi trường. Công khai chính sách hỗ trợ cụ thể để cho người dân biết và thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, các Sở, ban, ngành liên quan của địa phương nghiêm túc, khẩn trương triển khai thực hiện nội dung công văn này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng phối hợp giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Sở NN-PTNT, CCTY các tỉnh, thành phố;
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ;
- Lưu: VT, Cục Thú y.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát