BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2948 TCT/CS | Hà Nội, ngày 1 tháng 8 năm 2001 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long
Trả lời công văn số 160/CT-TTr ngày 27/6/2001 của Cục Thuế hỏi về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1- Về thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính:
Khoản 2, Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định: “2. Người có thẩm quyền xử phạt có quyền ra quyết định cưỡng chế và có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế.
3. Lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm thi hành quyết định cưỡng chế của Uỷ ban Nhân dân cùng cấp và phải phối hợp với các cơ quan Nhà nước khác tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế của các cơ quan đó khi được yêu cầu.”
Căn cứ quy định trên cơ quan thuế có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì có quyền quyết định cưỡng ché thi hành. Để đảm bảo thực hiện được việc cưỡng chế, nhất là trường hợp phải kê biên tài sản, cơ quan thuế báo cáo xin ý kiến UBND cùng cấp để UBND chỉ đạo lực lượng công an, Viện kiểm sát nhân dân phối hợp, hỗ trợ cơ quan thuế tổ chức thực hiện theo quy định tại điểm 2.3, mục III Thông tư số 128/1998/TT-BTC ngày 22/9/1998 của Bộ Tài chính.
2- Về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán và lĩnh vực thuế:
Điều 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định “Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính”, Khoản 1 ghi: “1. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải do người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.”; Khoản 4 có ghi: “4. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm.”
Điều 94 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định: “Những quy định về xử lý vi phạm hành chính trước đây trái với Pháp lệnh này đều bị bãi bỏ, trong trường hợp luật có quy định khác thì áp dụng theo quy định của luật.”.
Căn cứ điểm 2.4, Mục II Thông tư số 30/2001/TT-BTC ngày 16/5/2001 của Bộ Tài chính.
Căn cứ các quy định trên, Cơ quan thuế kiểm tra phát hiện cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán quy định tại Nghị định số 49/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ, đồng thời vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế thì cơ quan thuế có quyền báo cáo, chuyển hồ sơ cho UBND địa phương thực hiện xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán theo thẩm quyền.
Đối với hành vi vi phạm về kế toán dẫn đến trốn thuế thì ngoài việc báo cáo UBND xử phạt vi phạm hành chính về kế toán, cơ quan thuế tiến hành tính thuế truy thu số thuế trốn lậu (nếu có) theo quy định tại Khoản 1.a, Điều 18 Luật thuế giá trị gia tăng, khoản 1.a, Điều 16 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế theo thẩm quyền quy định tại Điều 20 Luật thuế giá trị gia tăng Điều 25 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Thông tư số 128/1998/TT-BTC ngày 22/9/1998 và Thông tư số 30/2001/TT-BTC .
Trường hợp, họ kinh doanh đăng ký, nộp thuế theo kê khai nhưng có tháng không chấp hành đầy đủ chế độ lập hoá đơn, chứng từ khi bán hàng hoá, thì cơ quan thuế căn cứ tình hình thực tế kinh doanh của hộ và các hộ kinh doanh khác có cùng quy mô, ngành hàng kinh doanh để tổ chức ấn định lớn hơn số thuế của họ kê khai, thì số thuế chênh lệch coi là số thuế trốn lậu, bị truy thu và xử phạt hành chính theo quy định.
Thời điểm để xác định cơ sở nộp thuế theo kê khai bị xử phạt theo số lần thuế trốn lậu về hành vi khai man, trốn thuế nếu bị phát hiện sau ngày phải nộp quyết toán thuế hay phải nộp đủ số hồ sơ theo quy định tại điểm 2.1, Mục II Thông tư số 30/2001/TT-BTC nêu trên, cụ thể như sau:
- Đối với thuế GTGT Thời điểm để xác định hành vi khai man trốn thuế của tháng này là ngày 26 của tháng tiếp sau hoặc kể từ ngày thứ 46 tính từ ngày có quyết định sát nhập, giải thể...
- Đối với thuế TNDN Thời điểm để xác định hành vi khai man trốn thuế của năm này là ngày thứ 61 của năm tiếp sau hoặc kể từ ngày thứ 46 tính từ ngày có quyết định sát nhập, giải thể...
3- Về hàng hoá vận chuyển trên đường không có đầy đủ hồ sơ:
- Điều 2.2.1, Mục 1 Thông tư số 30/2001/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “ Hàng hoá vận chuyển không có đầy đủ hồ sơ chứng minh hàng đã nộp thuế hoặc hàng đã được cơ quan thuế quản lý theo quy định cho từng đối tượng kinh doanh.
Hành vi vi phạm nêu tại điểm này chỉ coi là hành vi khai man, trốn thuế nếu sau thời hạn tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế kiểm tra thấy còn nghi vấn và cho phép đối tượng có hành vi vi phạm thu thập đầy đủ hồ sơ hợp lệ chứng minh lô hàng đã nộp thuế (đối với hàng hoá mua, bán, trao đổi) hoặc đã được cơ quan thu thuế quản lý (đối với hàng hoá chuyển kho trong cùng một đơn vị), nhưng đối tượng vi phạm vẫn không xuất trình đầy đủ hồ sơ hợp lệ...”.
Vì vậy, Cơ quan quản lý thị trường khi kiểm tra phát hiện hàng hoá vận chuyển không có đủ hồ sơ chứng minh hàng đã nộp thuế, mà chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để xử lý về thuế thì cơ quan thuế nhận hồ sơ và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế theo quy định.
Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế biết thực hiện./.
| KT/TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ |
- 1 Công văn số 2379/TCT-PCCS của Tổng Cục Thuế về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
- 2 Công văn về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế
- 3 Thông tư 30/2001/TT-BTC sửa đổi Thông tư 128/1998/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 22/CP 1996 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế do Bộ Tài Chính ban hành
- 4 Nghị định 49/1999/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán
- 5 Thông tư 128/1998/TT-BTC sửa đổi Thông tư 45-TC/TCT-1996 hướng dẫn Nghị định 22/CP-1996 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 6 Luật Thuế giá trị gia tăng 1997
- 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 1997
- 8 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995