Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3002/TCT-DNL
V/v: hướng dẫn xác định chi phí lãi vay theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 8 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang.
(541/3 Điện Biên Phủ, Phường 3, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh)

Tổng cục Thuế nhận được văn bản số 3095/VPCP-ĐMDN ngày 05/4/2018 của Văn phòng Chính phủ chuyển đến Tổng cục Thuế nêu vướng mắc và kiến nghị của Quý Công ty về chính sách thuế liên quan đến chi phí lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015 quy định việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định người nộp thuế (NNT) thuộc đối tượng áp dụng Nghị định 20/2017/NĐ-CP ;

Căn cứ Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN);

Căn cứ Điều 1 4 Nghị định số 20/20 1 7/NĐ-CP quy định hiệu lực thi hành của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ;

Căn cứ Điều 6 Thông tư số 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định hiệu lực thi hành của Thông tư số 41/2017/TT-BTC .

Căn cứ các quy định nêu trên:

- Đối tượng áp dụng quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP là NNT có phát sinh giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP, trừ trường hợp NNT là đối tượng áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng và Luật kinh doanh bảo hiểm.

- Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của NNT được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP được tính trên tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ, không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ giao dịch vay với bên liên kết hay bên độc lập và không bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, lãi tiền vay.

- Về việc xác định chi phí lãi vay được trừ để xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP trong năm tài chính 2017:

+ Áp dụng quy định đối với chi phí lãi vay phát sinh từ ngày 01/5/2017 trở đi đến hết năm tài chính, không phân biệt hợp đồng vay được ký kết trước hay sau ngày 01/5/2017;

+ Trường hợp NNT hạch toán theo dõi riêng được kết quả kinh doanh từ 01/5/2017 đến hết năm tài chính thì các chỉ tiêu để tính “Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ” được xác định theo số liệu phát sinh thực tế;

+ Trường hợp NNT không hạch toán theo dõi riêng được kết quả kinh doanh từ ngày 01/5/2017 đến hết năm tài chính thì các chỉ tiêu để tính “Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ” được phân bổ tương ứng với số tháng còn lại của năm tài chính kể từ ngày 01/5/2017.

Những kiến nghị của Quý Công ty liên quan đến quy định giới hạn chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP đã được Tổng cục Thuế nghiên cứu tổng hợp để tham mưu với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo. Đồng thời, Tổng cục Thuế tiếp tục nghiên cứu các kiến nghị, đề xuất của Quý Công ty để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP cùng với các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.

Tổng cục Thuế trả lời để Quý Công ty biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Lãnh đạo Bộ (để báo cáo)
- Phó TCTr Phi Vân Tuấn (để báo cáo);
- VCCI (để tổng hợp);
- Lưu: VT, DNL (2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ QLT DOANH NGHIỆP LỚN




Nguyễn Văn Phụng