BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3017/BNN-CB | Hà Nội, ngày 20 tháng 10 năm 2011 |
Kính gửi: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo đề nghị của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam và Hiệp hội Điều Việt Nam, ngày 13/10/2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn thu mua, xuất nhập khẩu ngành cà phê và điều. Cuộc họp đã ghi nhận một số nội dung như sau:
- Đối với ngành cà phê: Niên vụ 2010/2011 đã kết thúc, ngành cà phê đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD. Niên vụ 2011/2012 dự báo giá cà phê sẽ có diễn biến thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên cũng như các vụ trước, vào khoảng thời gian thu hoạch rộ (tháng 11-12) cũng là lúc các doanh nghiệp khan hiếm về tài chính và gặp khó khăn trong vay vốn, do đó phải chốt giá và ồ ạt giao hàng, dẫn đến dễ bị ép giá, gây thiệt hại cho ngành cà phê Việt Nam.
Về phía các ngân hàng thương mại đều đã có các chính sách và dành vốn cho các doanh nghiệp cà phê, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện vay do đó khó tiếp cận được nguồn vốn này.
- Đối với ngành điều: Do lãi suất vay vốn cao, chi phí đầu vào tăng trong khi áp lực trả nợ ngân hàng những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp phải bán giá thấp để trả nợ dẫn đến thua lỗ.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét:
- Đối với ngành cà phê: Bố trí nguồn vốn vay lưu động khoảng 16.000 tỷ đồng để thu mua và chủ động tạm trữ cà phê xuất khẩu. Hình thức vay không phụ thuộc vào hạn mức, có thể cho vay 100% giá trị hàng nhập kho. Thời hạn vay tối thiểu 6 tháng và có chính sách ân hạn thêm khoảng 6 tháng khi thị trường bất lợi.
- Đối với ngành điều: Bố trí nguồn vốn vay khoảng 29.000 tỷ đồng, trong đó 13.000 tỷ để thu mua điều thô trong nước, 13.000 để nhập khẩu nguyên liệu và 3.000 tỷ đồng cho vay dài hạn để hỗ trợ tín dụng đầu tư trang thiết bị, máy móc cho ngành điều; thời hạn vay 12 tháng và áp dụng mức ưu đãi lãi suất tối đa.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, đề nghị Ngân hàng xem xét điều chỉnh các điều kiện cho vay, tăng tỷ lệ áp dụng hình thức cho vay tín chấp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Bộ Công Thương có biện pháp chấn chỉnh các doanh nghiệp cà phê, đặc biệt về phương thức kinh doanh sao cho hoạt động có hiệu quả, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, giải quyết.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |