Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3063/TCT-CS
V/v: chính sách thuế

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk.

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 1302/CT-THNVDT ngày 12/5/2014 của Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Điều 20 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Điều 20. Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp

Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng.

Hóa đơn giả là hóa đơn được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn đã được phát hành của tổ chức, cá nhân khác hoặc in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn.

Hóa đơn chưa có giá trị sử dụng là hóa đơn đã được tạo theo hướng dẫn tại Thông tư này, nhưng chưa hoàn thành việc thông báo phát hành.

Hóa đơn hết giá trị sử dụng là hóa đơn đã làm đủ thủ tục phát hành nhưng tổ chức, cá nhân phát hành thông báo không tiếp tục sử dụng nữa; các loại hóa đơn bị mất sau khi đã thông báo phát hành được tổ chức, cá nhân phát hành báo mất với cơ quan thuế quản lý trực tiếp; hóa đơn của các tổ chức, cá nhân đã ngừng sử dụng mã số thuế (còn gọi là đóng mã số thuế).”

Tại Điều 21 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn: “Điều 21. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn

1. Sử dụng bất hợp pháp hóa đơn là việc lập khống hóa đơn; cho hoặc bán hóa đơn chưa lập để tổ chức, cá nhân khác lập khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ các trường hợp được sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế bán hoặc cấp và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này); cho hoặc bán hóa đơn đã lập để tổ chức, cá nhân khác hạch toán, khai thuế hoặc thanh toán vốn ngân sách; lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc; lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên; dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác.

2. Một số trường hợp cụ thể được xác định là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn:

- Hóa đơn có nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ.

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán ra, để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra để gian lận thuế, để bán hàng hóa nhưng không kê khai nộp thuế.

- Sử dụng hóa đơn của tổ chức, cá nhân khác để bán hàng hóa, dịch vụ, nhưng không kê khai nộp thuế, gian lận thuế; để hợp thức hàng hóa, dịch vụ mua vào không có chứng từ.

- Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn.

- Sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ mà cơ quan thuế, cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.”

Tại Điều 37 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định: “Điều 37. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

2. Trường hợp vi phạm các quy định tại các Điều 28, 29, 30, 31, 32 33 và 34 mà dẫn đến hành vi khai sai làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì xử phạt các hành vi đó theo quy định tại Luật Quản lý thuế.”

Tại Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ quy định: “Điều 14. Xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế

Người nộp thuế có hành vi trốn thuế, gian lận thuế quy định tại Điều 108 của Luật Quản lý thuế ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận thì còn bị xử phạt theo số lần tính trên số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận như sau:

1. Phạt tiền 1 lần tính trên số thuế trốn, số thuế gian lận đối với người nộp thuế vi phạm lần đầu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 Nghị định này hoặc vi phạm lần thứ hai mà có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên khi có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 (chín mươi) ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại các khoản 1, 2, 3 và khoản 5 Điều 32 của Luật Quản lý thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế quy định tại Điều 33 của Luật Quản lý thuế;

Đối với trường hợp nộp hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý quá 90 ngày so với thời hạn quy định, nhưng vẫn trong thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thì không xử phạt về hành vi trốn thuế quy định tại Điều này mà xử phạt vi phạm về hành vi khai thuế quy định tại Điều 9 Nghị định này.

b) Không cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp hoặc cung cấp sau thời hạn quy định đối với hàng hóa vận chuyển trên đường;

c) Sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán trị giá hàng hóa, nguyên liệu đầu vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ được hoàn;

d) Lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn giảm;

đ) Lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị để khai thuế thấp hơn thực tế;

e) Sử dụng hóa đơn giá, hóa đơn đã hết hạn sử dụng, hóa đơn của cá nhân, tổ chức khác để bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và khai không đầy đủ số thuế phải nộp, nhưng không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 13 Nghị định này;

g) Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu, chi liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;

h) Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thực tế thanh toán của hàng hóa, dịch vụ đã bán và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;

i) Sử dụng hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán khống giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế miễn, số tiền thuế giảm, số tiền thuế được hoàn;

k) Sử dụng hàng hóa được miễn thuế (bao gồm cả hàng hóa thuộc diện không chịu thuế) không đúng với mục đích quy định mà không khai thuế;

l) Sửa chữa, tẩy xoá chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số thuế miễn, số tiền thuế được giảm;

m) Hủy bỏ chứng từ kế toán, sổ kế toán làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, số thuế miễn, giảm;

n) Sử dụng hóa đơn, chứng từ, tài liệu không hợp pháp trong các trường hợp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn.”

Căn cứ hướng dẫn nêu trên, trường hợp người nộp thuế sử dụng hóa đơn bất hợp pháp dẫn đến hành vi khai sai làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì bị xử phạt theo hướng dẫn tại điểm c, điểm e, điểm i, điểm n Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP. Trường hợp người nộp thuế sử dụng bất hợp pháp hóa đơn dẫn đến hành vi khai sai làm thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn hoặc dẫn đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì bị xử phạt theo hướng dẫn tại điểm đ Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ PC - BTC;
- Vụ PC - TCT;
- Lưu: VT, CS (3).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn