Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3076/TCT-DNL
V/v chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản.

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2012

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa.

Trả lời công văn số 476/CT-TTHT ngày 03/02/2012 của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa về xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) để hình thành tài sản cố định (TSCĐ) của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại điểm k Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 18/2011/TT-BTC ngày 10/2/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định:

“Không tính vào chi phí được trừ: Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối năm là: tiền mặt, tiền gửi, tiền đang chuyển, các khoản nợ phải thu có gốc ngoại tệ; lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành TSCĐ mà TSCĐ này chưa đưa vào sản xuất kinh doanh (không phân biệt doanh nghiệp chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh hay đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh)”

Tại điểm b Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 18/2011/TT-BTC nêu trên quy định:

“Trong năm tính thuế Doanh nghiệp có chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, thì được xác định như sau:

+ Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp được tính vào chi phí hoặc thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ không liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp, nếu phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí sản xuất kinh doanh chính, nếu phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá tính vào thu nhập khác.

+ Lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính được bù trừ với lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính. Sau khi bù trừ nếu còn lãi chênh lệch tỷ giá thì tính vào thu nhập khác, nếu lỗ chênh lệch tỷ giá thì tính vào chi phí sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế.

Trường hợp chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ tính vào chi phí làm cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bị lỗ thì có thể phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá cho năm sau để doanh nghiệp không bị lỗ nhưng phải đảm bảo phần chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số ngoại tệ đến hạn phải trả trong năm đó …”.

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp trong năm 2011, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa đang hoạt động sản xuất kinh doanh, có phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành tài sản cố định thì xử lý như sau:

- Giai đoạn tài sản cố định đang trong quá trình đầu tư, chưa đưa vào sản xuất kinh doanh: lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh khi thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ trong kỳ và lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính không được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Giai đoạn tài sản cố định đã hoàn thành và đi vào hoạt động: lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh khi thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ trong kỳ và lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trường hợp chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ tính vào chi phí làm cho kết quả kinh doanh của Công ty bị lỗ thì có thể phân bổ một phần chênh lệch tỷ giá cho năm sau để doanh nghiệp không bị lỗ nhưng phải đảm bảo phần chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí trong năm ít nhất cũng phải bằng chênh lệch tỷ giá của số ngoại tệ đến hạn phải trả trong năm đó.

Kể từ kỳ tính thuế năm 2012, chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để hình thành TSCĐ của doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện theo quy định tại Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/07/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 và hướng dẫn thi hành Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008, Nghị định số 122/2011/NĐ-CP ngày 27/2/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa được biết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ CS, PC;
- Lưu: VT, DNL (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn