BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3089/BTP-TCTHADS | Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2016 |
Kính gửi: Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015 với nhiều nội dung mới, trong đó có các quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản và thi hành các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản. Quá trình triển khai thực hiện, đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định mới của Luật Phá sản năm 2014. Sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp lưu ý một số vấn đề về việc tổ chức thi hành các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản như sau:
1. Về vai trò của Tổ quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản
Luật Phá sản năm 2014 đã quy định chế định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thay thế chế định Tổ quản lý, thanh lý tài sản để thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp, một số Tổ quản lý, thanh lý tài sản đã được thành lập theo Luật Phá sản năm 2004 vẫn tiếp tục hoạt động theo quy định tại Điều 28 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Cụ thể, đối với các yêu cầu mở thủ tục phá sản đã được Tòa án nhân dân thụ lý trước ngày 01/01/2015 mà đã thành lập Tổ quản lý, thanh lý tài sản theo Luật Phá sản năm 2004, nếu đến ngày 01/01/2015 mà Tổ quản lý, thanh lý tài sản chưa thực hiện xong nhiệm vụ, quyền hạn của mình thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với vụ việc phá sản đó.
Thực tế cho thấy, việc Tổ quản lý, thanh lý tài sản tiếp tục hoạt động gặp một số khó khăn (các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo cơ chế kiêm nhiệm nên rất khó tham gia hoạt động thường xuyên của Tổ; việc xử lý tài sản ở các địa bàn khác khó khả thi, gây tốn kém kinh phí; các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động, kinh phí, thù lao của Tổ quản lý, thanh lý tài sản đang trong quá trình sửa đổi, thay thế). Trong khi đó, Điều 28 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP cũng quy định, trường hợp Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản chỉ định được Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì Tổ quản lý, thanh lý tài sản chấm dứt hoạt động và bị giải thể; Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý, thanh lý tài sản đối với vụ việc đó.
Thực hiện Nghị định số 22/2015/NĐ-CP , đến nay, Bộ Tư pháp đã cấp Chứng chỉ hành nghề Quản tài viên cho 824 người có đủ điều kiện hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Các Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có thể hành nghề trên toàn quốc.
Căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn nêu trên, để thực hiện đúng Luật Phá sản năm 2014, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khắc phục khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh từ hoạt động của Tổ quản lý, thanh lý tài sản được thành lập theo Luật Phá sản năm 2004, cơ quan Thi hành án dân sự cần chỉ đạo Chấp hành viên đang là Tổ trưởng Tổ quản lý, thanh lý tài sản chưa bị giải thể, đề nghị Tòa án có thẩm quyền tiến hành chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định tại Điều 131 Luật Phá sản năm 2014 và khoản 1 Điều 28 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP.
2. Về việc thi hành các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản
2.1. Các loại quyết định của Tòa án giải quyết phá sản mà cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm thi hành:
Theo khoản 1 Điều 17 Luật Phá sản năm 2014, cơ quan Thi hành án dân sự có trách nhiệm thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, quyết định tuyên bố phá sản và các quyết định khác theo quy định của Luật Phá sản năm 2014.
2.2. Một số lưu ý khi thi hành Quyết định tuyên bố phá sản
a) Về thời hạn ra quyết định thi hành quyết định tuyên bố phá sản
Đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, theo quy định của Luật Phá sản năm 2014 về thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản, thì: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản” (khoản 1 Điều 120). Tuy nhiên, việc ra quyết định thi hành án phụ thuộc vào thời điểm mà Tòa án chuyển giao bản án, quyết định sang cơ quan Thi hành án dân sự. Theo đó, Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung, quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án” (khoản 2 Điều 36). Do đó, Cơ quan Thi hành án căn cứ điểm e khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung để xác định thời hạn ra quyết định thi hành án đối với quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
b) Về một số vấn đề liên quan đến nội dung quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản
Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phần nghĩa vụ dân sự trong bản án, quyết định của Tòa án (liên quan đến tài sản, buộc thực hiện công việc hoặc chấm dứt thực hiện công việc). Theo Điều 108 Luật Phá sản năm 2014, quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản có một số nội dung không thuộc thẩm quyền tổ chức thi hành của cơ quan Thi hành án dân sự. Do đó, cơ quan Thi hành án dân sự cần lưu ý các nội dung của Quyết định tuyên bố phá sản để xác định nội dung Quyết định thi hành án. Các khoản thuộc diện thu hồi nợ cho doanh nghiệp phá sản là phần liên quan đến tài sản nên thuộc trách nhiệm thi hành của cơ quan Thi hành án dân sự.
Khi ra quyết định thi hành án, cần rà soát kỹ các tài liệu, phụ lục kèm theo Quyết định tuyên bố phá sản để xác định quyền, nghĩa vụ của các đương sự và ra quyết định thi hành án cho bảo đảm chính xác, đúng quy định của pháp luật. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án có điểm chưa rõ, khó thi hành, cơ quan Thi hành án dân sự không xác định được nội dung cụ thể thì cần áp dụng khoản 2 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung, đề nghị Tòa án xem xét, giải thích.
c) Yêu cầu Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản
Khoản 1 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 quy định “Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản”. Quá trình thực hiện quy định này cần lưu ý:
- Theo Luật Phá sản năm 2014, khi doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản, Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ có trách nhiệm thanh lý tài sản. Do đó, quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 chỉ áp dụng khi vẫn còn tài sản của doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản chưa được thanh lý hoặc chưa được thanh lý xong.
- Việc yêu cầu Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện việc thanh lý tài sản cần lưu ý:
+ Khoản 1 Điều 45 Luật Phá sản 2014 quy định “Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có trách nhiệm chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”. Như vậy, chỉ có Thẩm phán mới có thẩm quyền chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản mà Chấp hành viên có quyền yêu cầu theo khoản 1 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 phải là Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã được Thẩm phán chỉ định.
+ Chấp hành viên lập văn bản theo quy định tại khoản 2 Điều 121 Luật Phá sản năm 2014 để yêu cầu Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (đã được Thẩm phán chỉ định) thực hiện việc thanh lý tài sản.
d) Ủy thác thi hành án khi thi hành Quyết định tuyên bố phá sản
Theo Điều 17 Luật Phá sản năm 2014, cơ quan Thi hành án dân sự có nhiệm vụ thi hành quyết định tuyên bố phá sản (khoản 1); thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 7). Khi thi hành quyết định tuyên bố phá sản, theo điểm c khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản năm 2014, Chấp hành viên có nhiệm vụ thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Như vậy, trong quá trình thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản, khi có căn cứ ủy thác thi hành án, cơ quan Thi hành án dân sự (cơ quan A) có thể ủy thác đến cơ quan Thi hành án dân sự nơi có điều kiện thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự (cơ quan B).
Theo Luật Phá sản năm 2014, sau khi nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải “Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản” (điểm a khoản 2 Điều 120). Như vậy, các khoản tiền thu được từ người mắc nợ sẽ được chuyển vào 01 tài khoản mở tại ngân hàng để thực hiện phương án phân chia theo quyết định tuyên bố phá sản. Do đó, khi thực hiện ủy thác thi hành quyết định thi hành quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự cần lưu ý:
- Trường hợp ủy thác toàn bộ quyết định thi hành quyết định tuyên bố phá sản cho duy nhất 01 cơ quan thi hành án dân sự (cơ quan B), cơ quan nhận ủy thác (cơ quan B) mở một tài khoản đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản (cơ quan B) để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản và thực hiện việc phân chia theo phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố phá sản. Trường hợp cơ quan ủy thác thi hành án (cơ quan A) đã mở tài khoản thì sau khi có thông báo nhận ủy thác, số tiền trong tài khoản (nếu có) được chuyển đến tài khoản mới của cơ quan nhận ủy thác (cơ quan B) để xử lý theo quy định; tài khoản mà cơ quan ủy thác (cơ quan A) đã mở trước đó cần được xem xét, hủy bỏ.
- Trường hợp ủy thác một phần quyết định thi hành án thì cơ quan nhận ủy thác (cơ quan B) ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành vụ việc theo quy định. Khi thu được tiền, tài sản, cơ quan thi hành án nhận ủy thác phải gửi ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan mình. Sau khi đã thi hành xong các khoản có điều kiện theo quyết định ủy thác, cơ quan nhận ủy thác thực hiện chuyển số tiền thu được vào tài khoản của cơ quan thi hành án đã ủy thác (cơ quan A) để thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố phá sản. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án nhận ủy thác (cơ quan B) hoàn thành sau khi kết thúc việc thi hành án đối với nội dung được ủy thác và chuyển tiền cho cơ quan đã ủy thác (cơ quan A).
Những vấn đề khác phát sinh, liên quan đến trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan Thi hành án dân sự, Quản tài viên, Thẩm phán trong quá trình ủy thác thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
3. Kinh phí đảm bảo thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản
Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung, việc thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản thuộc diện chủ động thi hành án, nên, kinh phí đảm bảo cho việc thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với quyết định chủ động thi hành. Tổng cục Thi hành án dân sự đã phân bổ kinh phí chuyên môn nghiệp vụ để đảm bảo hoạt động tổ chức thi hành án, các cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ vào tình hình thực tế và dự toán được giao để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp phát sinh các vụ việc phức tạp, số lượng người phải thi hành án lớn thì báo cáo chi tiết, cụ thể để được xem xét, giải quyết theo quy định.
4. Về hạch toán kế toán các khoản phải thi hành án
Theo Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự, căn cứ hạch toán số phải thu của người phải thi hành án là Quyết định thi hành án và các chứng từ liên quan đến nộp tiền, tài sản thi hành án.
Cơ quan Thi hành án dân sự hạch toán chi tiết các khoản phải thu của người phải thi hành án phải mở sổ tờ rời theo dõi chi tiết từng vụ án và cho từng đối tượng phải thi hành án từ khi có Quyết định thi hành án đến khi hồ sơ việc thi hành án kết thúc. Các nghiệp vụ phát sinh về phá sản đơn vị hạch toán vào TK 316, 335, 512,… có liên quan của các nghiệp vụ phát sinh theo quy định.
5. Về thống kê thi hành án và ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án
- Việc thực hiện thống kê thi hành án đối với Quyết định thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án thực hiện theo các biểu mẫu chủ động thi hành án. Tại Biểu 05/TK-THA, trường hợp chủ nợ (người được thi hành án) là cơ quan, tổ chức thì thống kê vào cột 9, chủ nợ (người được thi hành án) là cá nhân thì thống kê vào cột 10.
- Việc thống kê trong trường hợp ủy thác thi hành án phá sản được tính như các việc thi hành án được ủy thác khác. Đối với kết quả thi hành về tiền, cơ quan Thi hành án dân sự nhận ủy thác được tính giải quyết xong, nhưng phải ghi chú đã chuyển tiền thu được cho cơ quan THADS đã ủy thác.
- Việc ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 44a Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung và Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, theo đó, việc ra quyết định chưa có điều kiện được áp dụng đối với từng trường hợp phải thi hành án.
Trên đây là một số nội dung liên quan đến thi hành các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần lưu ý, vận dụng trong quá trình triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị kịp thời báo cáo Bộ Tư pháp (qua Tổng cục Thi hành án dân sự) để được xem xét, chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông tư liên tịch 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định của Luật phá sản do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 3 Thông tư 01/2015/TT-CA quy định về Quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 4 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự
- 5 Nghị định 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản
- 6 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014
- 7 Luật Phá sản 2014
- 8 Công văn 672/LĐTBXH-LĐTL giải quyết chế độ cho người lao động khi công ty phá sản do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 9 Thông tư 91/2010/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự do Bộ Tài chính ban hành
- 10 Luật thi hành án dân sự 2008
- 11 Luật Phá sản 2004
- 1 Thông tư liên tịch 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định về việc phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản do Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2 Nghị quyết 03/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định của Luật phá sản do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 3 Thông tư 01/2015/TT-CA quy định về Quy chế làm việc của các Tổ Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 4 Công văn 672/LĐTBXH-LĐTL giải quyết chế độ cho người lao động khi công ty phá sản do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành