Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3164/TCHQ-GSQL
V/v: nộp bổ sung C/O quá thời hạn hiệu lực.

Hà Nội, ngày 25 tháng 6 năm 2012

 

Kính gửi:

- Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương);
- Vụ Chính sách thuế, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính).

 

Thời gian gần đây, Tổng cục Hải quan nhận được nhiều vướng mắc của Doanh nghiệp và Hải quan địa phương liên quan đến việc nộp bổ sung C/O quá thời hạn hiệu lực do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan. Để thống nhất xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, Tổng cục Hải quan xin trao đổi như sau:

I. Quy định về nộp C/O.

Theo quy định tại các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, hàng hóa nhập khẩu để được hưởng ưu đãi thì người nhập khẩu phải nộp C/O tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu hàng hoặc nộp sau một khoảng thời gian nhất định được quy định tại Hiệp định. Đối với Hiệp định ATIGA, căn cứ Điều 13, Phụ lục 7 Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/05/2010 (và quy định tương tự tại các Thông tư trước đó) của Bộ Công thương thì thời hạn nộp C/O mẫu D được quy định như sau:

1. C/O mẫu D phải được nộp cho cơ quan Hải quan Nước thành viên nhập khẩu trong vòng một (01) năm kể từ ngày Tổ chức cấp C/O của nước thành viên xuất khẩu cấp.

2. Trường hợp C/O Mẫu D nộp cho cơ quan Hải quan của nước nhập khẩu sau thời hạn quy định tại khoản 1 của điều này, C/O Mẫu D vẫn được chấp nhận nếu việc không tuân thủ thời hạn nêu trên là do bất khả kháng hoặc do những nguyên nhân chính đáng nằm ngoài kiểm soát của Người xuất khẩu; và

3. Trong mọi trường hợp, cơ quan Hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận C/O Mẫu D nói trên với điều kiện hàng hóa được nhập khẩu trước khi hết thời hạn hiệu lực của C/O Mẫu đó.

Khoản 5 Mục II Thông tư 45/2007/TT-BTC ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, quy định về thời hạn nộp C/O:

Thời điểm nộp C/O cho cơ quan Hải quan là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan hàng hóa nhập khẩu.

Trường hợp chưa nộp được C/O tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, nếu có lý do chính đáng và người khai hải quan có văn bản đề nghị được chậm nộp C/O ưu đãi đặc biệt, cam kết nộp C/O đúng trong thời hạn cho phép thì Chi cục trưởng Hải quan quyết định gia hạn thời gian nộp C/O trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan.

Trường hợp người khai hải quan nộp C/O quá thời hạn 30 ngày đã được cho phép chậm nộp, nếu C/O còn hiệu lực và phù hợp với bộ chứng từ, với kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa (trong trường hợp hàng hóa phải kiểm tra thực tế) thì cơ quan hải quan vẫn chấp nhận và áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt cho lô hàng nhập khẩu.

II. Vướng mắc trong việc thực hiện quy định nộp C/O theo FTAs.

Vướng mắc phát sinh đối với một số trường hợp hàng hóa không phải nộp C/O tại thời điểm nhập khẩu như hàng hóa thuộc diện ưu đãi đầu tư, hàng hóa có mức thuế suất 0% hoặc đã được áp thuế suất MFN. Sau đó, lô hàng được xác định không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi miễn thuế, mức thuế suất trên 0% hoặc được điều chỉnh tăng mức thuế suất và thuộc diện phải nộp thuế nhập khẩu/truy thu thuế. Từ đó, doanh nghiệp có yêu cầu nộp bổ sung C/O để hưởng ưu đãi thuế. Dưới đây là các trường hợp cụ thể dẫn đến vướng mắc:

1. Hàng hóa, tại thời điểm doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu, được xử lý miễn thuế theo chính sách miễn thuế của hàng ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, qua việc kiểm tra sau thông quan hoặc thanh tra thì mặt hàng đó được xác định là mặt hàng trong nước đã sản xuất được nên không được miễn thuế nhập khẩu.

2. Hàng hóa là nguyên vật liệu nhập khẩu để gia công theo hợp đồng gia công hoặc nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu. Sau đó, doanh nghiệp có yêu cầu chuyển đổi loại hình từ nhập gia công/nhập sản xuất xuất khẩu thành nhập kinh doanh để tiêu thụ trong nước.

3. Hàng hóa được áp mã HS tương ứng mức thuế suất 0% tại thời điểm nhập khẩu. Sau khi kiểm tra sau thông quan, hàng hóa đó phải được áp lại mã HS khác với mức thuế suất cao hơn 0% (ví dụ 3%, 5%,….).

4. Hàng hóa được áp mã số HS với mức thuế suất MFN thấp hơn mức thuế suất ưu đãi đặc biệt theo FTAs và doanh nghiệp lựa chọn nộp thuế theo mức thuế suất MFN. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra sau đó thì mã số HS của lô hàng đã thay đổi dẫn đến việc lô hàng sẽ được áp dụng mức thuế suất cao hơn (có thể cao hơn mức thuế suất FTAs ban đầu).

5. Hàng nhập khẩu gửi kho ngoại quan, quá thời hạn một năm mới có yêu cầu nhập khẩu vào nội địa (hàng hóa được gửi kho ngoại quan không quá 1,5 năm).

Trong các trường hợp trên, tính đến thời điểm doanh nghiệp đề nghị nộp bổ sung C/O thì đã quá thời hạn (01 năm) phải nộp C/O theo quy định (nguyên tắc) của Hiệp định FTAs (đối với ATIGA: Khoản 1 Điều 13, Phụ lục 7 Thông tư số 21/2010/TT-BCT ngày 17/05/2010). Đồng thời, doanh nghiệp cũng không có văn bản đề nghị chậm nộp C/O tại thời điểm nhập khẩu hàng hóa theo quy định tại Khoản 5.2 Mục II Thông tư 45/2007/TT-BTC.

Do vậy, để có cơ sở trả lời doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan xin trao đổi với Quý Vụ một số vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện FTAs trên đây và mong sớm nhận được ý kiến của Quý Vụ về việc xem xét chấp nhận đề nghị của doanh nghiệp nộp bổ sung C/O để hưởng thuế suất ưu đãi FTAs. Cám ơn sự phối hợp công tác.

Trân trọng.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, GSQL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh