Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 322/UBND-VX
Về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi:

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành;
- Chủ tịch Ủy ban  nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện.

Thực hiện Thông báo số 22/TB-VPCP ngày 30 tháng 01 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 và Công văn số 726/BYT-DP ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Bộ Y tế về tổ chức khai báo, xét nghiệm người về từ ổ dịch tại tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, căn cứ tình hình thực tế về diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố;

Ủy ban  nhân dân Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban  nhân dân Thành phố Thủ Đức, Chủ tịch Ủy ban  nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiếp tục quán triệt sâu sắc phương châm “chống dịch như chống giặc”; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế, Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, nhất là trong thời điểm vi rút gây bệnh là biến chủng SARS-CoV-2 mới có khả năng lây lan rất nhanh và Thành phố là nơi có nguy cơ cao đối với nguồn xâm nhập từ bên ngoài vào; trong đó cần tập trung các nội dung cụ thể như sau:

1. Thực hiện truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch triệt để, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện mở rộng điều tra dịch tễ đến F3 của các ca bệnh và thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung trong thời gian 21 ngày.

Tiếp tục kêu gọi, khuyến khích người dân tự nguyện khai báo y tế, nhất là những trường hợp đã đi qua các địa phương có dịch, tiếp xúc gần - xa với các ca bệnh để được theo dõi sức khỏe, xét nghiệm theo đúng quy định để đảm bảo an toàn cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Vận động người dân tiếp tục cài đặt các ứng dụng truy vết, nhất là Bluezone; đẩy mạnh thanh toán điện tử và làm việc trực tuyến...

2. Tuân thủ nghiêm và kiểm tra thường xuyên việc thực hiện yêu cầu 5K - “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế” trong phòng, chống dịch bệnh như khuyến cáo của Bộ Y tế trong tất cả các hoạt động của các đơn vị và địa phương, trước hết là thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, khử khuẩn. Bắt buộc đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người, nơi có nguy cơ cao như cơ sở khám chữa bệnh, chợ, siêu thị, trường học, cơ sở sản xuất, bến xe, bến cảng, sân bay, ga tàu, nhà máy, xí nghiệp, trên các phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là tại các cơ sở khám chữa bệnh; nhắc nhở và xử phạt nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang theo quy định.

Xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

3. Đối với các lễ hội, sự kiện tập trung đông người: giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban  nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận - huyện tự quyết định quy mô, tính chất, thời điểm tổ chức phù hợp, tuy nhiên cần lưu ý và cập nhật tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố để có giải pháp thích hợp, hạn chế tối đa các hoạt động tập trung đông người nhất là trong dịp Tết nguyên đán; vận động hạn chế số người tham gia đám cưới, lễ tang. Các cơ quan Nhà nước cần làm gương trong vấn đề này.

Đối với các sự kiện cấp Thành phố: tổ chức bình thường nhưng rút ngắn thời gian hoạt động, giảm bớt quy mô, bố trí ngồi giãn cách, thực hiện biện pháp 5K nghiêm ngặt.

4. Đề nghị các sở, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các lĩnh vực, gồm: hoạt động du lịch; giao thông vận tải; hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống; an toàn tại chợ đầu mối, chợ truyền thống (có nhà lồng), siêu thị, trung tâm thương mại; hoạt động bảo tàng, di tích; thư viện, phòng đọc sách và tổ chức tập luyện của các đơn vị hoạt động thể dục thể thao; cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, cần áp dụng linh hoạt và phù hợp với tình hình diễn biến của dịch.

5. Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Liên đoàn Lao động Thành phố có hướng dẫn cụ thể cho người dân các tỉnh, công nhân lao động về quê ăn Tết theo phương châm an toàn - lành mạnh - vui tươi - tiết kiệm; trong đó cần khuyến cáo người dân các tỉnh, công nhân lao động không nên về quê nơi đang có dịch bệnh, nếu về cần phải thực hiện theo đúng yêu cầu 5K; đối với các vùng chưa có dịch bệnh thì cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay, dự báo số lượng người dân các tỉnh và công nhân lao động sẽ ở lại Thành phố Hồ Chí Minh để đón Tết Tân Sửu năm 2021 tăng cao, do đó đề nghị Sở Công Thương cần chuẩn bị trữ lượng hàng hóa đảm bảo phục vụ nhu yếu phẩm cho người dân.

6. Ngành y tế chủ động bám sát tình hình, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cho phòng chống dịch; triển khai các quy trình xử lý chuẩn và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong thời gian tiếp theo; đảm bảo năng lực truy vết, xét nghiệm nhanh để kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để khi phát sinh ca bệnh; sẵn sàng các cơ sở cách ly tập trung tại quận, huyện để tổ chức cách ly người tiếp xúc với ca bệnh, ca nghi ngờ. Chỉ đạo, hướng dẫn tất cả cơ sở khám chữa bệnh củng cố, tăng cường hoạt động phân luồng, sàng lọc thông qua khai báo y tế để phát hiện người đến từ các địa phương có phát sinh ca bệnh nhiễm COVID-19, đặc biệt là người có triệu chứng viêm hô hấp cấp để phát hiện, xử lý kịp thời theo hướng dẫn giám sát, cách ly điều trị và xét nghiệm của ngành y tế, đồng thời không để xảy ra lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

7. Đề nghị Ủy ban nhân dân quận, huyện quản lý, giám sát chặt chẽ việc tổ chức cách ly tại các khu vực được chỉ định làm khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, không để những người không có trách nhiệm vào các khu cách ly và yêu cầu người được cách ly thực hiện đúng các quy định, thường xuyên đeo khẩu trang và không được tiếp xúc gần với người xung quanh. Tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội; đánh giá và xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân để xảy ra các sai phạm làm dịch COVID-19 xâm nhập và lây nhiễm trong cộng đồng.

8. Tiếp tục rà soát các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn; huy động các lực lượng, đoàn thể đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để kịp thời phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép, coi người nhập cảnh trái phép như người nghi nhiễm bệnh để áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định.

9. Về kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch trong năm 2021: Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể cho các ngành, các đơn vị, Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm tổ chức vận hành, chuẩn bị nguồn lực gồm cơ sở vật chất, nhân lực và kinh phí để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đối với việc mua sắm vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch trong trường hợp khẩn cấp thì cho phép vận dụng Điều 26 Luật đấu thầu, Sở Y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban  nhân dân Thành phố báo cáo, xin ý kiến Thành ủy để đảm bảo tính kịp thời.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban  nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung nêu trên./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Thường trực Thành ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND.TP (để báo cáo);
- TTUB: CT. các PCT;
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, TH;
- Lưu: VT, (VX-VN)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Hoan