- 1 Luật Đấu thầu 2023
- 2 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu
- 3 Thông tư 04/2024/TT-BYT quy định về danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 4 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 5 Thông tư 07/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 6 Thông tư 07/2024/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 7 Thông tư 05/2024/TT-BYT quy định về danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3314/BYT-KH-TC | Hà Nội, ngày 17 tháng 6 năm 2024 |
Kính gửi: | - Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; |
Trong thời gian qua, Bộ Y tế nhận được một số văn bản đề nghị hướng dẫn thực hiện công tác đấu thầu mua thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế. Để bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân, Bộ Y tế có ý kiến như sau:
1. Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (sau đây gọi chung là Luật Đấu thầu), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (sau đây gọi chung là Nghị định số 24/2024/NĐ-CP), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu[1].
Như vậy, quy định của pháp luật về đấu thầu đối với thuốc, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ. Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị căn cứ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên để chủ động, kịp thời thực hiện công tác mua sắm thuốc, thiết bị y tế bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Liên quan đến các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc thực hiện Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên hệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn.
2. Để bảo đảm việc mua sắm thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế không bị gián đoạn, các cơ quan, đơn vị có thể thực hiện như sau:
- Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá với số lượng tùy chọn mua thêm tối đa 30% khối lượng của hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng. Trong trường hợp này, giá gói thầu không bao gồm giá trị của phần dự kiến mua thêm; việc áp dụng tùy chọn mua thêm thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 39 Luật Đấu thầu và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm này để mua sắm cho các năm tiếp theo theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP (ví dụ: tháng 8 năm 2024, các cơ quan, đơn vị có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xây lắp trong năm 2025, 2026). Trong trường hợp này, văn bản trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải dự kiến dự toán mua sắm cho các năm sau làm cơ sở lập giá gói thầu;
- Tổ chức lựa chọn nhà thầu với thời gian thực hiện hợp đồng dài hơn 01 năm theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều 37 và khoản 3 Điều 39 Luật Đấu thầu (ví dụ: các cơ quan, đơn vị có thể tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu cung cấp thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho các năm 2025, 2026). Trong trường hợp này, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.
3. Đối với đấu thầu mua sắm vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế:
Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT và Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
4. Đối với đấu thầu mua sắm thuốc:
Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 04/2024/TT-BYT, Thông tư số 05/2024/TT-BYT và Thông tư số 07/2024/TT- BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc thực hiện Thông tư số 04/2024/TT-BYT, Thông tư số 05/2024/TT-BYT và Thông tư số 07/2024/TT-BYT, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Y tế để được hướng dẫn.
5. Đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập:
Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở y tế công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 07/2024/TT-BYT. Theo đó:
a) Đối với thuốc trong danh mục thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện mua sắm theo một hoặc các cách sau:
- Tính gộp số lượng thuốc cần mua để bán lẻ vào số lượng thuốc cần mua sắm, đấu thầu của cơ sở y tế và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định;
- Tách riêng số lượng thuốc cần mua để bán lẻ thành một hoặc một số gói thầu và lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định. Khi áp dụng một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu, cơ sở y tế phải bảo đảm đáp ứng quy định về điều kiện áp dụng và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP (ví dụ: trường hợp áp dụng chỉ định thầu thì phải tuân thủ quy định tại Điều 23 Luật Đấu thầu; các Điều 76, 77, 78 và khoản 1 Điều 94 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP. Trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp thì phải tuân thủ quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu và Điều 80 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP...). Trong trường hợp này, cơ sở y tế cần lưu ý, giá trúng thầu đối với thuốc mua để bán lẻ không được cao hơn giá trúng thầu của thuốc có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, cùng tên thương mại vợi thuốc đã trúng thầu và cung ứng tại cơ sở y tế đó (bao gồm thuốc mua sắm tập trung và đàm phán giá).
b) Đối với thuốc không thuộc trường hợp quy định tại điểm a Khoản này, cơ sở y tế công lập tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình mà không yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP và Thông tư số 07/2024/TT-BYT.
6. Đối với việc tổng hợp nhu cầu và mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương:
Theo quy định tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, Thông tư số 04/2024/TT-BYT và Thông tư số 07/2024/TT-BYT, cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế và cơ sở y tế thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế được tự tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật đấu thầu đối với các thuốc nằm ngoài danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia, danh mục thuốc áp dụng đàm phán giá. Tuy nhiên, trường hợp các cơ sở y tế này có nhu cầu mua sắm thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương thì có thể thỏa thuận với Đơn vị mua sắm tập trung để tổng hợp nhu cầu mua sắm của cơ sở y tế vào gói thầu mua sắm thuốc tập trung của địa phương. Việc Đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấp thuận tổng hợp nhu cầu mua thuốc của cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế và cơ sở y tế thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế vào gói thầu mua sắm tập trung thuốc của địa phương là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu mà không cần phải có sự chấp thuận của Bộ Y tế.
Ngoài ra, cơ sở y tế trực thuộc Bộ Y tế và cơ sở y tế thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có thể sử dụng kết quả đấu thầu rộng rãi của Đơn vị mua sắm tập trung để áp dụng mua sắm trực tiếp theo quy định tại Điều 25 Luật Đấu thầu và Điều 80 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đối với thuốc thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương.
Trên đây là ý kiến của Bộ Y tế, đề nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, thực hiện bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
[1] - Các Thông tư của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Thông tư số 07/2024/TT-BKHĐT ngày 26/4/2024 quy định chi tiết mẫu hồ sơ yêu cầu, báo cáo đánh giá, báo cáo thẩm định, kiểm tra, báo cáo tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu.
- Các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Y tế: Thông tư số 04/2024/TT-BYT ngày 20/4/2024 quy định danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc; Thông tư số 05/2024/TT-BYT ngày 14/5/2024 quy định danh mục thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm được áp dụng hình thức đàm phán giá và quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu áp dụng hình thức đàm phán giá; Thông tư số 07/2024/TT-BYT ngày 17/5/2024 quy định về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
- 1 Công văn 10749/BYT-TTrB năm 2021 về tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế do Bộ Y tế ban hành
- 2 Công văn 888/VPCP-V.I năm 2022 về thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Thông báo 2323/TB-TTCP năm 2022 về kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, Kít xét nghiệm, vắc xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế do Thanh tra Chính phủ ban hành