Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3317/BKHCN-KTĐN
V/v đề nghị đề xuất danh mục dự án dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn vay ADB giai đoạn 2016 -2020

Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2015

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, trong thời gian từ ngày 19/6-15/7/2015 Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các cơ quan liên quan làm việc về chương trình tài trợ của ADB cho Việt Nam giai đoạn 2016-2018 và dự kiến đến 2020. Để chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị quý Cơ quan chuẩn bị kế hoạch đăng ký vốn đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) từ nguồn vốn vay ADB dựa trên những căn cứ sau:

1. Nguyên tắc và căn cứ xây dựng danh mục dự án dự kiến vay ADB giai đoạn 2016-2020

Việc đề xuất danh mục vay vốn ADB giai đoạn 2016-2020 phải theo đúng các căn cứ và nguyên tắc quy định trong Luật Đầu tư công và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/2/2015; trong đó cần lưu ý:

- Vốn vay ODA và vay ưu đãi tập trung chủ yếu cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình thiết yếu theo quy hoạch; việc vay vốn cho các hoạt động chi thường xuyên, kể cả chi quản lý dự án phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và không trùng lắp với kinh phí trong nước đã bố trí;

- Các dự án có khả năng thu hồi vốn; khuyến khích các dự án đầu tư bằng hình thức PPP và dự án có các cấu phần tham gia của khu vực tư nhân;

- Các dự án mang tính liên kết vùng nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh của từng vùng góp phần tổ chức lại sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh vùng và từng bước nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói giảm nghèo bền vững; Trong lĩnh vực giao thông, ưu tiên các dự án kết nối với các trục đường cao tốc như Nội Bài-Lào Cai; Đường kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...

- Các dự án đề xuất sử dụng nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của ADB ngoài việc đảm bảo tiêu chí hiệu quả, bền vững, phải mang lại giá trị mới như chuyển giao kiến thức, có yếu tố đổi mới sáng tạo, cải cách thể chế phù hợp với điều kiện của Việt Nam, và tạo đòn bẩy cho sự tham gia của khu vực tư nhân cũng như các thành phần kinh tế.

- Việc cấp phát từ ngân sách trung ương chỉ áp dụng đối với dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Đối với các dự án do địa phương thực hiện, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương sẽ áp dụng cơ chế cho vay lại. Tỷ lệ vay lại sẽ được quy định cụ thể theo các quy định của Chính phủ.

- Các cơ quan, địa phương có dự án cần phải xác định nhu cầu vốn đối ứng cho từng dự án và khả năng cân đối nguồn vốn đối ứng. Thực hiện đúng nguyên tắc phải cân đối được vốn đối ứng mới được đàm phán ký kết với nhà tài trợ nước ngoài.

Dự kiến trong giai đoạn 2016-2020, ADB sẽ có khả năng cung cấp trung bình 450 - 500 triệu USD/năm từ nguồn vốn ADF và khoảng 1,2 đến 1,3 tỷ USD/năm từ nguồn vốn OCR. Việc lựa chọn dự án sẽ phụ thuộc vào nguồn vốn và khả năng cung cấp vốn của ADB.

2. Về thứ tự ưu tiên sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi vay ADB:

- Ưu tiên bố trí vốn ODA cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp nhưng sẽ tạo ra nguồn thu gián tiếp trong tương lai (y tế, giáo dục..)

- Các dự án giao thông, điện, cấp nước, phát triển đô thị sẽ sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi hoặc kết hợp một phần vốn ODA và vay ưu đãi

- Ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ đầu tư theo hình thức PPP; vốn ODA để làm phần vốn đóng góp của Chính phủ trong các dự án PPP. Các bộ, ngành và địa phương trên cơ sở Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư đề xuất danh mục dự án khả thi đầu tư bằng hình thức này;

- Các dự án mang tính kết nối vùng thuộc khu vực các tỉnh nghèo miền núi phía Bắc, khu vực Trung bộ và Tây nguyên sẽ được ưu tiên lựa chọn.

- Đồng thời, Bộ Kế hoạch Đầu tư và ADB sẽ xem xét ưu tiên cho các bộ ngành, tỉnh có kết quả thực hiện tốt các dự án đã có.

3. Về thời gian triển khai xây dựng danh mục:

Trên cơ sở nguyên tắc, căn cứ sử dụng vốn nêu trên, đề nghị các cơ quan liên quan gửi đề xuất danh mục chương trình dự án về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 12/6/2015.

Trong thời gian từ 19/6 đến 15/7/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng ADB làm việc với các cơ quan về đề xuất danh mục dự án và sẽ tổng hợp xin ý kiến của các cơ quan liên quan theo quy định hiện hành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong nhận được sự phối hợp của quý Cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Theo Danh sách;
- Lưu: KTĐN; VT. (N).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Chí Dũng

 

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN

(Đính kèm Bản tóm tắt dài tối đa 2 trang giấy khổ A4)

1. Tên Dự án/Chương trình:

2. Cơ quan chủ quản, tổ chức quản lý thực hiện dự án:

3. Địa điểm thực hiện dự án:

4. Sơ bộ nội dung, thời gian thực hiện dự án:

5. Tổng vốn: ……………………… Trong đó:

- Vốn ADF: …………… vốn OCR: …………………;

- Vốn đối ứng và nguồn của vốn đối ứng: ……………………

6. Cơ chế tài chính:

- Cấp phát …………………..

- Vay lại ………………, nguồn và phương án trả nợ ………………….

8. Các hợp phần chính của dự án:

9. Kết quả chủ yếu của dự án:

10. Tình hình chuẩn bị dự án: