Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3424/TCT-DNL
V/v: chính sách thuế

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2018

 

Kính gửi: Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 644/CV-Tas.Airs của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco (Taseco airs) vướng mắc về lập hóa đơn đối với các trường hợp khách hàng không lấy hóa đơn. Về vấn đề này, Tông cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính quy định:

"b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

…Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế.

Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hoá đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hoá đơn phát sinh trong ngày."

Tại Điều 18 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định về bán hàng hóa, dịch vụ không bắt buộc phải lập hóa đơn:

“1. Bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

2. Khi bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, người bán phải lập Bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Bảng kê phải có tên, mã số thuế và địa chỉ của người bán, tên hàng hóa, dịch vụ, giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, ngày lập, tên và chữ ký người lập Bảng kê. Trường hợp người bán nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì Bảng kê bán lẻ phải có tiêu thức “thuế suất giá trị gia tăng” và “tiền thuế giá trị gia tăng”. Hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên Bảng kê theo thứ tự bán hàng trong ngày (mẫu số 5.6 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).

3. Cuối mỗi ngày, cơ sở kinh doanh lập một hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng ghi số tiền bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong ngày thể hiện trên dòng tổng cộng của bảng kê, ký tên và giữ liên giao cho người mua, các liên khác luân chuyển theo quy định. Tiêu thức “Tên, địa chỉ người mua” trên hóa đơn này ghi là “bán lẻ không giao hóa đơn”.”

Thuế GTGT được khai, nộp theo tháng. Việc Người nộp thuế thực hiện lập hóa đơn dựa trên bảng kê đối với các hóa đơn có giá trị dưới 200.000 đồng và các hóa đơn có giá trị từ 200.000 đồng trở lên mà khách hàng không lấy hóa đơn theo ngày hoặc theo tháng không làm ảnh hưởng tới nghĩa vụ khai, nộp NSNN của Người nộp thuế.

Căn cứ quy định nêu trên và để giảm thủ tục hành chính cho Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco trong quá trình hoạt động kinh doanh, trường hợp người mua không yêu cầu xuất hóa đơn (không phân biệt tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng hay dưới 200.000 đồng) thì tại Công ty mẹ, các công ty con Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco được phép lập chung một hóa đơn theo bảng kê cho tổng doanh thu người mua không lấy hóa đơn phát sinh trong tháng tại công ty mẹ, các công ty con vào cuối tháng đó.

Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các hóa đơn được lập nêu trên. Tổng cục Thuế trả lời để Công ty Cổ phần dịch vụ hàng không Taseco biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, DNL (3b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Đặng Ngọc Minh