Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------

Số: 3440/BNN-HTQT
V/v Điều chỉnh một số nội dung trong quyết định phê duyệt Danh mục Dự án “Thủy lợi Phước Hòa, khoản vay bổ sung giai đoạn 2”.

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2010

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Dự án thủy lợi Phước Hòa, khoản vay bổ sung giai đoạn 2 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là cơ quan Chủ quản, vay vốn Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án tại văn bản số 541/TTg-QHQT ngày 02/04/2010 với tổng mức đầu tư là 123.349.000 USD, gồm:

- Vay ADB: 60,0 triệu USD

- Vay AFD: 25,0 triệu USD

- Vốn đối ứng: 38,349 triệu USD

Tại thời điểm hiện nay, theo tính toán cập nhật của tư vấn quốc tế chuẩn bị dự án giai đoạn 2, tổng mức đầu tư của dự án tăng 8,301 triệu USD so với giá trị đã được duyệt. Cụ thể, tổng mức đầu tư cập nhật là 131.650.000 USD, trong đó:

- Vay vốn ADB: 60,0 triệu USD

- Vay vốn AFD: 25,0 triệu USD

- Vốn đối ứng: 46,650 triệu USD

Bộ NN&PTNT đã gửi công văn lấy ý kiến các Bộ, Ngành liên quan về việc tăng tổng vốn của dự án và việc dùng vốn vay để chi cho công tác đền bù, tái định cư. Về cơ bản, các Bộ, Ngành đều đã có ý kiến đồng thuận (văn bản gửi kèm). Bộ NN&PTNT xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

I. TÓM TẮT DỰ ÁN

1. Tên dự án: Thủy lợi Phước Hòa, khoản vay bổ sung giai đoạn 2

2. Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Phạm vi thực hiện dự án: Các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tp. Hồ Chí Minh.

4. Cơ quan tài trợ: Ngân hàng phát triển Châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp.

5. Thời gian thực hiện: 2010 – 2014

6. Mục tiêu dự án

a. Mục tiêu dài hạn

Xây dựng các khu tưới Tân Biên thuộc tỉnh Tây Ninh, kênh chính Đức Hòa và khu tưới Đức Hòa thuộc tỉnh Long An, cùng với các hoạt động hỗ trợ phát triển thể chế tương ứng, quản lý hệ thống bền vững và hoàn thành được quy mô của Dự án Thủy lợi Phước Hòa đang xây dựng. Đảm bảo mục tiêu của Dự án Thủy lợi Phước Hòa lấy nước từ Sông Bé cấp tại chỗ cho các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và chuyển nước về hồ Dầu Tiếng để cấp bổ sung cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng vào các mục đích dân sinh, kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường.

b. Mục tiêu ngắn hạn

- Cung cấp đủ nước tưới cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp của 21.446 ha đất mới mở (6.725 ha khu tưới Tân Biên; 13.821 ha khu tưới Đức Hòa và 900 ha khu tưới Thái Mỹ, huyện Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh).

- Cấp nước cho nhu cầu công nghiệp, dân sinh hai tỉnh Tây Ninh (3,5 m3/s) và Long An (4,0 m3/s).

- Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ.

- Thiết lập và phát triển các tổ chức quản lý khai thác hệ thống bền vững.

- Thiết lập, tăng cường năng lực và phát triển thể chế cho các tổ chức quản lý và khai thác nguồn nước trong vùng phù hợp, hiệu quả và bền vững.

- Tăng cường công tác quản lý, vận hành có sự tham gia của cộng đồng thông qua các hoạt động giáo dục, truyền thông và tham vấn cộng đồng.

7. Nội dung của dự án

a. Phần A – Hỗ trợ phát triển và tổng hợp thể chế

- Hỗ trợ công tác quản lý chung và phối hợp các hoạt động trong quá trình thực hiện, hỗ trợ năng lực của các cơ quan Chính phủ trong công tác khai thác và quản lý bền vững hệ thống.

- Phát triển hệ thống nội đồng, thiết lập mạng lưới người sử dụng nước rộng rãi và hỗ trợ xã hội cho các hộ dân thuộc vùng tưới.

- Góp phần giảm thiểu tác động môi trường bất lợi do dự án gây ra.

b. Phần B – Cơ sở hạ tầng thủy lợi

- Lấy nước từ sông Bé về cấp cho các tỉnh Bình Dương 15m3/s; Bình Phước 5,0m3/s; Long An 4,0m3/s và cấp bổ sung cho Tây Ninh 3,5m3/s; Thành phố Hồ Chí Minh 10,5m3/s nước thô cho nhu cầu công nghiệp và dân sinh;

- Tưới cho 21.446 ha đất nông nghiệp mới mở (6.725 ha khu tưới Tân Biên; 13.821 ha khu tưới Đức Hòa và 900 ha khu tưới Thái Mỹ, huyện Củ Chi Thành phố Hồ Chí Minh)

- Cấp nước nước tưới 1.950 ha của Bình Dương, cho 7.064 ha của khu tưới mở rộng của Tây Ninh và cấp hỗ trợ để tưới cho 21.000 ha của khu tưới Dầu Tiếng cũ;

- Cấp cho hạ du sông Bé tối thiểu 14m3/s, sông Sài Gòn tối thiểu 16,1 m3/s góp phần đẩy mặn, hỗ trợ tạo nguồn tưới cho 28.800 ha ven sông Sài Gòn và 32.317 ha ven sông Vàm Cỏ Đông;

- Cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước vùng hạ du 2 sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông.

8. Kế hoạch tài chính

Tổng mức đầu tư của dự án sau khi được tư vấn tính toán cập nhật là 131.650.000 USD, trong đó:

- Vay vốn ADB: 60.000.000 USD

- Vay vốn AFD:  25.000.000 USD

- Vốn đối ứng: 46.650.000 USD

Vốn đối ứng gồm:

Vốn Trung ương: 42.920.000 USD

Vốn đóng góp của dân:   3.730.000 USD

Vốn đối ứng do Bộ NN & PTNT và các đối tượng hưởng lợi đóng góp.

9. Nguồn và cơ chế tài chính trong nước

a. Về vốn đối ứng

- Bố trí vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động đầu tư cho hệ thống kênh chính, kênh cấp 1, cấp 2 và cấp 3 và các hạng mục công việc khác do Bộ NN&PTNT thực hiện trong kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của Bộ NN&PTNT.

- Các địa phương chịu trách nhiệm lập kế hoạch và huy động vốn đóng góp của các đối tượng hưởng lợi để xây dựng kênh nội đồng theo thiết kế của dự án.

b. Cơ chế tài chính: Cấp phát từ ngân sách Nhà nước

II. NỘI DUNG ĐIỀU CHỈNH

Để chuẩn bị cho khoản vay bổ sung dự án Thủy lợi Phước Hòa giai đoạn 2, theo thỏa thuận với các Nhà tài trợ ADB và AFD, Bộ NN&PTNT đã lựa chọn một đơn vị tư vấn quốc tế, sử dụng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của AFD để chuẩn bị khoản vay bổ sung, tư vấn đã tiến hành: Cập nhật lại chi phí dự án, phân tích kinh tế tài chính của dự án; lập Báo cáo và kiến nghị của chủ tịch ngân hàng (RRP), và lập Báo cáo đầu tư (FS) theo Quyết định 48/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03/04/2008 ban hành “Hướng dẫn chung lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sử dụng vốn hỗ trợ chính thức của nhóm 5 Ngân hàng”.

Theo báo cáo tháng 9 năm 2010 của tư vấn quốc tế chuẩn bị khoản vay bổ sung, có một số nội dung của dự án thay đổi so với những nội dung trong quyết định phê duyệt danh mục dự án “Thủy lợi Phước Hòa, khoản vay bổ sung giai đoạn 2” tại văn bản số: 541/TTg-QHQT ngày 02/04/2010, cụ thể như sau:

1. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2: 131,65 triệu USD

Nguồn vốn

Tổng cộng

Tỷ lệ (%)

(i) Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)

(ii) Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)

(iii) Các đối tượng được hưởng lợi là nông dân

(iv) Chính phủ

Tổng cộng:

60,0

25,0

3,73

42,92

131,65

45,6

19

2,8

32,6

100

(Đơn vị: triệu USD)

Như vậy, tổng chi phí dự án tăng 8,301 triệu USD (thuộc phần vốn đối ứng) so với tổng chi phí mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chi tiết chi phí tăng so với Quyết định 541/TTg-QHQT phê duyệt danh mục dự án của Thủ tướng Chính phủ như sau:

TT

Hạng mục

Đã duyệt

(triệu USD)

Cập nhật 8/2010

(triệu USD)

Chênh lệch

(triệu USD)

1

Chi phí quản lý dự án

0,087

0,28

0,193

2

Tư vấn

0,501

0,62

0,119

3

Đền bù tái định cư

27,528

30,34

2,812

4

Chi phí xây lắp

10,233

15,41

5,177

 

Tổng

38,349

46,65

8,301

Nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư của dự án là do giá đền bù và chi phí hỗ trợ cho các địa phương trong vùng dự án tăng theo quy định mới của Chính phủ, đơn giá tính toán cho chi phí xây lắp tại thời điểm hiện nay cũng tăng lên nhiều do chi phí vật liệu và nhân công đều tăng đáng kể, dẫn đến tổng chi phí cập nhật tăng so với giá trị tính toán năm 2008.

2. Sử dụng vốn vay cho công tác đền bù, tái định cư

Chi phí đền bù cho giai đoạn 2 là rất lớn và phải cần ngay để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, trong khi vốn ngân sách cân đối cho các địa phương để thực hiện dự án rất hạn chế. Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh Tây Ninh và Long An đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xin hỗ trợ vốn đối ứng đầu tư hệ thống kênh cấp 2, cấp 3 và kênh nội đồng cho khu tưới Tân Biên tỉnh Tây Ninh và khu tưới Đức Hòa tỉnh Long An (UBND tỉnh Tây Ninh công văn số 1801/UBND-KTN ngày 28/7/2010 và UBND tỉnh Long An công văn số 2563/UBND-NN ngày 27/7/2010).

Phía ADB đề nghị dùng 18,92 triệu USD từ nguồn vốn vay của ADB (sau khi đã ưu tiên chi cho xây lắp) để chi phí cho công tác đền bù tái định cư. Các Bộ, Ngành đều có ý kiến nhất trí với đề xuất này.

3. Thay đổi cơ cấu sử dụng nước trong khu tưới

Trong tổng diện tích đất nông nghiệp mới mở là 29.980 ha, cơ cấu sử dụng nước có sự thay đổi so với thiết kế ban đầu do quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực, cụ thể như sau:

Khu tưới Tân Biên chuyển 4.795 ha sang trồng cây cao su, đất sản xuất nông nghiệp còn 6.725 ha; khu tưới Đức Hòa chuyển 3.739 ha làm các khu công nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp còn 13.821 ha.

Với sự thay đổi cơ cấu sử dụng nước trong khu tưới như trên, tư vấn quốc tế đã tính toán lại hiệu quả kinh tế của dự án, kết quả hệ số nội hoàn của giai đoạn 2 là EIRR = 16,9% và hệ số nội hoàn tính chung của cả 2 giai đoạn đầu tư là EIRR = 12,3%. Như vậy vẫn đảm bảo hiệu ích kinh tế.

III. KIẾN NGHỊ

Để dự án được đầu tư đồng bộ và có hiệu quả như mục tiêu đề ra ban đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt điều chỉnh danh mục dự án “Thủy lợi Phước Hòa, khoản vay bổ sung giai đoạn 2” với các nội dung nêu trên để Bộ triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- VPCP; NHNNVN;
- Các Bộ KH&ĐT; TC;
- UBND các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tp. Hồ Chí Minh;
- Lưu VT, HTQT (NTĐ).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Văn Thắng