Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC ĐIỀU TRA
CHỐNG BUÔN LẬU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 348/ĐTCBL-P1
V/v thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/02/2014 tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Hà Nội, ngày 07 tháng 04 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố

Việt Nam là một trong số các nước Đông Nam Á có sự đa dạng sinh học cao. Nhưng trong thời gian gần đây diện tích rừng bị thu hẹp lại, nạn buôn bán động vật hoang dã vẫn còn tiếp diễn. Không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra ở các quốc gia trong khu vực và các Châu lục khác đã và đang hình thành mạng lưới buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới. Chính vì khu vực sống của các loài động vật hoang dã bị thu hẹp lại, số lượng cá thể giảm nhanh chóng nên nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao trên quy mô toàn cầu. Do đó, đa dạng sinh học nói chung và động vật hoang dã của Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với một thách thức lớn về vấn đề bảo tồn.

Nổi bật hiện nay là tình trạng buôn bán những mẫu vật có nguồn gốc nước ngoài như sừng tê giác, ngà voi Châu Phi, tê tê,… diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm giảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Ngày 20/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm (có văn bản kèm theo).

Để thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các đơn vị:

1. Tăng cường công tác ngăn ngừa đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, quảng cáo, tiêu dùng trái phép mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt là mẫu vật tê giác và voi từ các nước Châu Phi.

2. Phối hợp các lực lượng chức năng như Biên Phòng, Công an, Cơ quan quản lý Cites tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu hàng không, cảng biển, đường bộ quốc tế, đường mòn lối mở qua biên giới; tập trung phát hiện, xử lý dứt điểm các tụ điểm buôn bán trái phép mẫu vật loài hoang dã bao gồm cả mẫu vật giả ở khu vực biên giới và trong thị trường nội địa.

3. Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến các quy định của pháp luật về công tác quản lý và bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp để người dân biết và thực hiện.

4. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm hoặc có dấu hiệu nghi vấn phải áp dụng các biện pháp cần thiết để phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm. Đề nghị các đơn vị báo cáo nhanh chi tiết các vụ việc bắt giữ về Cục Điều tra chống buôn lậu (qua Phòng Tham mưu tổng hợp, email: cbl-thammuu@customs.gov.vn). Trường hợp cần có sự hỗ trợ như tổ chức bắt giữ, trao đổi thông tin với nước ngoài, điều tra, xác minh,… đề nghị liên hệ theo địa chỉ trên.

5. Hàng năm vào ngày 15/10, đề nghị các đơn vị báo cáo các vụ vi phạm đối với mẫu vật thuộc các Phụ lục của CITES và kết quả xử lý; chuyển giao hoặc cung cấp mẫu của các mẫu vật động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của CITES tịch thu về Cục Điều tra chống buôn lậu (qua Phòng Tham mưu tổng hợp, email: cbl-thammuu@customs.gov.vn).

Đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Đ/c Nguyễn Văn Cần - PTCT (để b/c);
- Các Đội, Hải đội - Cục ĐTCBL (để t/h);
- Lưu: VT, P1 (03b).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Tuấn