BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3481/GDTrH | Hà Nội, ngày 06 tháng 05 năm 2005 |
Kính gửi: Các Sở Giáo dục và đào tạo
Thực hiện Nghị định số 166/2004/NĐ-CP ngày 16/9/2004 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục; căn cứ vào Quyết định số 27/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 5/7/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia và Quyết định số 08/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể nội dung từng tiêu chuẩn xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc trung học.
A. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc trung học là một mục tiêu nằm trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của địa phương nhằm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010 của nhà nước. Vì vậy các Sở Giáo dục và Đào tạo phải xác định là một trọng tâm công tác của ngành giáo dục.
2. Xây dựng trường chuẩn quốc gia theo hướng hiện đại hóa về cơ sở vật chất, về công tác quản lý, tổ chức dạy và học nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện. Những tỉnh, thành phố chưa có trường THPT, trường THCS đạt chuẩn quốc gia cần tập trung xây dựng cho được trường chuẩn ở hai cấp học để làm mô hình và phát động phong trào chung của địa phương.
3. Xây dựng trường chuẩn quốc gia là mục tiêu phấn đấu chung của tất cả các loại hình nhà trường thuộc bậc trung học, do đó từng trường đều phải có kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn và thực hiện đầy đủ 5 tiêu chuẩn.
B. XÂY DỰNG TRƯỜNG TRUNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA
I. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN
1. Quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền trong quá trình xây dựng trường chuẩn nhằm tạo ra sự chuyển biến về nhận thức trong lãnh đạo của địa phương, giáo viên, công nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh: trên cơ sở đó huy động sức mạnh tổng hợp của nhà trường và xã hội để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Tuyên truyền tập trung vào các nội dung:
- Mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng trường chuẩn.
- Quy chế xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc trung học.
- Kế hoạch và các bước thực hiện của nhà trường.
- Vai trò của thầy và trò, của cha mẹ học sinh, của các cấp quản lý nhà nước ở địa phương và các lực lượng xã hội trong xây dựng trường chuẩn.
2. Nhà trường cần vận dụng nhiều hình thức sinh động phù hợp với các đối tượng trong quá trình tuyên truyền vận động: tổ chức tham quan những trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
II. TIÊU CHUẨN XÂY DỰNG TRƯỜNG CHUẨN QUỐC GIA
Tiêu chuẩn 1: Tổ chức nhà trường
1. Tiêu chuẩn 1 được xây dựng căn cứ vào điều lệ trường trung học và những quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường phải có đủ các tổ chuyên môn, tổ chức hành chính quản trị. Hội đồng giáo dục, Hội đồng thi đua khen thưởng, Hội đồng kỷ luật, Ban đại diện cha mẹ học sinh, tổ chức Đảng và các đoàn thể quần chúng (Công đoàn, Đoàn TNCS HCM, Đội TNTPHCM). Hoạt động của các tổ chức nêu trên là thường xuyên, có hiệu quả thực sự góp phần nâng cao chất lượng quản lý nhà trường, chất lượng dạy và học theo mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh.
2. Hoạt động của tổ chuyên môn và tổ hành chính quản trị.
a) Tổ chuyên môn:
- Trong nhà trường các tổ chuyên môn giúp Hiệu trưởng quản lý, tổ chức thực hiện nội dung và nhiệm vụ dạy học theo chương trình và sách giáo khoa của cấp học. Hoạt động của tổ chuyên môn (từng môn học hoặc ghép một số môn học) vừa mang tính khoa học vừa mang tính thực tiễn, nhằm bồi dưỡng và nâng cao nghiệp vụ dạy học, phương pháp dạy học, giải quyết những nội dung khó theo từng môn học.
- Đầu mỗi năm học, tổ chuyên môn đề ra kế hoạch, nội dung hoạt động và các chuyên đề cụ thể phù hợp với điều kiện và trình độ của đội ngũ giáo viên, phân công nhóm hoặc cá nhân thực hiện. Sinh hoạt tổ chuyên môn không chỉ đơn thuần làm công tác hành chính chuyên môn mà bám sát kế hoạch, các chuyên đề đã đặt ra: cuối học kỳ có sơ kết, cuối năm học có tổng kết đánh giá kết quả thực hiện theo kế hoạch và từng chuyên đề.
- Tổ chuyên môn chủ động đề xuất kế hoạch cụ thể về đưa giáo viên đi học, đi bồi dưỡng nâng cao trình độ trên chuẩn trong từng năm học trình ban lãnh đạo nhà trường.
- Tham gia các phong trào dạy tốt, thi giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở, thi làm đồ dùng dạy học do nhà trường và ngành giáo dục tổ chức.
b) Tổ hành chính quản trị:
Tổ hành chính quản trị phải có đủ số người theo quy định (biên chế hoặc hợp đồng), có bằng hoặc chứng chỉ nghiệp vụ. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao giúp Hiệu trưởng thực hiện tốt các công tác: Quản lý hành chính, giáo vụ, quản lý các loại hồ sơ sổ sách, quản lý tài chính và tài sản; xây dựng Thư viện đạt chuẩn quốc gia; tổ chức tốt công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho học sinh; đảm bảo trật tự an toàn trong nhà trường đồng thời phối hợp với địa phương xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh ở ngoài nhà trường.
3. Hệ thống sổ và hồ sơ quản lý:
- Có đủ các loại sổ và hồ sơ quản lý theo quy định tại Điều 25 Điều lệ trường trung học.
- Tổ chức Đảng, đoàn thể và các Hội đồng trong nhà trường cũng phải có đủ hồ sơ, biên bản hoạt động theo nhiệm kỳ hoặc theo năm học.
4. Về số lớp học và sỉ số trong lớp:
- Quy chế công nhận trường đạt chuẩn quốc gia quy định mỗi trường học có không quá 45 lớp và sỉ số trong một lớp không quá 45 học sinh, đây là tiêu chuẩn quy định nhằm đảm bảo quy mô hợp lý cho mỗi trường học phù hợp với điều kiện vật chất và trình độ quản lý chung. Trong giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010 căn cứ vào thực tế của những năm học vừa qua, một số trường thuộc bậc trung học có số lớp và sỉ số trong một lớp vượt quá quy định vẫn được xem xét cụ thể từng trường hợp để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Tiêu chuẩn 2: Cán bộ quản lý và giáo viên.
Định mức biên chế và chuẩn đào tạo của cán bộ quản lý và giáo viên được thực hiện theo quy định tại các văn bản dưới đây:
- Quyết định số 243/CP ngày 28/6/1987 của Chính phủ.
- Thông tư 22/2004/TT-BGD&ĐT ngày 28/7/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn loại hình giáo viên, cán bộ, nhân viên ở các trường phổ thông.
- Thông tư số 26/TT-BGD&ĐT ngày 10/8/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn định mức biên chế của cán bộ, giáo viên, nhân viên đối với các trường trung học phổ thông thực hiện thí điểm chương trình phân ban, trung học phổ thông kỹ thuật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể một số nội dung sau:
1. Cán bộ quản lý:
a) Trình độ đào tạo:
- Đạt chuẩn đào tạo từ Đại học sư phạm trở lên đối với THPT, từ Cao đẳng sư phạm trở lên đối với THCS.
- Có bằng hoặc chứng chỉ về quản lý giáo dục do trường cán bộ quản lý cấp tỉnh (TP) hoặc Trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo của Bộ cấp.
- Có bằng lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.
b) Năng lực quản lý:
- Xây dựng được kế hoạch hoạt động của nhà trường trong từng năm học và tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch.
- Quản lý chặt chẽ kế hoạch dạy học và kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục theo biên chế năm học do Bộ ban hành: quản lý được các giờ học và thực hành của các lớp theo thời khóa biểu.
- Xây dựng và tổ chức hoạt động của bộ máy nhà trường có nền nếp, kỷ cương, đúng quy định
- Quản lý tốt công tác hành chính, quản lý tài chính và tài sản.
- Xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng trong địa phương.
- Bộ máy lãnh đạo đoàn kết, có phân công công việc cụ thể, phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác.
- Thực hiện tốt dân chủ hóa trong quản lý.
2. Giáo viên và nhân viên:
a) Thực hiện đúng quy định về chuẩn đào tạo của giáo viên, nhân viên:
- Giáo viên trung học cơ sở có bằng tốt nghiệp Cap đẳng sư phạm trở lên.
- Giáo viên trung học phổ thông có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm trở lên.
- Các nhân viên đều có trình độ từ trung cấp trở lên hoặc có chứng chỉ nghiệp vụ.
- Đảm bảo tỷ lệ giáo viên/trên lớp.
b) Trong giai đoạn từ 2001 đến 2010 trình độ đào tạo của giáo viên và nhân viên được xem xét ở các loại hình dưới đây:
- Giáo viên thể dục ở THPT có thể ở trình độ Trung cấp hoặc Cao đẳng.
- Giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật có thể được tuyển hoặc hợp đồng với những người có trình độ từ trung cấp trở lên không qua đào tạo ở các trường sư phạm nhưng được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
- Nhân viên Văn phòng, thư viện, thí nghiệm (biên chế hoặc hợp đồng) chưa đạt chuẩn đào tạo, nhưng được bồi dưỡng nghiệp vụ có chứng chỉ chuyên ngành.
Căn cứ vào những quy định trên, các nhà trường lập kế hoạch trình các cấp chính quyền và ngành giáo dục cho tuyển biên chế hoặc hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật cho đủ số lượng biên chế.
Đối với những giáo viên và nhân viên thuộc diện trên, nhà trường phải có kế hoạch cụ thể về đưa đi học, bồi dưỡng nâng cao trình độ để đạt chuẩn trong những năm học tiếp sau.
Tiêu chuẩn 3: Chất lượng giáo dục.
1. Tỷ lệ bỏ học và lưu ban thực hiện theo Quy chế trong 3 năm liền.
2. Chất lượng giáo dục không chỉ đánh giá về hai mặt học lực và hạnh kiểm mà coi trọng giáo dục toàn diện theo mục tiêu đào tạo thông qua hoạt động dạy và học, các hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục truyền thống, giáo dục trật tự an toàn giao thông, giáo dục thể chất cụ thể là:
a) Xếp loại hạnh kiểm đạt tỷ lệ quy định trong 3 năm liên tục.
b) Xếp loại học lực đạt tỷ lệ quy định trong 3 năm liên tục.
c) Giáo dục thể chất:
- Thực hiện tốt Quy chế Giáo dục thể chất và y tế trường học ban hành kèm theo Quyết định số 14/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 3/5/2001.
- Dạy đủ số tiết quy định cho môn thể dục.
- 80% học sinh đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo độ tuổi.
- Hằng năm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh toàn trường, tổng hợp được sự phát triển sức khỏe của học sinh trong từng khóa học ít nhất về: Chiều cao, cân nặng, thị lực, cong vẹo cột sống, tim mạch.
- Tổ chức giáo dục giới tính cho học sinh
- Đảm bảo vệ sinh môi trường ở tất cả các khu vực nhà trường.
- Hằng năm tổ chức được các hội thao TDTT của nhà trường và tích cực tham gia hội khỏe Phù Đổng do ngành giáo dục tổ chức.
d) Giáo dục thẩm mỹ:
- Dạy đủ số tiết học quy định cho môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trường trung học cơ sở.
- Tổ chức các hoạt động giáo dục nếp sống văn minh, lành mạnh.
- Tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ: Hội diễn văn nghệ, thi vẽ.
- Tổ chức các hoạt động giáo dục nếp sống văn minh lành mạnh, xây dựng hành vi đạo đức tốt cho học sinh: giáo dục vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.
đ) Giáo dục Kỹ năng thực hành và hướng nghiệp:
- Đảm bảo dạy đủ, đúng chương trình môn công nghệ.
- Thường xuyên tổ chức giáo dục hướng nghiệp.
- Tổ chức các hội thi khéo tay kỹ thuật, thi sử dụng đồ dùng dạy học, làm đồ dùng dạy học.
Tiêu chuẩn 4: Cơ sở vật chất.
1. Diện tích nhà trường tính theo đầu học sinh (6m2 và 10m2 cho 01 học sinh) được quy định theo Quyết định số 1221/2000/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 18/4/2000. Đây là tiêu chuẩn đặt ra nhằm giúp các địa phương có cơ sở lập đề án xây dựng nhà trường và phấn đấu đạt chuẩn.
a) Những trường học được xây dựng trước khi ban hành Quy chế chưa đạt mức diện tích tính theo đầu học sinh. Hội đồng xét đề nghị công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh (TP) sẽ xem xét cụ thể từng trường hợp nhưng hiện tại phải có khuôn viên riêng biệt và bố trí các khối công trình hợp lý phục vụ cho công tác dạy và học, công tác quản lý gồm: Khu hành chính, khu lớp học và phòng thực hành bộ môn, khu luyện tập thể dục thể thao, phòng truyền thống, phòng y tế học đường, nhà kho và khu để xe. Khu vệ sinh, nước sạch và nước uống được bố trí hợp lý theo các khối công trình. Tất cả các khối công trình đều phải đảm bảo vệ sinh môi trường và khung cảnh sư phạm đẹp.
Để khắc phục hiện trạng về diện tích, những trường có khó khăn ở thành phố và thị xã có thể thực hiện theo phương thức dưới đây:
- Điều chỉnh chế độ học một ca thành học hai ca trong một ngày: sử dụng một số phòng học còn dư cải tạo lại thành phòng học bộ môn, Thư viện và các phòng nghiệp vụ.
- Nâng diện tích sàn sử dụng theo chiều cao (nâng tầng) ở từng khối công trình.
- Đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp đầu cấp cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
b) Đối với các trường được xây dựng sau khi ban hành Quy chế, ngành giáo dục phải tham mưu với chính quyền để có quy hoạch và thiết kế xây dựng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Các khối công trình.
a) Khu hành chính:
Là khu làm việc của Ban giám hiệu nhà trường, các phòng nghiệp vụ, phòng làm việc của các đoàn thể quần chúng, phòng họp, phòng tiếp khách và phòng đợi giữa các tiết học của giáo viên (bố trí hợp lý theo các khối lớp học). Trong các phòng làm việc đều được trang trí và có các thiết bị làm việc phù hợp với tính chất công việc.
b) Khu phòng học và phòng học bộ môn:
- Phòng học:
Hiện tại nếu chưa có điều kiện học một ca trong một ngày thì nhà trường tổ chức các lớp học hai ca trong một ngày, dành một số phòng cho các hoạt động cần thiết khác. Các phòng học được xếp đủ bàn ghế cho thầy và trò, được trang trí hài hòa, có ảnh Bác Hồ, có câu nói của danh nhân hoặc khẩu hiệu về học tập.
- Phòng học bộ môn:
Mỗi trường có ít nhất ba phòng học bộ môn Lý, Hóa, Sinh: có phòng Tin học và phòng nghe nhìn đa chức năng. Tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, về quy cách xây dựng, về cán bộ quản lý, về tổ chức và hoạt động, về quản lý và kiểm tra thực hiện theo Quy chế công nhận phòng học bộ môn đạt chuẩn quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 32/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
c) Khu luyện tập thể dục thể thao
Trường chưa có phòng tập đa năng cần bố trí riêng một khu vực cho dạy và học môn thể dục và các hoạt động thể thao.
d) Phòng truyền thống
Phòng truyền thống không chỉ là nơi trưng bày các hiện vật và các phần thưởng của nhà trường mà còn có chức năng giáo dục truyền thống nhà trường cho các thế hệ giáo viên và học sinh. Nhà trường cần coi trọng việc xây dựng và sử dụng có hiệu quả giáo dục của phòng truyền thống.
Trong khuôn viên nhà trường, phòng truyền thống được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc tổ chức học tập của học sinh tại phòng truyền thống và đón tiếp các đoàn tham quan. Diện tích phòng truyền thống tùy thuộc vào điều kiện từng trường nhưng ít nhất đủ cho một lớp học (45 học sinh) vào học tập và sinh hoạt lớp.
Phòng truyền thống gồm:
- Sa bàn về quá trình phát triển nhà trường và nhà trường hiện tại
- Phòng truyền thống có thể phân thành các mảng theo từng nội dung:
+ Mảng trang trọng trưng bày những phần thưởng cao nhất mà nhà trường được tặng thưởng. Các bằng khen, giấy khen và phần thưởng khác có thể lập danh mục, đưa hiện vật vào các tủ kính.
+ Mảng trưng bày về sự phát triển nhà trường:
Tiểu sử phát triển và những thành tựu của nhà trường, tranh ảnh và các hiện vật về quá trình xây dựng nhà trường qua các thời kỳ (Quyết định thành lập trường nếu có, các báo cáo tổng kết từng năm học, các thế hệ Hiệu trưởng, các khóa hội đồng giáo dục…).
Những trường học mang tên danh nhân có một mảng riêng về danh nhân: Tiểu sử và lao công của danh nhân, tượng hoặc ảnh danh nhân, các hiện vật về danh nhân.
+ Mảng về các thế hệ giáo viên đã công tác dạy học ở trường:
Trưng bày ảnh của những giáo viên tiêu biểu qua từng thời kỳ và sự phát triển của các thế hệ giáo viên trong nhà trường, những hiện vật về công tác dạy học (sáng kiến kinh nghiệm, giáo án mẫu, các đồ dùng dạy học do giáo viên tự làm ra…).
+ Mảng về các thế hệ học sinh và kết quả học tập:
Trưng bày hình ảnh của những học sinh tiêu biểu qua từng thời kỳ (học sinh giỏi các bộ môn văn hóa, học sinh có thành tích trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, học sinh tiêu biểu trong xây dựng kinh tế và công tác quản lý nhà nước…), các biểu mẫu về chất lượng học lực, hạnh kiểm, bảng thành tích học sinh giỏi. Các hiện vật về thành tích học tập, rèn luyện và xây dựng nhà trường (sổ gọi tên và ghi điểm của những lớp tiêu biểu, vở ghi bài và bài làm của những học sinh tiêu biểu, các loại giấy khen, bằng khen, huy chương (bản sao) của các cá nhân học sinh, dụng cụ học tập do học sinh tự làm, các hiện vật thu nhỏ về sự đóng góp cơ sở vật chất cho nhà trường…)
+ Mảng về các hoạt động văn hóa thể thao, hoạt động xã hội:
Tập hợp và sưu tầm toàn bộ hình ảnh và hiện vật tiêu biểu về thành tích trong các hoạt động văn hóa thể thao của thầy và trò (hiện vật và tất cả các loại cờ, bằng khen, giấy khen khác lập danh mục và đưa vào các tủ kính). Hình ảnh các hoạt động xã hội cũng phải được lựa chọn, tập trung vào các hoạt động lớn của nhà trường.
+ Mảng về các hoạt động đoàn thể (Chi bộ Đảng, Công đoàn giáo viên, Đội TNTP Hồ Chí Minh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh)
Trưng bày hình ảnh tiêu biểu về các thế hệ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, đội viên ưu tú, về các hoạt động tập thể của các tổ chức này, các biểu đồ và bảng số liệu về sự phát triển của các tổ chức trong nhà trường.
- Cần chú ý các vấn đề sau:
+ Bộ GD&ĐT chỉ nêu khái quát những nội dung cụ thể của phòng truyền thống. Khi xây dựng, nhà trường cần nghiên cứu và phối hợp với các cơ quan văn hóa để bố trí hợp lý nhất.
+ Tất cả các hình ảnh, hiện vật đều có chú dẫn ngắn gọn.
+ Nội dung của phòng truyền thống được biên tập thành một tài liệu xúc tích để tất cả giáo viên thuộc và hướng dẫn học sinh.
+ Mỗi phòng truyền thống có hai cuốn sổ vàng, một cuốn dùng để ghi lưu bút của các cá nhân và các đoàn tham quan, một cuốn dùng ghi lưu bút của cá nhân và tập thể học sinh tiêu biểu trong từng khóa học.
d) Phòng y tế học đường
Phòng y tế học đường được chọn đặt ở nơi thuận tiện cho việc tiếp xúc với học sinh và các phương tiện cấp cứu khi cần thiết. Phòng y tế học đường phải sạch, đẹp và có trang thiết bị y tế và hoạt động theo đúng Quy chế Giáo dục thể chất và y tế trường học ban hành kèm theo Quyết định số 14/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 3/5/2001 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Nhiệm vụ:
+ Cung cấp thuốc thông thường cho giáo viên và học sinh, sơ cấp cứu khi cần thiết.
+ Phối hợp với cơ quan y tế và cơ quan bảo hiểm địa phương tổ chức khám sức khỏe định kỳ, theo dõi sự phát triển thể chất của học sinh trong từng khóa học. Phát hiện những trường hợp bệnh mãn tính, những trường hợp đặc biệt về sức khỏe giúp cho công tác tổ chức dạy môn thể dục và các hoạt động thể thao.
+ Phối hợp với chi hội chữ thập đỏ trong nhà trường chăm lo giáo dục sức khỏe, giáo dục giới tính
+ Tổ chức thực hiện vệ sinh môi trường, mạng lưới nước sạch, nước uống cho thầy và trò.
- Trang thiết bị:
Một phòng y tế học đường tối thiểu phải có: Tủ thuốc và thuốc thông thường, dụng cụ khám bệnh, tủ đựng hồ sơ các loại, bàn ghế làm việc của nhân viên y tế, giường nằm phục vụ cho khám bệnh và sơ cứu.
- Phòng y tế học đường do một nhân viên có bằng chuyên môn phụ trách
e) Thư viện đạt chuẩn theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 2/1/2003.
Hằng năm Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra, công nhận Thư viện đạt chuẩn quốc gia ở các trường học.
g) Khu để xe và khu vệ sinh:
- Khu để xe được xây dựng riêng cho thầy và trò, bố trí để xe theo lớp học. Ở những trường chưa có điều kiện xây dựng thành nhà để xe có thể dành một khu đất riêng và cũng phân thành các khu riêng biệt.
- Khu vệ sinh bố trí theo các khối công trình hoặc bố trí chung thuận tiện cho một số khối công trình, riêng biệt cho nam, nữ (có biển hiệu). Khu vệ sinh có nước sạch và bố trí nhân viên phục vụ làm vệ sinh thường xuyên để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tiêu chuẩn 5: Công tác xã hội hóa giáo dục.
Kết quả xã hội hóa giáo dục của nhà trường được thể hiện trên hai mặt:
- Huy động các lực lượng xã hội tham gia giáo dục toàn diện cho học sinh và xây dựng cơ sở vật chất nhà trường.
- Các hoạt động của nhà trường nhằm tham gia tích cực xây dựng địa phương về kinh tế, chính trị và an toàn xã hội.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
I. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
1. Ban hành Quy chế và các văn bản hướng dẫn cụ thể phù hợp với thực tế xây dựng trường chuẩn quốc gia.
2. Hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy trình và những quy định kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn.
3. Tổ chức kiểm tra thẩm định những trường thuộc bậc trung học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, kiến nghị với địa phương thu hồi quyết định công nhận nếu trường không giữ được chuẩn quốc gia.
4. Ban hành mẫu bằng công nhận trường trung học phổ thông, trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia. Để tạo thuận lợi cho địa phương năm 2005 Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp trực tiếp phôi bằng công nhận trường trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia cho các Sở Giáo dục và Đào tạo.
II. ĐỐI VỚI SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
1. Lập đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa trình UBND tỉnh (TP), huyện (quận) phê duyệt, trong đó nêu rõ tiến độ cụ thể xây dựng trường chuẩn hàng năm.
2. Kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn ở cấp tỉnh (TP), huyện (quận), tổ chức công tác kiểm tra xem xét công nhận trường chuẩn quốc gia ở cả hai cấp học theo phân cấp quản lý trình Chủ tịch UBND tỉnh (thành phố) quyết định công nhận.
3. Hằng năm tổ chức kiểm tra đôn đốc các huyện (quận), các nhà trường thực hiện kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia. Cuối năm học tổ chức tổng kết, đánh giá công tác này, báo cáo với UBND và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp đầu cấp phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của từng trường.
III. ĐỐI VỚI NHÀ TRƯỜNG
Mỗi trường học có một Ban chỉ đạo xây dựng trường chuẩn gồm: Hiệu trưởng làm trưởng ban, 01 Phó hiệu trưởng làm Phó trưởng ban và các ủy viên gồm: Phó hiệu trưởng, Bí thư chi bộ, Chủ tịch công đoàn, Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường, Bí thư Đoàn TNCSHCM toàn trường (nếu có), Bí thư chi đoàn giáo viên, Tổng phụ trách Đội TNTPHCM (nếu có).
1. Hiệu trưởng và Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm đánh giá hiện trạng nhà trường, xây dựng đề án, kế hoạch và tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia, các công việc cụ thể phải làm.
2. Đưa đề án, kế hoạch thông qua hội nghị liên tịch, hội đồng giáo dục: phân công nhiệm vụ thực hiện từng phần việc của mỗi cá nhân trong ban lãnh đạo nhà trường, tổ chuyên môn, các tổ chức đoàn thể và giáo viên.
3. Báo cáo đề án, kế hoạch với cấp ủy, UBND và cấp quản lý giáo dục: báo cáo rõ những thuận lợi, khó khăn và những đề nghị cụ thể.
4. Họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh, các tổ chức đoàn thể ở địa phương nhằm huy động các lực lượng xã hội vào xây dựng trường chuẩn.
5. Đưa đề án vào công tác tuyên truyền và tổ chức thực hiện.
Căn cứ vào văn bản hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và các trường học thuộc bậc trung học xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, vướng mắc cần báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ GDTrH) để phối hợp giải quyết.
Nơi nhận: | TL. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
- 1 Quyết định 08/2005/QĐ-BGDĐT sửa đổi Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2010) kèm theo Quyết định 27/2001/QĐ-BGD&ĐT do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 2 Quyết định 32/2004/QĐ-BGDĐT về Quy chế công nhận phòng học bộ môn trường trung học đạt chuẩn quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 3 Nghị định 166/2004/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục
- 4 Thông tư 26/2004/TT-BGD&ĐT hướng dẫn định mức biên chế, cán bộ, giáo viên, nhân viên đối với các trường trung học thực hiện thí điểm chương trình phân ban, trung học phổ thông kỹ thuật do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 5 Thông tư 22/2004/TT-BGDĐT hướng dẫn về loại hình giáo viên, cán bộ, nhân viên ở các trường phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 6 Quyết định 01/2003/QĐ-BGDĐT về tiêu chuẩn thư viện trường phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- 7 Quyết định 27/2001/QĐ-BGD&ĐT về Quy chế công nhận trường trung học đạt chuẩn quốc gia (giai đoạn từ năm 2001 ddến năm 2010) do Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành
- 8 Quyết định 14/2001/QĐ-BGDĐT về Quy chế giáo dục thể chất và y tế trường học do Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành
- 9 Quyết định 1221/2000/QĐ-BYT ban hành Quy định về vệ sinh trường học của Bộ trưởng Bộ Y tế