BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3595/LĐTBXH-BHXH | Hà Nội, ngày 18 tháng 9 năm 2020 |
Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Thực hiện điểm b khoản 3 Điều 2 Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 như sau:
I. Về tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995
Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân theo quy định tại khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Điều 23 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc, Thông tư số 59/2015/TT- BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.
1. Cơ quan bảo hiểm xã hội căn cứ vào hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để xem xét tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với người lao động, bao gồm các giấy tờ sau: Hợp đồng lao động hoặc Quyết định tuyển dụng; các Quyết định nâng lương, chuyển xếp lương; Quyết định điều động hoặc Quyết định chuyển công tác; Quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành; Quyết định nghỉ chờ việc; Quyết định nghỉ việc hoặc chấm dứt Hợp đồng lao động; Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có).
2. Trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xem xét, quyết định tính hoặc không tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 là thời gian công tác đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định, dựa trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động và các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác đề nghị tính hưởng bảo hiểm xã hội để đối chiếu như: Lý lịch Đảng viên, Lý lịch đoàn viên, sổ lao động, danh sách lao động, sổ theo dõi, danh sách chi trả lương, sổ lương thực, giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương, văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ giải quyết chế độ của người lao động khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
3. Nội dung văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động bao gồm các thông tin: lý do không còn hồ sơ gốc của người lao động, thời điểm tuyển dụng, diễn biến quá trình công tác, diễn biến tiền lương của người lao động; việc người lao động chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, lý do chưa được giải quyết; lý do gián đoạn hoặc nghỉ việc và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý trong việc giải quyết chế độ tại thời điểm nghỉ việc đối với người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.
Văn bản xác nhận phải được lập bởi cơ quan tuyển dụng và quản lý người lao động (trường hợp cơ quan quản lý đã giải thể thì cơ quan quản lý cấp trên thực hiện việc xác nhận) và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận.
4. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội đối với người không còn hồ sơ gốc được thực hiện kể từ ngày Bảo hiểm xã hội Việt Nam có văn bản đồng ý.
II. Về tổ chức thực hiện
1. Người lao động gửi đơn đề nghị và văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động kèm theo các hồ sơ, giấy tờ, tài liệu có liên quan thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xem xét.
2. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ từ người lao động để kiểm tra, rà soát, đối chiếu.
Trường hợp hồ sơ người lao động đủ điều kiện được tính là thời gian công tác đã đóng bảo hiểm xã hội theo các văn bản quy định trước đây và có cơ sở để chứng minh thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, quyết định.
Nếu hồ sơ của người lao động không đủ điều kiện được tính là thời gian công tác đã đóng bảo hiểm xã hội theo các văn bản quy định trước đây hoặc chưa đủ cơ sở để chứng minh thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì hướng dẫn người lao động bổ sung hoàn thiện hồ sơ hoặc trả lời theo thẩm quyền.
Trường hợp cần thiết thì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương và các cơ quan có liên quan rà soát, đối chiếu hồ sơ của người lao động để làm rõ các vấn đề có liên quan.
3. Trên cơ sở đề nghị của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, quyết định việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 là thời gian công tác đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
4. Việc xem xét, giải quyết tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 theo hướng dẫn tại văn bản này được thực hiện kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2020.
Đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để xem xét, trả lời theo thẩm quyền./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Nghị định 89/2020/NĐ-CP quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
- 2 Công điện 06/CĐ-LĐTBXH năm 2020 về đôn đốc hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu theo Chỉ thị 14-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3 Công văn 1705/TLĐ năm 2019 về thực hiện Thỏa thuận hợp tác Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động dịp Tết Nguyên đán do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 4 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 5 Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc
- 6 Công văn 2854/LĐTBXH-BHXH năm 2015 về thời gian công tác tính hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành
- 7 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 1 Công văn 2854/LĐTBXH-BHXH năm 2015 về thời gian công tác tính hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành
- 2 Công văn 1705/TLĐ năm 2019 về thực hiện Thỏa thuận hợp tác Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động dịp Tết Nguyên đán do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành
- 3 Công điện 06/CĐ-LĐTBXH năm 2020 về đôn đốc hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu theo Chỉ thị 14-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành