Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3691/TCT-KK
V/v hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu.

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Nghệ An

Trả lời các công văn số 1781/CT-THNVDT ngày 22/11/2013, số 04/CT-THNVDT ngày 02/01/2014, số 59/CT-KTNB ngày 14/01/2014, số 205/CT-THNVDT ngày 27/02/2014, số 1224/CT-THNVDT ngày 28/7/2014 của Cục Thuế tỉnh Nghệ An liên quan đến hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu sang Lào, Trung Quốc trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2013, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa xuất khẩu:

Căn cứ quy định tại Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11:

“Điều 23. Mở và sử dụng tài khoản

1. Người cư trú, người không cư trú được mở tài khoản ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc thu, chi trên tài khoản ngoại tệ của các đối tượng quy định tại khoản này...

Điều 24. Sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân

1. Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép và sử dụng cho các mục đích hợp pháp khác...

Điều 25. Sử dụng đồng Việt Nam của người không cư trú

Người không cư trú là tổ chức, cá nhân có đồng Việt Nam từ các nguồn thu hợp pháp được mở tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép để sử dụng tại Việt Nam hoặc mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài.

Điều 26. Sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam

Người cư trú là tổ chức, cá nhân có nguồn thu hợp pháp bằng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam từ các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và các hoạt động khác được mở tài khoản bằng đồng tiền đó tại tổ chức tín dụng được phép.”

Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc ban hành kèm theo Quyết định số 689/QĐ-NHNN ngày 07/6/2004 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

“2. Thương nhân Trung Quốc có hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới Việt-Trung được mở tài khoản VND tại các ngân hàng được phép của Việt Nam có thực hiện thanh toán xuất nhập khẩu qua biên giới Việt-Trung bằng VND và CNY. Việc mở và sử dụng tài khoản VND của thương nhân Trung Quốc thực hiện theo các quy định sau:...

Phần thu: Thu từ bán hàng hóa và dịch vụ; Thu từ bán CNY hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi cho ngân hàng; Các khoản chi được pháp luật Việt Nam cho phép.”

Căn cứ Chế độ chứng từ kế toán ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12/12/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

+ Điều 5 quy định:

“1. Chứng từ kế toán Ngân hàng phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên và số hiệu của chứng từ;

b) Ngày, tháng, năm lập chứng từ;

c) Tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu, số hiệu tài khoản của người trả (hoặc chuyển) tiền và tên, địa chỉ của ngân hàng phục vụ người trả (hoặc người chuyển) tiền;

d) Tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu, số hiệu tài khoản của người thụ hưởng số tiền trên chứng từ và tên, địa chỉ của ngân hàng phục vụ người thụ hưởng;

đ) Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh;

e) Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền phải ghi bằng số và bằng chữ;

g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người liên quan đến chứng từ kế toán. Đối với chứng từ có liên quan đến xuất, nhập kho quỹ, thanh toán chuyển khoản giữa các ngân hàng phải có chữ ký người kiểm soát (Kế toán trưởng, phụ trách kế toán) và người phê duyệt (Thủ trưởng đơn vị) hoặc người được ủy quyền.

2. Ngoài những nội dung chủ yếu của chứng từ kế toán quy định tại Khoản 1 Điều này, các ngân hàng có thể bổ sung thêm những yếu tố khác tùy theo từng loại chứng từ. Trường hợp ngân hàng thực hiện các dịch vụ của ngân hàng bán lẻ, giao dịch một cửa... với các chứng từ thu, chi tiền mặt có giá trị trong hạn mức giao dịch viên được ủy quyền kiểm soát thì cuối ngày làm việc giao dịch viên phải lập Bảng kê các giao dịch phát sinh trong ngày, ghi rõ các thông tin về số lượng giao dịch đã phát sinh, số chứng từ, số tiền trên từng loại chứng từ và tổng số tiền thực tế đã thu, chi. Người kiểm soát (Trưởng phòng kế toán hoặc người được ủy quyền) phải kiểm tra, đối chiếu về sự khớp đúng giữa Bảng kê các giao dịch phát sinh trong ngày với các chứng từ phát sinh và số tiền thực tế đã thu, chi. Bảng kê các giao dịch phát sinh trong ngày được lập đúng trình tự, thủ tục và có đầy đủ chữ ký theo quy định được coi là chứng từ hợp pháp, hợp lệ và được dùng làm căn cứ ghi sổ kế toán.”

+ Điều 7 quy định: “1. Mọi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng, tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn, kinh phí; các khoản thu, chi, trích lập và sử dụng các quỹ của ngân hàng v.v... đều phải lập chứng từ kế toán. Chứng từ kế toán ngân hàng chỉ được lập một lần cho mỗi nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.”

Căn cứ hướng dẫn về điều kiện khấu trừ thuế GTGT là chứng từ thanh toán qua ngân hàng liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tại Điểm 1.3 (c.3) Mục III Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và Khoản 3 Điều 16 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ.

Căn cứ hướng dẫn kiểm tra hồ sơ hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu trong trường hợp khách hàng nước ngoài thanh toán tiền mua hàng hóa qua tài khoản vãng lai mở tại ngân hàng ở Việt Nam tại Điểm 3.2 Công văn số 12485/BTC-TCT về việc tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu qua biên giới đất liền.

Căn cứ hướng dẫn tại Điểm 1.3 Mục III và Điểm 1.13 Mục IV Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế.

Căn cứ hướng dẫn tại Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu qua biên giới đất liền; Công văn số 16249/BTC-PC ngày 25/11/2013 của Bộ Tài chính về một số biện pháp tăng cường quản lý thuế GTGT, thuế TTĐB; Công văn số 1725/BTC-TCT ngày 10/02/2014 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế; Công văn số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 của Bộ Tài chính về một số biện pháp tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền.

Căn cứ các quy định trên:

- Trường hợp người nộp thuế nhận tiền hàng xuất khẩu do khách hàng nước ngoài thanh toán từ tài khoản của khách hàng nước ngoài mở tại ngân hàng ở Việt Nam thì Cục Thuế căn cứ các quy định hiện hành, trong đó có hướng dẫn tại Điểm 3.2 Công văn số 12485/BTC-TCT ngày 18/9/2013 và Điểm 4 Công văn số 10024/BTC-TCT ngày 22/7/2014 của Bộ Tài chính nêu trên để kiểm tra xác định hàng hóa xuất khẩu đảm bảo điều kiện về thanh toán qua ngân hàng.

- Trường hợp người nộp thuế nhận tiền hàng xuất khẩu do khách hàng nước ngoài thanh toán từ tài khoản của cá nhân nước ngoài mở tại ngân hàng ở Việt Nam nhưng trong hợp đồng xuất khẩu (bao gồm cả phụ lục hợp đồng có liên quan, nếu có) không có nội dung ủy quyền cho cá nhân nước ngoài đó thanh toán thì chứng từ thanh toán qua ngân hàng có liên quan không đủ điều kiện xét hoàn thuế.

- Trường hợp trên hợp đồng xuất khẩu (bao gồm cả phụ lục hợp đồng có liên quan, nếu có) không ghi rõ số tài khoản của khách hàng nước ngoài thì Cục Thuế đề nghị người nộp thuế lấy xác nhận của ngân hàng về tên chủ tài khoản chuyển tiền thanh toán ghi trên chứng từ thanh toán có liên quan: nếu chủ tài khoản thanh toán không phải là bên mua trên hợp đồng xuất khẩu thì chứng từ thanh toán qua ngân hàng có liên quan không đủ điều kiện xét hoàn thuế.

- Trường hợp chứng từ thanh toán không ghi rõ thanh toán cho hợp đồng xuất khẩu, tờ khai xuất khẩu hàng hóa có liên quan: để có đủ căn cứ xét hoàn thuế, Cục Thuế có thể đề nghị người nộp thuế bổ sung bản đối chiếu công nợ với khách hàng nước ngoài theo từng tờ khai hàng hóa xuất khẩu, hợp đồng xuất khẩu, chứng từ thanh toán qua ngân hàng để xác định hàng xuất khẩu đã có chứng từ thanh toán.

- Chứng từ thanh toán qua ngân hàng làm cơ sở để xét hoàn thuế GTGT thực hiện theo hướng dẫn tại Điểm 3 Công văn số 16249/BTC-PC ngày 25/11/2013 của Bộ Tài chính về một số biện pháp tăng cường quản lý thuế GTGT, thuế TTĐB.

- Trường hợp cơ quan thuế qua thanh tra người nộp thuế phát hiện nguồn tiền thanh toán hàng hóa xuất khẩu từ tài khoản của khách hàng nước ngoài mở tại ngân hàng ở Việt Nam không đảm bảo quy định về quản lý ngoại hối hiện hành (bao gồm cả các văn bản hướng dẫn thanh toán liên quan đến hoạt động thương mại biên giới với nước có chung biên giới có liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), chứng từ thanh toán qua ngân hàng không đúng quy định về chứng từ kế toán ngân hàng thì chứng từ thanh toán qua ngân hàng có liên quan không đảm bảo điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu theo hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Tài chính nêu trên.

Trường hợp phát hiện sai phạm liên quan đến thanh toán qua ngân hàng:

- Nếu chưa có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về thuế thì người nộp thuế bị thu hồi số thuế đã hoàn có liên quan và bị xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo hướng dẫn tại Điểm 1.13 Mục IV Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC nêu trên (trường hợp người nộp thuế trực tiếp nộp tiền mặt vào tài Khoản của khách hàng nước ngoài mở tại ngân hàng ở Việt Nam) hoặc Điểm 1.3 Mục III Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC nêu trên.

- Nếu có vi phạm nghiêm trọng về thuế, có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan thuế thực hiện chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng dẫn tại Công văn số 1725/BTC-TCT ngày 10/02/2014 của Bộ Tài chính về việc tăng cường quản lý thuế đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế.

2. Về hợp đồng xuất khẩu:

Căn cứ Điều 27 Luật Thương mại năm 2005: “2. Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.

Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2005:

“Điều 401. Hình thức hợp đồng dân sự

1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Điều 402. Nội dung của hợp đồng dân sự

Tùy theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về những nội dung sau đây:

1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;

2. Số lượng, chất lượng;

3. Giá, phương thức thanh toán;

4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

7. Phạt vi phạm hợp đồng;

8. Các nội dung khác”.

Căn cứ các quy định trên:

- Quy định hiện hành về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và hợp đồng dân sự không quy định cụ thể nội dung bắt buộc phải có trên hợp đồng.

- Trường hợp doanh nghiệp Việt Nam và khách hàng nước ngoài ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa bằng văn bản với nội dung thỏa thuận nguyên tắc và thực hiện xuất hàng theo nội dung cụ thể tại văn bản của khách hàng nước ngoài gửi qua đường thư điện tử/fax thì các văn bản của khách hàng nước ngoài gửi qua đường thư điện tử/fax được xác định là một phần của hợp đồng nguyên tắc đã ký. Trong quá trình giải quyết hoàn thuế, xét thấy cần làm rõ số lượng hàng hóa khách hàng nước ngoài đã mua phù hợp với số tiền đã thanh toán, Cục Thuế có thể đề nghị người nộp thuế bổ sung bản đối chiếu công nợ với khách hàng nước ngoài theo từng tờ khai hàng hóa xuất khẩu, hợp đồng xuất khẩu để xác định hàng xuất khẩu đã có chứng từ thanh toán.

3. Về thủ tục hồ sơ hoàn thuế:

Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 75 Luật Quản lý thuế (bao gồm cả Luật sửa đổi, bổ sung) đã quy định rõ: Trường hợp hồ sơ hoàn thuế có nội dung cần làm rõ liên quan đến số thuế được hoàn, cơ quan thuế được quyền thông báo yêu cầu người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin tài liệu để có đủ căn cứ xét hoàn thuế.

Trường hợp cần xác định người nộp thuế mua hàng qua một khâu trung gian hay nhiều khâu trung gian theo hướng dẫn tại Điểm 3 Công văn số 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, Cục Thuế có thể thông báo đề nghị người nộp thuế cung cấp danh sách nhà cung cấp đã bán hàng hóa cho người nộp thuế có liên quan, qua đó phối hợp với cơ quan thuế địa phương quản lý trực tiếp nhà cung cấp để xác minh nhà cung cấp mua trực tiếp từ người sản xuất hay mua lại từ nhà cung cấp khác.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn bổ sung sửa đổi nội dung Công văn số 7527/BTC-TCT, trong đó có Công văn số 13706/BTC-TCT ngày 15/10/2013. Đề nghị Cục Thuế tỉnh Nghệ An căn cứ hướng dẫn tại các công văn có liên quan để thực hiện.

4. Về phân cấp trách nhiệm trong hoàn thuế liên quan đến nội dung xác nhận hàng hóa đã xuất khẩu của cơ quan Hải quan:

- Trách nhiệm của cơ quan hải quan khi xác nhận hàng hóa đã xuất khẩu được quy định tại:

+ Điểm 2, Điều 5 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

+ Điểm 3, Điều 5 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu.

- Đối với phạm vi quản lý của ngành Thuế, đề nghị Cục Thuế thực hiện kiểm tra chặt chẽ hàng hóa mua vào, bán ra; xuất nhập tồn kho hàng hóa; chứng từ thanh toán hàng hóa xuất khẩu; chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu,... theo hướng dẫn tại các văn bản của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế nhằm xác định số lượng hàng hóa xuất khẩu đủ điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT theo quy định.

Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế tỉnh Nghệ An được biết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Vụ: PC, CST (BTC);
- Các Vụ: PC, CS, TTr (TCT);
- Lưu: VT, KK(2b)

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Trần Văn Phu