Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3703/BGTVT-VT
V/v: Ch đạo các cơ quan chức năng triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe.

Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2014

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Tiếp tục triển khai thực hiện Công điện số 95/CĐ-TTg ngày 10/01/2013 và Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tưởng Chính phủ, Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21/11/2013 của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an về việc phối hợp thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao đủ bộ cân lưu động cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) trên phạm vi cả nước để triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe. Từ ngày 01/4/2014, các địa phương trong cả nước đã đồng loạt ra quân triển khai công tác kiểm tra tải trọng xe trên các quốc lộ trọng điểm. Sau 02 ngày thực hiện, đã tiến hành kiểm tra 1.179 xe, trong đó có 295 xe vi phạm (chiếm 18,7%). Tuy nhiên, mới chỉ có 36/63 tỉnh (đạt 58,14%) sử dụng bộ cân lưu động để kiểm soát tải trọng xe, 27/63 địa phương còn lại (chiếm tỷ lệ 41,86%) chưa làm xong thủ tục pháp lý nên đã sử dụng bộ cân xách tay do địa phương tự trang bị.

Việc triển khai quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ công tác kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc được nhân dân đồng tình, dư luận đánh giá cao và được sự ủng hộ của hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, vấn đề khiến cho dư luận còn lo ngại là nhiều địa phương chưa tổ chức duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe 24/24h và 7 ngày trong tuần. Đây chính là kẽ hở để chủ xe, lái xe lợi dụng vi phạm chở quá tải trọng, tiếp tục gây mất an toàn giao thông và phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trước tình hình trên, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành thực hiện một số giải pháp cấp bách sau:

1. Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải thực hiện nghiêm Kế hoạch 12593/KHPH-BGTVT-BCA, tổ chức duy trì trạm kiểm soát tải trọng xe 24/24h trong ngày và 7 ngày trong tuần; ưu tiên sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo trì đường bộ địa phương và kinh phí từ xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ để bảo đảm cho hoạt động thường xuyên của trạm kiểm soát tải trọng xe.

2. Công an tỉnh giao nhiệm vụ cho các lực lượng:

a) Cảnh sát giao thông:

- Thực hiện tuần tra, kiểm soát không để tình trạng phương tiện vi phạm chở hàng quá trọng tải lưu thông trên đường bộ thuộc địa bàn; thực hiện hiệu lệnh dừng xe để kiểm soát và phối hợp cân trọng tải xe; lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính theo thẩm quyền; yêu cầu lái xe vào bãi hạ tải và phải chịu trách nhiệm thanh toán trả chi phí dịch vụ phục vụ hạ tải, phí lưu kho, bãi theo quy định hoặc điều khiển xe quay lại nơi xuất phát để hạ tải, thông báo cho chủ xe biết để chấp hành;

- Khi phát hiện xe đã bị thay đổi kết cấu, hình dáng, kích thước không đúng quy định thì lập biên bản tạm giữ giấy tờ xe (Đăng ký, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường); yêu cầu chủ xe tự tháo dỡ phần cải tạo trái quy định và đưa xe đến Trung tâm Đăng kiểm gần nhất để kiểm tra; giải quyết, xử lý cho phương tiện tiếp tục lưu thông khi chủ phương tiện và lái xe đã hạ tải, tự tháo dỡ phần cải tạo trái quy định và có xác nhận của Trung tâm Đăng kiểm về việc xe đã đảm bảo đúng hồ sơ kỹ thuật theo quy định.

b) Cảnh sát 113, Cảnh sát Cơ động, Công an các huyện, thành phố, khi có yêu cầu, thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực kiểm tra trọng tải xe, phối hợp giải quyết tình huống phức tạp (nếu có) và thực hiện các nhiệm vụ cụ thể khác theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh.

c) Cảnh sát kinh tế chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các ngành có liên quan nắm tình hình, kiểm tra, xử lý các cơ sở có hành vi sản xuất, sửa chữa, cải tạo, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (hoàn thành và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30/4/2014).

3. Sở Giao thông vận tải:

a) Hoàn thiện các thủ tục pháp lý về biên chế, nhân sự, đăng ký phương tiện để thành lập và đưa trang, thiết bị kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động được cấp vào hoạt động trước ngày 15/4/2014;

b) Rà soát, lập danh sách các phương tiện vận tải do chủ xe tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng quy định và gửi danh sách trên cho các lực lượng cảnh sát giao thông, các Trạm kiểm soát tải trọng xe để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm;

c) Chủ trì xây dựng định mức, đơn giá thuê thiết bị, nhân công, bến bãi phục vụ việc hạ tải đối với xe vi phạm để trình Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt, làm cơ sở để chủ phương tiện vi phạm thanh toán;

d) Chỉ đạo Thanh tra giao thông thực hiện nhiệm vụ dẫn xe vào vị trí cân, trực tiếp vận hành cân trọng tải xe, xác định tình trạng và mức độ quá tải, thông báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông để lập biên bản xử lý; yêu cầu lái xe vào bãi hạ tải (nếu có) và giám sát việc hạ tải;

đ) Rà soát, trình Ủy ban nhân dân tỉnh công bố tải trọng, đặt biển quy định trọng tải trên các tuyến đường để thực hiện và làm cơ sở cho việc xử lý vi phạm của lực lượng chức năng; chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh thống nhất xác định địa điểm Trạm kiểm soát tải trọng xe, bãi hạ tải và đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị cho các Trạm kiểm soát tải trọng xe;

e) Chỉ đạo Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn không cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật cho các phương tiện vận tải tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe sai quy định; phối hợp với các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ đã cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường cho phương tiện vi phạm và đề nghị kiểm tra, xử lý theo quy định; cử cán bộ xuống hiện trường phối hợp với Trạm kiểm soát tải trọng xe để kiểm tra, xác định lỗi vi phạm khi có yêu cầu; kiểm tra các phương tiện vi phạm, xác nhận phương tiện đã tháo dỡ phần cải tạo đảm bảo đúng quy định và có văn bản thông báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông để giải quyết cho phương tiện tiếp tục tham gia giao thông.

4. Thực hiện chế độ báo cáo như sau:

a) Các Trạm kiểm tra tải trọng hàng ngày báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giao thông vận tải và Công an tỉnh.

b) Công an tỉnh tổng hợp kết quả hàng tuần báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tổng hợp kết quả thực hiện của tháng vào ngày 20 hàng tháng báo cáo về Bộ Công an và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

c) Sở Giao thông vận tải tổng hợp kết quả hàng tuần báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp kết quả thực hiện của tháng vào ngày 20 hàng tháng báo cáo về Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Bộ Giao thông vận tải đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời biểu dương, khen thưởng cũng như phê bình, kỷ luật tổ chức, cá nhân, đồng thời xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các Sở, ngành liên quan trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTTg Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);
- Bộ Công an;
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thứ trưởng Lê Đình Thọ,
- Tổng cục ĐBVN;
- Tổng cục CSQLHC về TTXH;
- Các Vụ: TCCB, VT, PC, ATGT, KHCN;
- Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ;
- Công an tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Sở GTVT;
- Ban ATGT các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Báo Giao thông;
- Lưu: VT, V.tải (Phong 5 bản).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng