Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3863/LĐTBXH-VP
V/v trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2010

 

Kính gửi:

Đại biểu Nguyễn Hồng Nhị
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

 

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận được chất vấn của Đại biểu do Văn phòng Quốc hội chuyển đến theo Giấy ghi chất vấn số 10/CV-KH8 ngày 21 tháng 10 năm 2010. Về những vấn đề Đại biểu chất vấn, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xin báo cáo như sau:

1. Về tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hộ nghèo (ngoài đối tượng Quyết định 30a cho 62 huyện nghèo cả nước). Những vấn đề gì cần lưu ý hiện nay để quyết định đó được triển khai hiệu quả hơn nhất là nội dung giúp hộ nghèo làm nhà ở.

Sau khi Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được ban hành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương cách thức xác định đối tượng hộ nghèo làm cơ sở để thực hiện Quyết định số 167. Tham gia cùng với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Thông tư liên tịch số 08/2009/TTLT-BXD-BTC-BKHĐT-BNNPTNT-NHNN ngày 19/5/2009 của liên Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

Về kết quả, theo Báo cáo thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2010, đến hết tháng 6/2010, về cơ bản các huyện đã hoàn thành công tác xóa 74.951 nhà dột nát cho hộ nghèo, đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, sau khi các huyện nghèo rà soát lại số hộ nghèo cần được hỗ trợ nhà ở (do Chính phủ đồng ý bổ sung thị trấn huyện nghèo được hưởng chính sách theo QĐ 167/2008/QĐ-TTg , tách hộ, thiên tai …) thống kê ban đầu tới thời điểm này cho thấy số lượng nhà ở phát sinh cần hỗ trợ trong năm 2010 là trên 3.000 nhà.

Để có thêm thông tin về việc triển khai Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg , đề nghị Đại biểu gửi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Quyết định này, để được trả lời.

2. Về Tình hình nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động đối với các doanh nghiệp trong cả nước hiện nay như thế nào? Bộ có trách nhiệm, chủ trương gì để người lao động được đảm bảo quyền lợi khi được nghỉ theo chế độ?

a) Tình hình nợ BHXH cho người lao động đối với các doanh nghiệp trong cả nước hiện nay

Theo báo cáo của Chính phủ số 38/BC-CP ngày 20/4/2010 về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHXH gửi Quốc hội thì tính hết năm 2009, số nợ đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc là 2.093,7 tỷ đồng (bao gồm cả nợ lũy kế các năm trước) tương ứng với 0,7 tháng phải thu BHXH, bằng 4,8% so với tổng số phải thu trong năm, giảm 1,7% so với nợ năm 2008. Trong đó:

- Nợ chậm đóng dưới 3 tháng là 1.564,6 tỷ đồng, chiếm 74,7% tổng số nợ đóng, chậm đóng;

- Nợ chậm đóng từ 3 tháng đến dưới 1 năm là 303,3 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng số nợ đọng, chậm đóng;

- Nợ chậm đóng từ 1 năm trở lên là 225,8 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng số nợ đóng, chậm đóng.

Trong tổng số tiền nợ đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc thì tỷ lệ nợ đóng, chậm đóng cao nhất thuộc các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (chiếm 43,46%), tiếp đến là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 32,96%).

Qua các số liệu trên cho thấy, việc chấp hành quy định về đóng BHXH của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực ngoài quốc doanh còn chưa nghiêm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi thụ hưởng các chế độ BHXH.

b) Trách nhiệm, chủ trương của Bộ để người lao động được đảm bảo quyền lợi khi được nghỉ theo chế độ

Theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian và mức đóng bảo hiểm xã hội trên sổ bảo hiểm xã hội khi người sử dụng lao động đã thực hiện nghĩa vụ đóng và trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội. Sổ bảo hiểm xã hội được cấp đối với từng người lao động để theo dõi việc đóng bảo hiểm xã hội và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội.

Trường hợp người sử dụng lao động chỉ mới trích từ tiền lương, tiền công của người lao động nhưng chưa đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội thì tổ chức bảo hiểm xã hội chưa có căn cứ để ghi nhận thời gian và mức đóng trên sổ bảo hiểm xã hội.

Trước thực trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH diễn ra thường xuyên và kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động trong thụ hưởng các chế độ BHXH, Bộ đã chỉ đạo cơ quan thanh tra lao động địa phương tăng cường thanh tra việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội và đóng bảo hiểm xã hội, xử phạt những doanh nghiệp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 135/2007/NĐ-CP ngày 16/8/2007 và đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 86/2010/NĐ-CP ngày 13/8/2010 tăng mức xử phạt hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội và quy định các chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp tương ứng với các hành vi không chấp hành các quy định về đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, ngày 23/12/2009 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 4869/LĐTBXH-BHXH đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Tiếp đó, ngày 06/10/2010 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có công văn số 3463/LĐTBXH-BHXH gửi Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đôn đốc thực hiện Luật BHXH, trong đó có yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Thực hiện kịp thời và xử lý nghiêm đối với đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi cho người lao động cần phải có sự nỗ lực của nhiều cơ quan, đặc biệt là vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở trong việc yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trong thời gian tới, đề nghị Đại biểu và Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương đưa nội dung giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội vào kế hoạch giám sát việc thi hành pháp luật thường xuyên ở địa phương.

3. Về Quy định hiện hành chỉ giải quyết chế độ nghỉ hưu khi người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH; điều đó gây nên nhiều thiệt thòi, khó xử lý chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở. Vậy sắp tới Bộ có giải pháp thế nào để giải quyết vấn đề trên? Có thể giải quyết theo hướng tính chế độ cho người nghỉ công tác theo % năm phục vụ (có thể 10, 11, 12, 15, … % không nhất thiết 20 năm) được không?

Để hưởng lương hưu hàng tháng, người lao động bắt buộc phải có đủ 2 yếu tố đó là tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Ở nước ta, theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội thì điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi, có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên. Việc quy định điều kiện về thời gian đóng BHXH nhằm đảm bảo nguyên tắc mức hưởng trên cơ sở mức đóng của BHXH và đảm bảo cân đối quỹ BHXH. Mặt khác, với điều kiện thời gian đóng ít nhất là 20 năm, tỷ lệ hưởng giúp người lao động có được khoản thu nhập từ lương hưu đảm bảo cuộc sống sau khi hết tuổi lao động. Người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Để tạo điều kiện cho người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu, khoản 2 điều 9 Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện quy định người lao động khi đủ điều kiện về tuổi đời nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 5 năm so với quy định mà chưa nhận BHXH một lần, có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được đóng tiếp BHXH tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lưu hưu hàng tháng.

Việc quy định như trên tạo điều kiện để người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng lâu dài và ổn định cho người lao động khi về già, đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An;
- Ủy ban các vấn đề XH của QH,
- Ban Công tác Đại biểu;
- Ban Dân nguyện;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP,
- Chủ nhiệm VPQH;
- Lưu VT, TKTH (2).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Ngân