Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3869/TCHQ-GSQL
V/v chấn chỉnh công tác quản lý, theo dõi hợp đồng gia công

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2013

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Quá trình quản lý, theo dõi hoạt động gia công với thương nhân nước ngoài, Tổng cục Hải quan nhận thấy, thời gian qua về chính sách cũng như thủ tục hải quan đối với loại hình gia công với thương nhân nước ngoài đã đi vào nề nếp, ổn định, không phát sinh những vướng mắc nổi cộm; công tác quản lý, theo dõi tại Hải quan địa phương đã phát huy những hiệu quả nhất định, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại một số Chi cục mới chỉ chú trọng khâu làm thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu; việc theo dõi, quản lý, đôn đốc thanh khoản hợp đồng gia công, thu thập thông tin, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp gia công để phục vụ công tác quản lý hải quan chưa được chú trọng triển khai thực hiện.

Để việc theo dõi, quản lý hoạt động gia công với thương nhân nước ngoài đạt hiệu quả trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện ngay một số việc sau đây:

1. Rà soát tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài, từ khâu tiếp nhận hợp đồng gia công; làm thủ tục nhập khẩu nguyên vật liệu; tiếp nhận, kiểm tra định mức; làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm gia công; thanh khoản hợp đồng/phụ lục hợp đồng, chuyển nguyên vật liệu dư thừa, máy móc, thiết bị sau thanh khoản để kịp thời phát hiện các sơ hở, sai sót và chấn chỉnh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng để gian lận thương mại, trốn thuế; trong đó chú trọng các công việc sau:

1.1. Tại khâu tiếp nhận hợp đồng gia công; cần thực hiện kiểm tra đối chiếu các nội dung trong hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công theo Quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện những bất cập như về chữ ký, con dấu; nếu phát hiện sự không thống nhất thì từ chối tiếp nhận hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công.

Khi có nghi vấn doanh nghiệp không có khả năng thực hiện hợp đồng gia công do không có cơ sở sản xuất hoặc doanh nghiệp nhập khẩu số lượng nguyên vật liệu vượt quá năng lực sản xuất thì cần áp dụng ngay biện pháp kiểm tra cơ sở sản xuất tại doanh nghiệp.

1.2. Tại khâu nhập khẩu nguyên vật liệu: Ngoài các nội dung quy định khi làm thủ tục nhập khẩu nguyên vật liệu (như số lượng, chủng loại, khổ vải, đơn vị tính...) nếu quá thời hạn 03 tháng kể từ khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu lô nguyên vật liệu lần đầu tiên của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công nhưng không có sản phẩm xuất khẩu thì thực hiện kiểm tra cơ sở sản xuất để xác định tình trạng thực hiện hợp đồng gia công của doanh nghiệp.

1.3. Tại khâu tiếp nhận, kiểm tra định mức:

Cần chú trọng công tác kiểm tra định mức, đặc biệt là những mã hàng có định mức sử dụng nguyên vật liệu quá cao so với các mặt hàng tương tự hoặc so với định mức thoả thuận trong hợp đồng gia công. Đối với những Cục Hải quan chưa tiến hành kiểm tra định mức trong thời gian qua thì cần tăng cường việc kiểm tra định mức cả trong và sau thông quan.

Đối với những Cục Hải quan đã tiến hành kiểm tra định mức nhưng hiệu quả còn thấp cẩn tổ chức họp rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân cụ thể để khắc phục; tiếp tục triển khai công tác kiểm tra định mức tại đơn vị, trường hợp những mã hàng có định mức khó xác định thì có thể trưng cầu giám định; phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân chịu trách nhiệm kiểm tra định mức; chuyên trách hóa công tác kiểm tra định mức để nâng cao trình độ kiểm tra định mức của công chức Hải quan; tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra định mức.

1.4. Tại khâu thanh khoản hợp đồng:

Đối với những hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công thuộc đối tượng phải kiểm tra, đối chiếu chi tiết, khi thực hiện thanh khoản phải đối chiếu toàn bộ số liệu của Hải quan với số liệu trên các biểu bảng của doanh nghiệp. Trường hợp hợp đồng gia công bị âm nguyên vật liệu thì cần kiểm tra cụ thể định mức sử dụng thực tế, việc cung ứng nguyên vật liệu (đề nghị doanh nghiệp xuất trình hóa đơn xuất khẩu hoặc hóa đơn GTGT, phiếu nhập - xuất kho)...để tìm ra nguyên nhân dẫn đến âm nguyên vật liệu.

Khi xử lý nguyên vật liệu dư thừa, máy móc, thiết bị thuê mượn nếu có thông tin nghi vấn việc chuyển tiếp không đúng số lượng hoặc có hiện tượng chuyển tiếp khống cần tổ chức kiểm tra thực tế lượng hàng còn tồn kho tại doanh nghiệp để xác định; không xử lý trường hợp doanh nghiệp nhận nguyên vật liệu nhưng không đưa vào sản xuất mà đề nghị chuyển nhiều lần, chuyển lòng vòng.

2. Về công tác thu thập thông tin, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp:

Triển khai thực hiện theo hướng dần tại điểm 1.6 phần III Quy trình quản lý nghiệp vụ quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 2344/QĐ-TCHQ ngày 25/10/2011.

3. Về công tác đôn đốc thanh khoản các hợp đồng gia công tồn đọng:

Triển khai theo hướng dẫn tại điểm 1.5 phần III Quy trình quản lý nghiệp vụ quản lý hải quan đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 2344/QĐ-TCHQ ngày 25/10/2011 và công văn số 4888/TCHQ-GSQL ngày 17/9/2012 của Tổng cục Hải quan.

4. Trách nhiệm của lãnh đạo Cục, Chi cục:

4.1. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ tại các Chi cục trực thuộc; nâng cao năng lực quản lý, năng lực điều hành của lãnh đạo các cấp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan cho hóa xuất nhập khẩu nói chung và hàng hóa gia công nói riêng; chấn chỉnh kịp thời việc thực hiện các quy định, quy trình không đúng quy định (nếu có).

4.2. Xây dựng biện pháp quản lý cho tất cả các khâu nghiệp vụ trong đó chú trọng kiểm tra thông tin trước khi tiếp nhận hợp đồng gia công, kiểm tra định mức, kiểm tra tình hình tồn kho nguyên vật liệu, kiểm tra, đối chiếu thanh khoản hợp đồng gia công;

4.3. Tổ chức công tác theo dõi, quản lý hàng gia công theo hướng chuyên sâu, chuyên trách;

4.4. Có chế độ động viên, biểu dương kịp thời những cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có sáng kiến trong việc theo dõi, thanh khoản hàng gia công; chấn chỉnh kịp thời những công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao và đưa vào bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Nhận được văn bản này yêu cầu Cục Hải quan tỉnh, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền thì kịp thời đề xuất, báo cáo gửi Tổng cục Hải quan để có chỉ đạo./.

 

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh