Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3930/LĐTBXH-TCDN
V/v thực hiện công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật

Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, trong những năm qua việc triển khai thực hiện dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật đã đạt được một số kết quả trong việc góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Các tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật ở Trung ương và địa phương đã chủ động vận động người khuyết tật và doanh nghiệp, huy động các nguồn lực để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã hỗ trợ nguồn lực, phương pháp và công cụ triển khai các mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho một bộ phận người khuyết tật ở một số địa phương. Qua đó, một bộ phận người khuyết tật đã được tạo điều kiện, có cơ hội học nghề phù hợp với năng lực và nhu cầu của bản thân, có việc làm và thu nhập ổn định, bước đầu cho việc hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, việc dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật còn chưa đạt được mục tiêu đề án đã đặt ra, số lượng người khuyết tật được hỗ trợ học nghề và tạo việc làm còn hạn chế. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật nhằm thực hiện mục tiêu dạy nghề và tạo việc làm phù hợp cho 550.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động đến năm 2020 theo Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện một số nội dung:

1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng bằng các hình thức phù hợp về Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của Người khuyết tật, Luật Người khuyết tật, các chính sách, chế độ về dạy nghề, học nghề; chính sách tạo việc làm cho người khuyết tật; tình hình tổ chức thực hiện và kết quả, hiệu quả của công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật; biểu dương các điển hình trong khắc phục khó khăn, tự tin vươn lên, học nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng và tự khẳng định mình của người khuyết tật; tuyên truyền rộng rãi các chương trình dạy nghề, học nghề, việc làm để người khuyết tật có thêm thông tin và cơ hội tiếp cận các chính sách.

2. Tổ chức rà soát, thống kê số lượng và tình trạng dạng tật; nhu cầu học nghề và việc làm của người khuyết tật; nhu cầu tuyển dụng lao động, các vị trí việc làm phù hợp với nhu cầu và sức khỏe của người khuyết tật trong các cơ quan, doanh nghiệp tại địa phương.

3. Xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí để tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Trong đó, phải dành khoảng 20% kinh phí hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn được giao hàng năm để tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Phấn đấu đạt được chỉ tiêu 10% trong số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề là người khuyết tật.

4. Tổ chức rà soát, đánh giá các mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật tại địa phương, tổ chức nhân rộng mô hình có hiệu quả. Xây dựng, phê duyệt mức chi phí đào tạo cho từng nghề phù hợp với thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo đối với người khuyết tật. Việc tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật được thực hiện linh hoạt về phương pháp tổ chức và số lượng giáo viên, phù hợp với nghề đào tạo, phù hợp với điều kiện, sức khỏe và nhu cầu của người khuyết tật.

Đẩy mạnh tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật theo hình thức kèm cặp nghề, truyền nghề và dạy nghề theo hình thức vừa học vừa làm tại doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở tổ chức tuyển người khuyết tật vào dạy nghề, tập nghề để làm việc tại doanh nghiệp. Phối hợp để các tổ chức của và vì người khuyết tật tham gia tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.

5. Chỉ đạo trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức các hoạt động tư vấn học nghề, việc làm theo khả năng của người khuyết tật trong thực hiện nhiệm vụ thường xuyên cũng như trong các hội chợ việc làm, sàn giao dịch việc làm. Tổ chức nghiên cứu, xây dựng mô hình phục hồi chức năng lao động cho người khuyết tật và mô hình tổ chức hoạt động của ban vận động doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc tại địa phương.

6. Chỉ đạo việc ưu tiên cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đối với người khuyết tật và các cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật để tổ chức tạo việc làm cho người khuyết tật.

7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc dạy nghề và tạo việc làm đối với người khuyết tật; định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo tình hình thực hiện về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh kịp thời những vướng mắc, khó khăn về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, nghiên cứu phương án giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- TCDN, Cục VI, Cục BTXH;
- Sở LĐTBXH các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Các tổ chức của và vì người khuyết tật;
- Lưu: VT, TCDN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Phi