TỔNG CỤC THUẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 395/CT-TT&HT | Thủ Dầu Một, ngày 13 tháng 01 năm 2011 |
Kính gửi: Công ty TNHH liên doanh sản xuất ôtô Ngôi Sao
Địa chỉ: xã An Bình, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương
MST: 3700229030
Cục Thuế có nhận công văn số 022/FA-VSM ngày 27/12/2010 của Công ty về việc đề nghị hướng dẫn chính sách thuế.
Qua nội dung công văn nói trên, Cục Thuế có ý kiến như sau:
1/ Tại tiết 2.5 - điểm 2 - Phụ lục 4 (ban hành kèm theo Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính) hướng dẫn: “Hàng hoá, dịch vụ có giảm giá thì trên hóa đơn GTGT ghi giá bán đã giảm, thuế GTGT, tổng giá thanh toán đã có thuế GTGT.
Nếu việc giảm giá áp dụng căn cứ vào số lượng, doanh số hàng hoá, dịch vụ thực tế mua đạt mức nhất định thì số tiền giảm giá của hàng hoá đã bán được tính điều chỉnh trên hoá đơn bán hàng hoá, dịch vụ của lần mua cuối cùng hoặc kỳ tiếp sau. Trên hoá đơn phải ghi rõ các số hóa đơn được giảm giá và số tiền được giảm giá.”
Vậy, trường hợp Công ty có chính sách giảm giá cho các đại lý do mua hàng đạt doanh số thì Công ty được lập hóa đơn theo như ví dụ Công ty nêu tại công văn.
2/ Tại Điều 18 – Chương III – Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính quy định:
“1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.
2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hoá đơn đã lập và giao cho người mua, người người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hoá đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hoá đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hoá đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hoá đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.”
Căn cứ vào quy định nêu trên, trường hợp hóa đơn sai các chỉ tiêu không liên quan đến doanh thu, tiền thuế GTGT thì không thuộc đối tượng lập biên bản điều chỉnh hóa đơn mà Công ty phải thực hiện hủy hóa đơn và lập lại hóa đơn theo quy định nói trên của Bộ Tài chính.
3/ Tại điểm 2 - Mục IV - Phần C – Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định:
“2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
…
2.19 Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của các cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ; đối với doanh nghiệp thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập. Tổng số chi được trừ không bao gồm các khoản chi khống chế quy định tại điểm này; đối với hoạt động thương mại, tổng số chi được trừ không bao gồm giá mua của hàng hóa bán ra.”
Vậy, trường hợp Công ty tổ chức hoạt động vui chơi giải trí cuối năm kết hợp với hội nghị tổng kết cuối năm để tuyên dương, khen thưởng người lao động thì Công ty được hạch toán vào chi phí hợp lý theo mức khống chế nói trên.
4/ Đối với khoản chi cứu trợ lũ lụt, Công ty chỉ được hạch toán vào chi phí hợp lý nếu việc cứu trợ của Công ty nằm trong quy định tại điểm 2.23 - Mục IV - Phần C – Thông tư số 130/2008/TT-BTC nói trên. Trong trường hợp này, Công ty được hạch toán vào chi phí hợp lý khoản chi cho nhân viên của Công ty đi tham gia công tác cứu trợ. Việc các đại lý tham gia cứu trợ thì các khoản chi tham gia cứu trợ phải được đại lý chi, trường hợp Công ty hỗ trợ các đại lý tham gia cứu trợ thì khoản chi hỗ trợ này Công ty không được hạch toán chi phí hợp lý.
5/ Tại tiết 1.3 - điểm 1 - Mục II - Phần II – Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính quy định: “Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế.”
Vậy, trường hợp Công ty có chi nhánh hạch toán phụ thuộc không phát sinh doanh thu bán hàng thì các hóa đơn phát sinh đầu vào của chi nhánh Công ty được kê khai tập trung tại Công ty theo như quy định nói trên của Bộ Tài chính.
5/ Tại tiết d - điểm 2 - Điều 14 – Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính quy định: “Trường hợp thủ trưởng đơn vị không ký vào tiêu thức người bán hàng thì phải có giấy ủy quyền của thủ trưởng đơn vị cho người trực tiếp bán ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn và đóng dấu của tổ chức vào phía trên bên trái của tờ hóa đơn.”
Vậy, trường hợp Thủ trưởng đơn vị bán hàng có ủy quyền cho người bán hàng ký trên hóa đơn thì đối với các hóa đơn có đóng dấu treo vào phía bên trái của tờ hóa đơn được xem là hợp lệ.
Cục Thuế báo cho Công ty biết để thực hiện./.
Nơi nhận: | KT. CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 9883/CT-HTr năm 2015 hạch toán chi phí do Cục thuế thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Thông tư 153/2010/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do Bộ Tài chính ban hành
- 3 Công văn 8511/CT-TTHT năm 2010 về chi phí hợp lý do Cục thuế tỉnh Bình Dương ban hành
- 4 Thông tư 130/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và Nghị định 124/2008/NĐ-CP thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Thông tư 60/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế và Nghị định 85/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế do Bộ Tài chính ban hành