BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3964/BYT-AIDS | Hà Nội, ngày 14 tháng 05 năm 2021 |
Kính gửi: Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây. Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,7% năm 2019) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 3,1% năm 2020); giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy vẫn còn cao trên 12%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020). Số MSM chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu ở độ tuổi trẻ từ 16-29 tuổi chiếm 41,7%, bao gồm học sinh, sinh viên và công nhân, người lao động trẻ. Báo cáo phân tích cho thấy có một số yếu tố liên quan đến tình trạng gia tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM trẻ gần đây, bao gồm: (i) Kiến thức, hiểu biết về HIV hạn chế; (ii) Ít tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; (iii) Cộng đồng MSM dễ tiếp cận nhau thông qua không gian mạng; (iii) Tình hình sử dụng các chất kích thích, chemsex, ma túy diễn biến phức tạp, liên quan đến tình trạng quan hệ tình dục tập thể trong cộng đồng MSM... Tỷ lệ nhiễm HIV ở thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân trẻ (đặc biệt là nhóm MSM) sẽ tiếp tục gia tăng nhanh nếu không có những giải pháp can thiệp toàn diện, kịp thời.
Ngày 25/10/2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW của BCH TW Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, trong đó đề ra mục tiêu Cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu quan trọng này, Bộ Y tế xin kính đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo quan tâm chỉ đạo, phối hợp triển khai một số nội dung sau:
1. Tăng cường cung cấp thông tin cho học sinh, sinh viên về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, các hoạt động sân khấu; lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
2. Tăng cường truyền thông về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp tự phòng tránh lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, sinh viên.
3. Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của các Sở Giáo dục và Đào tạo. Đầu tư nguồn lực, phối hợp liên ngành, lồng ghép hoạt động, chủ động phối hợp chặt chẽ với sở Y tế và cơ quan có liên quan của địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị.
4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các trường học đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành; chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện công tác thống kê, báo cáo tình hình nhiễm HIV theo quy định hiện hành.
Bộ Y tế kính đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo cử đơn vị đầu mối để phối hợp với Bộ Y tế (Cục Phòng, chống HIV/AIDS) xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể tại một số đơn vị, địa phương. Trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc đề nghị liên hệ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Số 8 Phố Tôn Thất Thuyết, Phường Mỹ Đình II, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để phối hợp giải quyết.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 3965/BYT-AIDS năm 2021 về tăng cường chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tại các khu công nghiệp do Bộ Y tế ban hành
- 2 Quyết định 1246/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Chỉ thị 1139/CT-BYT năm 2018 về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành
- 4 Công văn 4938/BYT-AIDS năm 2018 về tăng cường hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành
- 5 Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6 Công văn 2302/BYT-AIDS năm 2017 về tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 và các năm tiếp theo do Bộ Y tế ban hành
- 1 Công văn 2302/BYT-AIDS năm 2017 về tăng cường công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS năm 2017 và các năm tiếp theo do Bộ Y tế ban hành
- 2 Công văn 4938/BYT-AIDS năm 2018 về tăng cường hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành
- 3 Chỉ thị 1139/CT-BYT năm 2018 về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế ban hành
- 4 Công văn 3965/BYT-AIDS năm 2021 về tăng cường chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tại các khu công nghiệp do Bộ Y tế ban hành
- 5 Chỉ thị 07-CT/TW năm 2021 về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030 do Ban Chấp hành Trung ương ban hành