Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4058/LĐTBXH-LĐTL
V/v hướng dẫn thực hiện chế độ đối với người lao động khi cổ phần hóa

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2014

 

Kính gửi: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam
(Số 124 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trả lời công văn số 2066/TCT-TCNS ngày 15/10/2014 của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam về việc thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 33/2012/TT-BLĐTBXH ngày 20/12/2012 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thì chính sách đối với người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa thì:

1. Đối tượng mua cổ phần ưu đãi và chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi là: người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (kể cả người được tuyển dụng trước ngày 30 tháng 8 năm 1990 mà chưa chuyển sang ký hợp đồng lao động; người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, chờ việc theo quyết định của Giám đốc doanh nghiệp); Thành viên Hội đồng quản trị, Thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động, có tên trong danh sách lao động thường xuyên (có hưởng lương, có đóng bảo hiểm xã hội, kể cả người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, đang nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn, nếu có) của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp.

2. Thời gian được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi là tổng thời gian tính theo số năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) người lao động thực tế làm việc (có đi làm, có tên trong bảng thanh toán lương) trong khu vực nhà nước tính đến thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp trừ đi thời gian thực tế làm việc đã được tính để mua cổ phần với giá ưu đãi tại doanh nghiệp cổ phần hóa trước đó, thời gian thực tế làm việc đã được tính hưởng chế độ hưu trí hoặc tính hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (nếu có).

Thời gian người lao động thực tế làm việc trong khu vực nhà nước gồm: thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa, thời gian làm việc ở cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước trước khi về làm việc tại doanh nghiệp cổ phần hóa (bao gồm cả thời gian đào tạo có hưởng lương, thời gian cơ quan, đơn vị cử đi công tác, thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thời gian làm việc theo hình thức nhận khoán sản phẩm, khối lượng công việc được doanh nghiệp cổ phần hóa trả lương và có đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định của pháp luật).

3. Thời gian để tính chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi là thời gian làm việc thực tế của người lao động tính từ thời điểm tuyển dụng đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa tính theo tổng số năm (đủ 12 tháng), đối với phần tháng lẻ của tổng số năm làm việc thực tế của người lao động để tính chia số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi do doanh nghiệp quyết định.

Căn cứ vào quy định nêu trên, đề nghị Công ty mẹ - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam thực hiện chính sách mua cổ phần với giá ưu đãi và chia số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi khi tiến hành cổ phần hóa doanh Công ty theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời để Tổng công ty biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT Phạm Minh Huân (để b/c);
- Lưu VT, Vụ LĐTL.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG




Tống Thị Minh