BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 406-CV/TW | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2010 |
Kinh gửi: | - Các tỉnh ủy, thành ủy, |
Trong những tháng đầu năm 2010, tại một số tỉnh, thành phố đã có nhiều cuộc đình công tự phát xảy ra, nhất và ở các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và trật tự an toàn xã hội.
Nguyên nhân cơ bản của các cuộc đình công là do thu nhập của người lao động thấp, không đủ trang trải cuộc sống; quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động chưa được giải quyết thoả đáng; quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động chưa hài hoà, còn thiếu hiểu biết, tôn trọng nhau, nhiều chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, người lao động thiếu hiểu biết pháp luật; hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động và tổ chức công đoàn còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện khả năng xảy ra đình công để sớm giải quyết.
Để xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, hạn chế tranh chấp lao động và đình công, đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW, ngày 05-6-2008 của Ban Bí thư (khoá X) về lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, Quyết định số 1129/QĐ-TTg, ngày 18-8-2008 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW và Thông báo ý kiến số 306-TB/TW, ngày 03-02-2010 của Ban Bí thư về kết quả kiểm tra tình hình một năm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW... Trong thời gian trước mắt, để giải quyết tranh chấp lao động và hạn chế đình công tự phát, Ban Bí thư yêu cầu các tỉnh uỷ, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo một số việc sau đây:
1- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục chính sách, pháp luật, nhất là chính sách, pháp luật về lao động cho người lao động và người sử dụng lao động, tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.
2- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và chỉ đạo thực hiện nghiêm pháp luật về lao động, thuế, các chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhà ở cho công nhân... Kịp thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những điểm hiện nay không còn phù hợp, gây nhiều bức xúc trong các chính sách trên.
3- Lãnh đạo tổ chức công đoàn đẩy mạnh việc phát triển và củng cố công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp thấy rõ vai trò của tổ chức công đoàn để tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của công đoàn; yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc thành lập công đoàn và trích kinh phí cho công đoàn hoạt động. Tăng cường hỗ trợ hoạt động của công đoàn cấp trên cơ sở đối với công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp.
4- Các tổ chức đại diện người sử dụng lao động như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật lao động cho các thành viên; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các tranh chấp lao động và đình công.
5- Kiện toàn và tăng cường hoạt động của ban chỉ đạo giải quyết đình công cấp tỉnh, thành phố và các tổ công tác liên ngành tại các địa bàn trọng điểm, nhất là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng cường phối hợp hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, công đoàn, ban chỉ đạo giải quyết đình công và các tổ công tác liên ngành, phân công theo dõi sát địa bàn, có các hình thức để tiếp nhận yêu cầu, nguyện vọng và những vướng mắc trong việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động; nắm chắc tình hình của từng doanh nghiệp, phát hiện sớm mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động để có biện pháp giải quyết kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra tranh chấp dẫn tới đình công.
Duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về lao động với các hiệp hội doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp; chế độ giao ban định kỳ của ban quản lý các khu công nghiệp với chủ doanh nghiệp nhằm tăng cường hiểu biết, hợp tác giữa các bên, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển là tiền đề để thực hiện quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Các cơ quan bảo vệ pháp luật nắm chắc các đối tượng trên địa bàn, phát hiện kịp thời những phần tử xấu kích động, doạ dẫm, lôi kéo đình công để có biện pháp xử lý phù hợp.
6- Các địa phương tổng kết, rút kinh nghiệm mô hình quan hệ lao động ở các doanh nghiệp không hoặc ít xảy ra đình công; kinh nghiệm phối hợp giữa chủ doanh nghiệp và công đoàn trong việc chăm lo đời sống của người lao động và giải quyết các tranh chấp phát sinh các doanh nghiệp này để phổ biến, nhân rộng trên địa bàn.
7- Cấp uỷ địa phương cần quan tâm hơn nữa, tăng cường chỉ đạo việc giải quyết đình công, hạn chế tình hình phức tạp xảy ra. Ban chỉ đạo giải quyết đình công, các tổ công tác liên ngành phải có mặt kịp thời, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động giải quyết những vấn đề của hai bên để sớm ổn định tình hình, không để đình công kéo dài.
Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thường xuyên theo dõi tình hình đình công, báo cáo Ban Bí thư./.
| T/M BAN BÍ THƯ |
- 1 Công văn 467/LĐTBXH-LĐTL năm 2014 phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, đình công do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
- 2 Quyết định 1129/QĐ-TTg năm 2008 ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị 22-CT/TW về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Chỉ thị 22-CT/TW năm 2008 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp do Ban Chấp hành Trung ương ban hành