Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4088/TCT-TTr
V/v quản lý và sử dụng nguồn thu từ các vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí.

Hà Nội, ngày 15 tháng 11 năm 2011

 

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (sau đây viết gọn là Thông tư số 59/2008/TT-BTC) và Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC (sau đây viết gọn là Thông tư số 51/2010/TT-BTC).

Căn cứ Thông tư số 93/2010/TT-BTC ngày 28/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính là hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (sau đây viết gọn là Thông tư số 93/2010/TT-BTC).

Căn cứ Quy chế quản lý sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong ngành Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 3107/QĐ-BTC ngày 26/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Công văn số 2762/BTC-PC ngày 02/3/2011 của Bộ Tài chính.

Để việc thực hiện được thống nhất trong toàn ngành thuế, Tổng cục Thuế hướng dẫn việc trích và sử dụng nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính đối với các vụ buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí như sau:

1. Về đối tượng và phạm vi áp dụng:

- Về đối tượng áp dụng:

Cơ quan thuế có thẩm quyền và trực tiếp xử lý các vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí đối với các hành vi được xác định là buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo hướng dẫn tại Thông tư số 93/2010/TT-BTC được trích và sử dụng nguồn thu từ xử phạt các hành vi nêu trên.

- Về phạm vi áp dụng:

Theo hướng dẫn tại Điểm 6, Công văn số 2762/BTC-PC ngày 2/3/2011 của Bộ Tài chính thì các khoản tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính (tiền phạt vi phạm hành chính và tiền bán hàng hóa, tang vật, phương tiện bị tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính) của các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 28/5/2010 đối với các hành vi được xác định là buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo hướng dẫn tại Thông tư số 93/2010/TT-BTC được trích và sử dụng nguồn thu từ xử phạt các hành vi vi phạm hành chính về thuế, phí và lệ phí, bao gồm:

+ Khoản thu từ xử phạt hành chính đối với hành vi khai không đầy đủ các nội dung trong hồ sơ thuế được xử phạt theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ;

+ Khoản thu từ xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về cung cấp thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế được xử phạt theo quy định tại tiết c, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ;

+ Khoản thu từ xử phạt vi phạm về cung cấp không chính xác về thông tin tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế và khoản thu từ xử phạt vi phạm về chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa vận chuyển trên đường được xử phạt theo quy định tại tiết d, Khoản 1 và tiết a, c Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ;

+ Khoản thu từ xử phạt 10% đối với hành vi kê khai sai phát hiện qua thanh tra, kiểm tra được xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ;

+ Khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế được xử phạt theo quy định tại tiết d, đ, g, h, k, l, m, n Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ;

+ Khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực hóa đơn quy định tại Điều 7 Thông tư số 93/2010/TT-BTC.

Các khoản tiền truy thu số thuế gian lận, số thuế còn thiếu, tiền truy hoàn thuế, khoản tiền phạt chậm nộp thuế và các khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính khác cơ quan Thuế không được trích và sử dụng.

2. Căn cứ và thủ tục trích nguồn kinh phí.

2.1. Căn cứ trích:

- Quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế.

- Số tiền phạt đối tượng vi phạm đã nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của cơ quan Tài chính sau khi đã trừ chi phí hợp lý, hợp lệ (nếu có) phát sinh trong quá trình xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được xác định theo quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC và Thông tư số 51/2010/TT-BTC.

2.2. Về thủ tục trích và theo dõi các khoản tiền phạt:

- Khi ban hành Quyết định xử lý về thuế, xử phạt vi phạm hành chính qua thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế đối với các hành vi vi phạm hướng dẫn tại Điểm 1 nêu trên, cơ quan thuế gửi cho cơ quan tài chính cùng cấp (chủ tài khoản tạm giữ) một bản. Trường hợp tại Kết luận thanh tra có kết luận xử lý cả các hành vi thuộc phạm vi hỗ trợ kinh phí và các hành vi không thuộc phạm vi hỗ trợ kinh phí thì khi ra Quyết định xử phạt cơ quan thuế cần ghi rõ từng hành vi vi phạm, số tiền xử phạt và tài khoản nộp tiền đối với từng hành vi để đối tượng vi phạm thực hiện và thuận lợi trong việc đối chiếu với Kho bạc Nhà nước.

- Lập “Sổ theo dõi Quyết định của cơ quan thuế” theo hướng dẫn tại điểm 4.1 Công văn số 2183/TCT-KK ngày 27/6/2011 của Tổng cục Thuế và tổ chức theo dõi thu các khoản tiền phạt theo quy định.

- Cục Thuế có trách nhiệm làm việc với cơ quan Tài chính cùng cấp để theo dõi các khoản thu từ xử phạt vi phạm hành chính này trên một tài khoản riêng (làm cơ sở trích hỗ trợ kinh phí).

- Định kỳ hàng tháng cơ quan thuế đối chiếu với cơ quan Tài chính cùng cấp về số tiền xử phạt hành chính người vi phạm đã nộp và phối hợp với cơ quan tài chính thực hiện thủ tục trích tiền hỗ trợ theo quy định.

3. Về sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ:

3.1. Về sử dụng nguồn kinh phí:

Nguồn kinh phí do cơ quan Tài chính địa phương trích chuyển trả về tài khoản tiền gửi của cơ quan Thuế được coi là 100% và sử dụng như sau:

* Trích 50% số tiền được hỗ trợ để chi cho các nội dung:

+ Chi khen thưởng đột xuất cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia từng vụ việc và có thành tích trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Mức chi tối đa không quá 2 triệu đồng/người/01 vụ và tối đa không quá 2 triệu đồng/tập thể/01 vụ. Đối với trường hợp cơ quan thuế cấp trên tổ chức thanh tra, kiểm tra người nộp thuế và giao cho cơ quan thuế cấp dưới ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo thẩm quyền thì sau khi nhận được kinh phí hỗ trợ, thủ trưởng cơ quan thuế ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính chi khen thưởng cho các cá nhân, tập thể trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vụ việc theo hướng dẫn nêu trên, số tiền còn lại được sử dụng theo quy định.

+ Chi khen thưởng cuối năm cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Mức chi tối đa không quá 2 triệu đồng/người/01 vụ và tối đa không quá 2 triệu đồng/tập thể/01 vụ.

+ Chi bồi dưỡng trong thời gian điều trị cho các cán bộ của cơ quan, đơn vị chống buôn lậu bị tai nạn hoặc bị thương trong quá trình điều tra bắt giữ; chi tiền viện phí cho các trường hợp không có chế độ bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm y tế chi trả một phần: tối đa không quá 20.000.000 đồng/người/vụ.

+ Chi hỗ trợ gia đình các cán bộ của cơ quan, đơn vị chống buôn lậu bị chết trong quá trình điều tra bắt giữ đối tượng buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả: tối đa không quá 20.000.000 đồng/người/vụ.”

+ Chi bồi dưỡng làm thêm giờ cho các cá nhân trực tiếp tham gia vụ việc theo quy định chung của địa phương do UBND cấp tỉnh nơi nộp tiền vào ngân sách quy định.

+ Chi cho công tác phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, chi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chi hội nghị, hội thảo, khảo sát chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

+ Chi 10% hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của cơ quan thuế cấp trên: Trước ngày 15 tháng đầu quý cơ quan thuế cấp dưới tính và chuyển số tiền 10% theo quy định của quý trước đó về cơ quan thuế cấp trên trực tiếp.

+ Đối với vụ việc mà số thu không lớn nhưng có nhiều lực lượng tham gia xử lý thì Thủ trưởng cơ quan thuế được sử dụng thêm tối đa không quá 10% tổng số kinh phí được sử dụng (10% này lấy từ số kinh phí sử dụng cho nội dung chi của 50% kinh phí còn lại dưới đây) để bổ sung chi bồi dưỡng, khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích theo quy định. Trường hợp một vụ việc có nhiều lực lượng cùng tham gia, Thủ trưởng cơ quan thuế chủ trì căn cứ vào tính chất phức tạp của vụ việc và mức độ tham gia của từng cơ quan, đơn vị để xem xét, chi bồi dưỡng, khen thưởng cho các cơ quan, đơn vị tham gia, phối hợp đảm bảo công khai, dân chủ.

* Trích 50% số kinh phí còn lại để chi đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hoạt động phục vụ cho công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ban hành kèm theo Quyết định số 3107/QĐ-BTC ngày 26/11/2010 của Bộ Tài chính.

3.2. Về hạch toán thu, chi nguồn kinh phí:

Số kinh phí được trích chuyển về tài khoản tiền gửi của cơ quan thuế. Bộ phận Tài vụ của cơ quan Thuế các cấp phải mở sổ kế toán (có sổ theo dõi chi tiết về kinh phí được trích) và tổ chức hạch toán và thanh toán, quyết toán thu, chi đối với nguồn kinh phí này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và theo hướng dẫn tại Quy chế quản lý sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ban hành kèm theo Quyết định số 3107/QĐ-BTC ngày 26/11/2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

4. Tổ chức thực hiện:

Căn cứ hướng dẫn tại công văn này đề nghị các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục và Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng cục Thuế để nghiên cứu giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Tổng cục Thuế (để báo cáo);
- Kho bạc Nhà nước (để phối hợp chỉ đạo);
- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố;
- Các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế;
- Lưu: VT, TTr (03b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Cao Anh Tuấn