Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4135/BXD-KTXD
V/v định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền trên địa bàn tỉnh Sơn La

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La

Bộ Xây dựng nhận được Văn bản số 15/UBND-KT ngày 04/1/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đề nghị có ý kiến về định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền nhân tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La và Văn bản số 675/UBND-KT ngày 02/3/2022 bổ sung hồ sơ xây dựng định mức. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về thẩm quyền tổ chức xác định, ban hành định mức

Việc tổ chức xác định, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương thực hiện theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Đối với định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền chưa được ban hành trong hệ thống định mức xây dựng, vì vậy việc Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La tổ chức xác định các định mức này, gửi Bộ Xây dựng cho ý kiến về phương pháp, căn cứ xây dựng định mức, sự phù hợp của kết quả tính toán các thành phần hao phí trước khi ban hành là phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 20 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.

2. Một số ý kiến về định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền trên địa bàn tỉnh Sơn La

2.1. Về hồ sơ xây dựng định mức kèm theo Văn bản số 675/UBND-KT gồm thuyết minh báo cáo lập định mức; nhật ký công tác lập định mức; hồ sơ các biểu tính toán thiết kế lập định mức; các biên bản lấy mẫu; hồ sơ kết quả thí nghiệm lập định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền nhân tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La làm cơ sở xây dựng định mức.

2.2. Về tính chất cơ lý của cát nghiền được sử dụng để thiết kế cấp phối: theo nội dung hồ sơ xây dựng định mức, cát nghiền được sử dụng để thiết kế cấp phối được lựa chọn từ 16 cơ sở sản xuất khác nhau nằm trên các huyện thuộc tỉnh Sơn La nhưng chỉ có 06 cơ sở sản xuất cát nghiền với dây chuyền công nghệ đã được chứng nhận hợp quy. Các mẫu cát nghiền được sử dụng để thiết kế cấp phối đều được nghiền từ đá vôi, tuy nhiên theo nội dung Văn bản số 15/UBND-KT, cát nghiền được sản xuất từ nguồn nguyên liệu có thể là đá vôi, đá granite, đá basalt, đá cuội, sỏi, cát kết,...

Do vậy, đề nghị rà soát, đánh giá về nguồn gốc, tính đại diện (tính chất cơ lý) của đá tự nhiên để sản xuất cát nghiền, công nghệ sản xuất cát nghiền trên địa bàn tỉnh Sơn La, đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9205:2012 - Cát nghiền cho bê tông và vữa làm cơ sở xây dựng định mức. Đồng thời, trong hướng dẫn áp dụng định mức cần quy định cát nghiền trong định mức cấp phối được sản xuất từ đá vôi.

2.3. Định mức cấp phối bê tông: dự thảo định mức được thuyết minh xác định theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9382:2012 - Chỉ dẫn kỹ thuật chọn thành phần bê tông sử dụng cát nghiền, kèm theo các bảng tổng hợp chỉ tiêu tính toán, chưa thể hiện rõ các bước tính toán thiết kế cấp phối theo hướng dẫn tại mục 4 tiêu chuẩn TCVN 9382:2012.

2.4. Định mức cấp phối vừa xây trát: dự thảo định mức được thuyết minh xác định theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 10796:2015 - Cát mịn cho bê tông và vừa chưa thể hiện rõ các bước tính toán thiết kế cấp phối theo hướng dẫn tại Phụ lục B TCVN 10796:2015. Mặt khác, dự thảo định mức cấp phối vữa xây trát được thiết kế sử dụng hoàn toàn bằng cát nghiền, trong khi phạm vi áp dụng của Tiêu chuẩn Việt Nam 10796:2015 quy định việc sử dụng cát tự nhiên, mịn, làm cốt liệu cho bê tông và vữa xây dựng, do vậy cần xem xét sự phù hợp khi áp dụng tiêu chuẩn này để thiết kế định mức cấp phối.

2.5. Về nội dung định mức

a) Quy định áp dụng định mức cần quy định phần thuyết minh chung và quy định cụ thể đối với định mức cấp phối đảm bảo thống nhất với quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ Xây dựng về ban hành định mức xây dựng.

b) Về kết cấu định mức cấp phối vật liệu sử dụng cát nghiền cần thể hiện được mã hiệu, đơn vị tính, thành phần hao phí, hao phí định mức để thống nhất với hệ thống định mức đã được ban hành theo quy định.

2.6. Một số nội dung cần rà soát, bổ sung thuyết minh chi tiết tại phụ lục kèm theo văn bản này.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, hoàn thiện và thực hiện quản lý định mức đảm bảo đúng quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTr Bùi Hồng Minh (để b/c);
- Sở Xây dựng tỉnh Sơn La;
- Lưu VT, KTXD(DAT).

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC KINH TẾ XÂY DỰNG




Đàm Đức Biên

 

PHỤ LỤC

(Kèm theo văn bản 4135/KTXD-BXD ngày 14/9/2022 của Bộ Xây dựng)

1. Việc xác định định mức cấp phối bê tông và vữa sử dụng cát nghiền thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn TCVN 9382:2012; Tiêu chuẩn TCVN 9205:2012 - Cát nghiền cho bê tông và vữa.

2. Về yêu cầu kỹ thuật của vật liệu cơ bản dùng để thiết kế cấp phối bê tông và vữa

Về yêu cầu kỹ thuật của xi măng: Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6260:2009 Xi măng Poóc lăng hỗn hợp đã được thay thế bằng tiêu chuẩn TCVN 6260:2020 theo Quyết định số 4038/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ, do đó cần xem xét, rà soát áp dụng đúng tiêu chuẩn.

3. Định mức cấp phối bê tông

- Việc xác định ba thành phần cấp phối (thành phần 1 tính toán theo lý thuyết; thành phần 2 và 3 là tăng, giảm 10% khối lượng xi măng so với thành phần 1 và hiệu chỉnh lượng đá, cát) để thí nghiệm kiểm tra và hiệu chỉnh, lựa chọn thành phần cấp phối bê tông chính thức cần thực hiện theo yêu cầu tại mục 5.4 tiêu chuẩn TCVN 9382:2012.

- Lương nước trình bày trong định mức cấp phối bê tông là lượng nước trộn đã trừ ẩm trong cốt liệu nhưng chưa thuyết minh về độ ẩm của cát, đá dăm.

- Khối lượng thể tích của hỗn hợp bê tông để tính toán lượng dùng vật liệu thực tế của cấp phối cần thực hiện theo yêu cầu của tiêu chuẩn TCVN 3108:1993 Hỗn hợp bê tông nặng - Phương pháp xác định khối lượng thể tích. Khối lượng thể tích của hỗn hợp bê tông trong hồ sơ các biểu mẫu tính toán là của bê tông đã đóng rắn.

- Cường độ nén của ba thành phần cấp phối được thí nghiệm để lựa chọn thành phần cấp phối bê tông chính thức chênh lệch lớn so với cường độ nén của bê tông theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5574:2012 Kết cấu bê tông và bê tông cốt thép - Tiêu chuẩn thiết kế. Kết quả thí nghiệm cường độ nén của mỗi thành phần cấp phối bê tông trùng lặp hoàn toàn (trong khi khác nhau về loại cốt liệu, độ sụt), do đó cần rà soát kết quả thí nghiệm, đảm bảo phù hợp với yêu cầu của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3118:1993 Bê tông nặng - Phương pháp xác định cường độ nén.

- Số lượng mẫu thử để xác định cường độ nén của bê tông chưa theo yêu cầu của tiêu chuẩn TC VN 3118:1993.

4. Định mức cấp phối vữa xây trát

- Cường độ chịu nén của cấp phối vữa chênh lệch lớn so với cường độ chịu nén của vữa theo quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4314:2003 Vữa xây dựng - Yêu cầu kỹ thuật.

- Số lượng mẫu thử để xác định cường độ chịu nén của vữa chưa theo yêu cầu của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3121-11:2003 Vữa xây dựng - Phương pháp thử.

- Định mức cấp phối vữa có thể tích lớn hơn 1m3, do vậy cần rà soát, kiểm tra lại thành phần cấp phối.