Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 4143/BGDĐT-KHTC
V/v Hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.

Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2011.

 

Kính gửi: Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thực hiện Chỉ thị số 922/CT-TTg ngày 15/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; Căn cứ Thông tư số 83/2011/TT-BTC ngày 16/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ triển khai xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách năm 2012 theo các nội dung sau:

I. Đánh giá thực hiện kế hoạch năm 2010, ước thực hiện kế hoạch năm 2011:

1. Đánh giá thực hiện kế hoạch đào tạo năm 2010 và ước thực hiện năm 2011.

- Đánh giá tình hình thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề, đào tạo dự bị đại học, dân tộc nội trú, năng khiếu... (bao gồm cả chỉ tiêu chính quy và chỉ tiêu vừa làm vừa học) năm 2010 và ước thực hiện năm 2011, các đơn vị cần chỉ ra mức độ thực hiện và các nguyên nhân vượt, đạt và không đạt chỉ tiêu tuyển sinh đã được giao.

- Năm 2011, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 649/QĐ-BGDĐT ngày 15/02/2011 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 795/QĐ-BGDĐT ngày 27/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quy trình đăng ký, thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, kiểm tra và xử lý việc thực hiện các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Trên cơ sở các tiêu chí về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, các đơn vị đánh giá các điều kiện về giáo viên, giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo của năm 2010 và dự kiến thực hiện các điều kiện của năm 2011. Đối với đội ngũ giáo viên, giảng viên cần xem xét cả về số lượng, cơ cấu trình độ (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ, đại học,...), các loại hình cán bộ giảng dạy (cơ hữu, thỉnh giảng). Đối với cơ sở vật chất, cần đánh giá đầy đủ về tổng diện tích đất đai khuôn viên của nhà trường, trong đó phần diện tích đó đưa vào sử dụng; tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học (giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, khu thực nghiệm, thư viện ...). Phân tích đánh giá về thực trạng trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập và nghiên cứu khoa học của nhà trường năm 2010 và ước thực hiện năm 2011.

- Đánh giá tình hình đào tạo theo địa chỉ, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội; tình hình tìm việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

- Đánh giá tình hình xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển nhà trường đến năm 2020.

- Nêu những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện kế hoạch tuyển sinh, đào tạo.

2. Đánh giá thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2011

2.1 Đánh giá thực hiện dự toán thu phí, lệ phí.

Căn cứ vào kết quả thu 6 tháng đầu năm, đánh giá ước thực hiện tổng số thu năm 2011 và chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí, thu hoạt động dịch vụ, thu sự nghiệp khác...; nguồn thu thực tế so với dự toán được giao đầu năm (tăng, giảm, tỷ lệ %), số thu nộp ngân sách, số thu được để lại đơn vị sử dụng theo chế độ quy định (tỷ lệ % so với tổng nguồn kinh phí chi thường xuyên).

- Số kinh phí trích từ nguồn thu phí, lệ phí, thu khác để tạo nguồn cải cách tiền lương.

- Kiến nghị về chế độ chính sách thu và sử dụng phí, lệ phí, thu khác.

2.2. Đánh giá thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước (NSNN) phát triển sự nghiệp .

a) Đánh giá tình hình thực hiện dự toán NSNN 6 tháng đầu năm (số dự toán đã rút đến 30/6/2011, so sánh với số dự toán được giao) và dự kiến cả năm 2011 theo từng chỉ tiêu nhiệm vụ được giao; Báo cáo tình hình thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán chi NSNN được giao năm 2011 (tình hình thực hiện tiết kiệm số kinh phí đã được Bộ thông báo); tình hình tiết giảm chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, đi công tác trong và ngoài nước..., những khó khăn, vướng mắc (nếu có) khi triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và kiến nghị;

b) Đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ, cơ chế, chính sách và chế độ chi tiêu trong năm 2011, trong đó đánh giá kỹ kết quả thực hiện Quyết định 471/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2011 về trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người hưởng lương hưu có mức lương thấp, người hưởng trợ cấp ưu đãi người có công và hộ nghèo đời sống khó khăn.

c) Đánh giá kết quả thực hiện cải cách tiền lương: việc xét duyệt về biên chế, quỹ lương, xác định nhu cầu kinh phí thực hiện cải cách tiền lương theo mức tiền lương tối thiểu 830.000 đồng/người/tháng từ 01/5/2011; kết quả thực hiện các biện pháp tài chính tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương từ tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương, các khoản có tính chất lương và chi tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương); từ 40% nguồn thu được để lại theo chế độ quy định, xác định các nguồn năm trước theo quy định chưa sử dụng hết (sau khi đã bố trí đảm bảo đủ nguồn để thực hiện mức tiền lương tối thiểu 830.000 đồng/tháng trong năm 2011) chuyển sang năm 2012 (nếu có) để tiếp tục tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương (có biểu số liệu báo cáo cụ thể).

d) Đánh giá kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện các nhiệm vụ và cơ chế, chính sách và chế độ chi tiêu trong năm 2011, trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách sau:

- Các đơn vị sự nghiệp thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006, Thông tư số 113/2007/TT-BTC ngày 24/9/2007 của Bộ Tài chính, thực hiện đánh giá việc tổ chức triển khai tại đơn vị: xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ và chi trả thu nhập trong năm cho người lao động và việc trích lập, sử dụng các quỹ (đặc biệt là quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp); những khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện, kiến nghị với Bộ và các ngành, các cấp.

- Việc thực hiện công khai tài chính của đơn vị theo các quy định của Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22/3/2005 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

- Những tồn tại về dự toán năm 2011 của đơn vị chưa được giải quyết, nêu lý do và đề xuất với Bộ.

đ) - Chi vốn đối ứng, vốn viện trợ đối với các dự án ODA: đánh giá số liệu giải ngân theo từng loại nguồn vốn so với kế hoạch năm và luỹ kế giải ngân đến năm 2010, thực hiện 6 tháng đầu năm 2011 và ước thực hiện đến hết năm 2011 so với tổng số theo từng loại nguồn vốn đã ký trong hiệp định dự án. Đánh giá việc thực hiện các thủ tục xác nhận, ghi thu - ghi chi đối với vốn viện trợ không hoàn lại; thực hiện việc báo cáo tài chính, quyết toán và kiểm toán; những khó khăn vướng mắc cụ thể trong hoạt động giải ngân dự án, kiến nghị và đề xuất giải pháp thực hiện.

e) Chi sự nghiệp nghiên cứu khoa học:

- Đánh giá tiến độ thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học:

+ Số lượng đề tài đang thực hiện, số lượng đề tài đã hoàn thành so với kế hoạch trong đó chi tiết theo từng loại: đề tài cấp nhà nước, chương trình, đề tài trọng điểm cấp bộ, đề tài cấp bộ, đề tài cấp cơ sở.

+ Tình hình triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ, tình hình thu hồi kinh phí các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ; tình hình thực hiện dự án tăng cường năng lực nghiên cứu các phòng thí nghiệm.

- Tình hình thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 09/5/2005 của Chính phủ, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP

- Đánh giá việc chấp hành các chế độ, định mức chi nghiên cứu khoa học, chế độ báo cáo tài chính và quyết toán kinh phí.

- Đánh giá hiệu quả của các đề tài dự án: Việc ứng dụng các đề tài cấp nhà nước vào thực tiễn, hiệu quả đầu tư, sử dụng các thiết bị tăng cường năng lực nghiên cứu ...

- Tồn tại, khó khăn, vướng mắc theo các nội dung :

+ Số lượng các đề tài tồn đọng, đã quá hạn, nêu rõ nguyên nhân và đề xuất hướng giải pháp xử lý dứt điểm.

+ Vấn đề phát sinh trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách và chế độ chi tiêu trong năm 2011 thực hiện các nhiệm vụ được giao.

+ Quá trình chuyển đổi các đơn vị nghiên cứu KHCN theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP.

+ Đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP và Quyết định số 1926/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và Thông tư liên tịch hướng dẫn số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV ngày 05/6/2006 của Liên bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ: việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ và chi trả thu nhập trong năm cho người lao động và việc trích lập, sử dụng các quỹ (đặc biệt là quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp); việc thực hiện công khai tài chính tại đơn vị; những khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện, kiến nghị với Bộ và các ngành, các cấp.

g) Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường, sự nghiệp đảm bảo xã hội, sự nghiệp kinh tế:

- Đánh giá tiến độ thực hiện theo từng dự án, kết quả giải ngân dự án, việc chấp hành các chế độ, định mức, chế độ báo cáo tài chính, quyết toán kinh phí.

- Hiệu quả sử dụng kinh phí và tác động tích cực của việc thực hiện dự án. Các dự án còn tồn đọng, chưa quyết toán, nêu rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý dứt điểm.

h) Chi chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): Phân tích, so sánh giữa nguồn vốn đã được bố trí thực hiện với yêu cầu thực tế của từng dự án, đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu và tỷ lệ đạt được; đánh giá hiệu quả sử dụng kinh phí CTMTQG, những ưu điểm, tác động tích cực của việc thực hiện CTMTQG giáo dục - đào tạo và các CTMTQG khác đã triển khai.

II. Xây dựng Kế hoạch đào tạo và dự toán NSNN năm 2012

1. Xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch đào tạo

1.1. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển

- Thực hiện Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2020, thực hiện chỉ thị 296/CT-TTg ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012, các trường cần rà soát lại quy hoạch phát triển của trường, hoàn thành xây dựng đề án quy hoạch phát triển tổng thể của đơn vị mình đến năm 2020 và đưa ra các giải pháp để thực hiện quy hoạch.

- Trên cơ sở xác định quy mô đào tạo hiện tại, dự kiến quy mô trong năm 2012 và kế hoạch giai đoạn 2011-2015, tình hình cơ sở vật chất hiện có và quy hoạch phát triển tổng thể được phê duyệt các đơn vị cần tính toán nhu cầu về diện tích hội trường, giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu và các điều kiện cơ sở vật chất khác. Xác định nhu cầu đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị trong năm 2012, trong đó xác định rõ nguồn vốn NSNN cấp, các nguồn thu được để lại (quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp) và các nguồn huy động khác.

- Đề nghị các đơn vị trực thuộc rà soát lại toàn bộ các cơ sở đang quản lý và những cơ sở dự kiến sẽ thành lập mới, căn cứ Quyết định số 07/2009/QĐ-TTg ngày 15/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, đình chỉ hoạt động, sáp nhật, chia, tách, giải thể trường đại học, thực hiện theo đúng quy trình khi đăng ký thành lập cơ sở mới, sáp nhập một cơ sở khác vào trường.

1.2 Kế hoạch đào tạo

- Kế hoạch đào tạo năm 2012 được xác định theo tinh thần tăng cường quản lý giáo dục đại học, gắn phát triển quy mô với các điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo theo các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 795/QĐ-BGDĐT ngày 27/2/2010 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Quyết định số 649/QĐ-BGDĐT ngày 15/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 795/QĐ-BGDĐT. Đẩy mạnh đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số, cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn,cho 3 vùng trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, ưu tiên đào tạo những ngành nghề xã hội đang còn thiếu như các ngành thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ cao, lĩnh vực y tế, nông lâm, giáo viên một số loại hình còn thiếu, một số ngành nghề đặc thù. Tỷ lệ tăng chỉ tiêu chính quy không quá 6,5% so với chỉ tiêu năm 2011. Những trường mới thành lập hoặc những trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở thêm ngành mới, hệ đào tạo mới thì sẽ được xem xét cụ thể, tùy theo đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất.

- Đẩy mạnh đào tạo sau đại học nhằm nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo, nâng số giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên đạt tỷ lệ trên 70% (trong đó tiến sĩ trên 20%) trong các trường Đại học, trên 60% (trong đó tiến sĩ trên 5%) trong các trường cao đẳng. Nâng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo sau đại học tối thiểu bằng 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo đại học chính quy.

- Chỉ tiêu đào tạo đối với hệ vừa làm vừa học, bằng hai, liên thông thực hiện theo tỷ lệ so với hệ chính quy đã được quy định trong Quyết định số 649/QĐ-BGDĐT ngày 15/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (trừ một số trường đặc thù). Giảm dần chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học, tiến tới không tuyển sinh đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp trong trường đại học.

- Những cơ sở đào tạo không thực hiện 3 công khai, những trường tuyển sinh năm 2011 vượt quá 10% sẽ bị trừ chỉ tiêu tuyển sinh của năm 2012.

2. Xây dựng dự toán thu, chi NSNN năm 2012

2.1. Mục tiêu và yêu cầu:

Dự toán NSNN năm 2012 cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, tiết kiệm để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thực hiện có hiệu quả các giải pháp thực hiện tiết kiệm đã đề ra trong năm 2011; rà soát, sắp xếp lại các khoản chi ngân sách để triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách đảm bảo nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, dự án và các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra, đảm bảo đúng quy định của pháp luật hiện hành và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khi xây dựng dự toán.

Xây dựng Dự toán NSNN năm 2012 phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và giai đoạn 2011-2015 của ngành giáo dục; gắn với các nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm của đơn vị.

 2.2. Dự toán thu phí, lệ phí và thu khác

Các đơn vị xây dựng dự toán thu đầy đủ và chi tiết theo từng nguồn thu như sau:

- Các khoản thu thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước được để lại chi theo chế độ, các đơn vị căn cứ số thực hiện thu năm 2010, ước thực hiện năm 2011, những yếu tố dự kiến tác động đến thu năm 2012 để xây dựng dự toán thu cho phù hợp, mang tính tích cực và đảm bảo đúng chính sách, chế độ. Trong đó chi tiết theo từng loại: học phí chính quy, không chính quy (tại chức, văn bằng 2 dưới hình thức học tại trường hoặc liên kết với các địa phương, đơn vị; tự học có hướng dẫn, đào tạo từ xa theo chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh do nhà nước giao hoặc theo tiêu chí của Bộ hướng dẫn); lệ phí dự thi, dự tuyển.

- Các khoản thu phí, lệ phí, thu sự nghiệp khác, không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong đó chi tiết theo từng loại: thu từ hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, sản xuất, kinh doanh, phí dịch vụ, học phí các loại hình đào tạo do trường tự tổ chức tuyển sinh, tự ký hợp đồng đào tạo cho cá nhân, các đơn vị theo hình thức bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn, bồi dưỡng theo chuyên đề; lệ phí và thu sự nghiệp khác.

2.3. Dự toán chi NSNN phát triển sự nghiệp:

2.3.1. Chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo:

- Năm 2012 là năm thứ 2 của thời kỳ ổn định phân loại đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Xây dựng dự toán chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2012 phải căn cứ vào việc đánh giá tình hình thực hiện, mức kinh phí NSNN bảo đảm hoạt động thường xuyên năm 2011 và dự kiến nhiệm vụ kế hoạch phát triển đào tạo tăng hoặc giảm của năm 2012.

- Dự toán chi NSNN năm 2012 chi tiết theo từng nội dung (bao gồm cả chi từ nguồn NSNN giao và chi từ nguồn thu phí, lệ phí, thu khác được để lại đơn vị chi theo chế độ).

- Dự toán nguồn cải cách tiền lương: Các đơn vị tiếp tục chủ động thực hiện đầy đủ, đúng quy định các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2012. Theo đó: dành một phần nguồn thu được để lại năm 2011 theo chế độ; tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2011 (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương), đồng thời thực hiện chuyển các nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm trước chưa sử dụng hết (nếu có) sang năm 2012 để tiếp tục thực hiện; toàn bộ nguồn kinh phí này phải được hạch toán, quản lý riêng để tạo nguồn tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương, không sử dụng nguồn kinh phí này cho mục đích khác.

- Xây dựng dự toán chi vốn đối ứng, vốn vay và vốn viện trợ đối với các dự án vay nợ và viện trợ phải dựa trên cơ sở tiến độ thực hiện các hoạt động của dự án, đồng thời phù hợp với tỷ lệ giải ngân vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại của dự án được thực hiện năm 2011 và kế hoạch hoạt động năm 2012. Không xây dựng vốn đối ứng quá cao; dự toán chi quản lý dự án phải quán triệt đầy đủ yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Các dự án phải tính toán, cân đối nguồn vốn để đảm bảo hoàn thành dứt điểm các hoạt động khi dự án kết thúc.

2.3.2. Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ:

- Đối với dự toán kinh phí hoạt động năm 2012 của tổ chức khoa học công nghệ được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 mục VI Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 05/6/2006 của Liên tịch Bộ Khoa học và Công nghệ - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ.

- Đối với dự toán kinh phí năm 2012 chi cho các đề tài, dự án KHCN sử dụng vốn NSNN: Căn cứ xây dựng dự toán là nhiệm vụ nghiên cứu KHCN đã được Bộ phê duyệt cho các đề tài, dự án và các định mức chi kinh phí đã hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc lập, duyệt, cấp phát, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư Liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 04/10/2006 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Danh mục đề tài nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước; Danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, cấp Bộ; Danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ độc lập cấp nhà nước; Danh mục các dự án khoa học và công nghệ có quy mô lớn hoặc nhiệm vụ khoa học và công nghệ để hình thành sản phẩm quốc gia; Đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu theo Nghị định thư dự kiến sẽ ký với các nước trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học; Đề xuất các dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, chống xuống cấp các tổ chức khoa học và công nghệ; Dự án sản xuất thực nghiệm cấp nhà nước; Đối với các Viện nghiên cứu đề nghị cần nêu rõ các sản phẩm khoa học đối với đội ngũ nghiên cứu hưởng lương từ sự nghiệp nghiên cứu khoa học.

2.3.3. Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường :

- Căn cứ xây dựng dự toán là các dự án, đề tài, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã được Bộ phê duyệt, các định mức chi kinh phí được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-TNMT ngày 29/12/2006 và số 01/2008/TTLT-BTNMT-BTC ngày 29/01/2008 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và môi trường về quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường và lập dự toán công tác bảo vệ môi trường.

- Thực hiện các dự án quan trắc tác động đối với môi trường, tăng cường năng lực quan trắc môi trường.

- Tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường.

2.3.4. Chi sự nghiệp kinh tế:

- Dự toán chi cho các dự án điều tra cơ bản, quy hoạch khảo sát chưa kết thúc năm 2011 kéo dài sang năm 2012.

- Đăng ký và xây dựng dự toán chi cho các dự án mới năm 2012 căn cứ vào Thông tư số 24/2008/TT-BTC ngày 14/3/2008 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế thực hiện các nhiệm vụ, dự án quy hoạch.

2.3.5. Chi chương trình mục tiêu quốc gia

- Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo (CTMTQG GD&ĐT):

Căn cứ vào kết quả thực hiện các dự án thuộc CTMTQG GD&ĐT năm 2011, các mục tiêu nhiệm vụ năm 2012 và chế độ tài chính hiện hành lập dự toán nhu cầu chi thực hiện các dự án thuộc CTMTQG GD&ĐT năm 2012 :

+ Đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.

+ Tăng cường dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

+ Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có nhiều khó khăn.

+ Tăng cường năng lực đào tạo các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Các đơn vị đề xuất nội dung, dự toán kinh phí thực hiện CTMTQG GD&ĐT năm 2012 theo từng mục tiêu nêu trên, thuyết minh rõ cơ sở tính toán, các dự án đã được phê duyệt chuyển tiếp hoặc triển khai mới.

- Chương trình mục tiêu quốc gia khác: Xây dựng dự toán trên cơ sở các dự án đã được phê duyệt, chuyển tiếp và dự kiến thực hiện năm kế hoạch.

Các trường, các đơn vị sự nghiệp, các Dự án vay nợ và viện trợ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng kế hoạch theo các nội dung hướng dẫn trên và báo cáo đầy đủ theo các biểu mẫu liên quan đến hoạt động của đơn vị (File điện tử các biểu mẫu báo cáo có thể được lấy tại địa chỉ sau: www.moet.gov.vn ).

Để giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp dự toán thu chi ngân sách nhà nước báo cáo Bộ Tài chính đúng hạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch và gửi về Bộ (Vụ Kế hoạch - Tài chính) như sau:

- Các biểu mẫu yêu cầu tổng hợp vào 01 file lấy theo tên đơn vị và gửi qua thư điện tử theo địa chỉ: kehoachngansach2012@moet.edu.vn trước ngày 12/7/2011.

- Báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2012 chính thức (bản in) gửi về Bộ trước ngày 16/7/2011.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Các đơn vị trực thuộc cơ quan Bộ;
- Lưu VT, Vụ KHTC.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Vũ Luận

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN