Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4215/LĐTBXH-LĐTL
V/v chi trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động

Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2014

 

Kính gửi: Sở Tài chính thành phố Cần Thơ

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ tại công văn số 2840/UBND-VX ngày 13/6/2014, ngày 08/7/2014 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có công văn số 2401/LĐTBXH-LĐTL trả lời về việc giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc đối với ông Nguyễn Việt Đức và bà Trần Ngọc Thúy. Tuy nhiên, do hồ sơ gửi kèm công văn số 2840/UBND-VX nêu trên chưa đầy đủ, nay căn cứ hồ sơ gửi kèm công văn số 3048/STC-TCDN ngày 10/10/2014 của Sở Tài chính thành phố Cần Thơ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

1 .Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trước thời điểm Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực thì doanh nghiệp áp dụng quy định tại Bộ luật Lao động năm 1994 (sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006 và 2007) và các văn bản hướng dẫn thi hành để chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.

2. Bộ luật Lao động năm 1994 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1995, theo đó từ ngày Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành, không còn chế độ chuyển công tác đối với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp sau đó người lao động làm việc cho doanh nghiệp khác thì thực hiện giao kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động mới.

3. Theo quy định tại Điều 43 của Bộ luật Lao động năm 1994Điều 15 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt thì việc thực hiện thanh toán không được kéo dài quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Theo quy định này thì khi người lao động thôi việc tại doanh nghiệp mà doanh nghiệp và người lao động không thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động, thanh toán trợ cấp thôi việc trong thời hạn nêu trên là trái với quy định của pháp luật về lao động.

4. Khoản 4 mục C Thông tư số 11/1998/TT-LĐTBXH ngày 21/8/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chính sách đối với người lao động khi chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần quy định công ty cổ phần có trách nhiệm tiếp nhận số lao động, hồ sơ, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể do doanh nghiệp Nhà nước bàn giao, thực hiện đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ đã được cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy định của pháp luật.

5. Theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28/10/2004 của Chính phủ quy định về thành lập mới, tổ chức lại và giải thể công ty nhà nước thì kể từ ngày quyết định giải thể có hiệu lực, công ty nhà nước bị giải thể có trách nhiệm lập danh sách chủ nợ và số nợ phải trả, bao gồm tiền lương, trợ cấp thôi việc và các chế độ khác của người lao động.

Căn cứ các quy định nêu trên và hồ sơ gửi kèm công văn số 3048/STC-TCDN của Sở Tài chính thành phố Cần Thơ thì:

- Việc Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Cần Thơ điều chuyển ông Nguyễn Việt Đức từ Công ty cổ phần bao bì PP Cần Thơ sang làm việc tại Công ty Du lịch Cần Thơ theo Quyết định số 930/QĐ.BTCCQ ngày 12/8/2002 là không đúng quy định của pháp luật.

- Ông Nguyễn Việt Đức chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty cổ phần bao bì PP Cần Thơ và bà Trần Ngọc Thúy chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty Lương thực Cần Thơ sau ngày 01/01/1995 mà hai bên không thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và thanh toán trợ cấp thôi việc là không đúng quy định của pháp luật.

- Về trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc: Công ty cổ phần bao bì PP Cần Thơ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Đức đối với thời gian ông Đức làm việc tại Công ty cổ phần bao bì PP Cần Thơ, Nhà máy bao bì PP Cần Thơ, Xí nghiệp Xi măng Cần Thơ và Ty giao thông vận tải Hậu Giang. Công ty Lương thực Cần Thơ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho bà Thúy đối với thời gian bà Thúy làm việc tại Xí nghiệp chế biến lương thực Cần Thơ thuộc Công ty Lương thực Cần Thơ. Tuy nhiên, do sự việc xảy ra đã lâu, không đúng quy định của pháp luật, đến nay Công ty cổ phần bao bì PP Cần Thơ và Công ty Lương thực Cần Thơ (đơn vị hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam) đã giải thể, do đó không còn pháp nhân để thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật.

- Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Đức và bà Thúy đối với thời gian ông Đức và bà Thúy làm việc tại Công ty Du lịch Cần Thơ (doanh nghiệp cổ phần hóa) và Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ.

- Ban tổ chức chính quyền tỉnh Cần Thơ (nay là Sở Nội vụ thành phố Cần Thơ) không có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc đối với ông Đức; Tổng công ty Lương thực miền Nam không có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc đối với bà Thúy.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời để Sở Tài chính thành phố Cần Thơ biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- TT. Phạm Minh Huân (để b/c);
- UBND thành phố Cần Thơ;
- Sở LĐTB&XH thành phố Cần Thơ;
- TCT Lương thực miền Nam;
- Lưu VT, Vụ LĐTL.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG - TIỀN LƯƠNG




Tống Thị Minh