BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4251/TCHQ-VP | Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2021 |
Kính gửi: Các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, về công tác quản lý hải quan nhằm triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu, không để gián đoạn chuỗi cung ứng (gồm công văn số: 2547/TCHQ-GSQL ngày 27/5/2021, số 2558/TCHQ-VP ngày 27/5/2021, số 2930/TCHQ-TCCB ngày 15/6/2021, số 2956/TCHQ-GSQL ngày 16/6/2021, số 3635/TCHQ-VP ngày 19/7/2021, số 3695/TCHQ-GSQL ngày 22/7/2021; số 3980/TCHQ-GSQL ngày 11/8/2021; số 4068/TCHQ-VP ngày 17/8/2021…).
Thực hiện Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc và công văn số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, ưu tiên việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị:
1. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Công điện số 1102/CĐ-TTg, công văn số 6666/BYT-MT, công văn hướng dẫn của Tổng cục Hải quan và chỉ đạo của chính quyền địa phương theo từng thời điểm để đảm bảo tuyệt đối an toàn, sức khỏe của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn Ngành, trong đó chú trọng:
- Tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và đảm bảo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.
- Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các đơn vị trên địa bàn để xử lý linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải, lưu thông hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân và nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu…
- Thường xuyên gặp gỡ, tiếp nhận, xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của chính quyền địa phương đồng thời theo đặc thù quản lý hải quan trên địa bàn, bố trí cán bộ làm việc theo tổ hoặc phân chia ca, kíp linh hoạt, phù hợp đảm bảo trong trường hợp phát sinh ca F0 vẫn đủ nguồn lực để duy trì ổn định hoạt động, công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị kiểm soát, giám sát hải quan hiện đại để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và người làm thủ tục hải quan mà vẫn đảm bảo hiệu quả công tác quản lý.
- Duy trì hoạt động trong trường hợp địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 hoặc xuất hiện F0 tại đơn vị.
- Đảm bảo hoàn thành chương trình công tác trọng tâm của đơn vị.
2. Đối với các Cục Hải quan đóng trên địa bàn các tỉnh, thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/03/2020 hoặc áp dụng các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội:
- Thực hiện nghiêm chế độ làm việc theo quy định về giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội của chính quyền địa phương tại từng thời điểm.
- Có kế hoạch và phương án cụ thể việc tiêm phòng, thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho cán bộ, công người, người lao động theo quy định của chính quyền địa phương đảm bảo đúng quy định về phòng chống dịch.
- Đối với hàng container phải kiểm tra thực tế hàng hóa chuyển sang kiểm tra bằng máy soi, nếu kết quả soi chiếu có nghi vấn mới chuyển kiểm tra thực tế do công chức hải quan thực hiện trực tiếp. Trường hợp phải kiểm tra thực tế do công chức hải quan thực hiện trực tiếp thì phải bố trí khu vực đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Hàng hóa phải được phun khử khuẩn trước khi đưa vào khu vực kiểm tra và thực hiện công tác phòng chống dịch đúng theo quy định của chính quyền địa phương.
3. Đối với các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố còn lại:
- Tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Tổng cục Hải quan về công tác phòng chống dịch Covid-19 theo các văn bản đã ban hành, đảm bảo hoạt động của đơn vị không bị động, gián đoạn trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
4. Đối với các đơn vị thuộc khối cơ quan Tổng cục Hải quan:
- Tiếp tục đảm bảo hoàn thành chương trình công tác của đơn vị, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số; Hoàn thiện Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; Bám sát, kịp thời tham mưu, hướng dẫn xử lý các vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý hải quan khi phòng chống dịch.
- Các đơn vị nghiệp vụ chủ động theo dõi, đề xuất xử lý vướng mắc, kiến nghị về nghiệp vụ, thủ tục hải quan, trang thiết bị phòng chống dịch, của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố đặc biệt các địa phương áp dụng tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (như kiến nghị về cơ chế đặc thù để phục vụ công tác phòng chống dịch covid-19 nêu tại Công văn số 2101/HQTPHCM-VP của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh ngày 11/8/2021….)
- Cục Giám sát quản lý về hải quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ: Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Kiểm định Hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan, Vụ Pháp chế nghiên cứu, rà soát cơ sở pháp lý, đề xuất và hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố triển khai nghiệp vụ quản lý hải quan làm việc từ xa thông qua hệ thống công nghệ thông tin tại các địa điểm làm thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 22 Luật Hải quan.
- Cục Quản lý rủi ro rà soát các tiêu chí đánh giá rủi ro, phù hợp với diễn biến thực tiễn của dịch bệnh, đảm bảo quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (phân luồng tờ khai, soi chiếu qua máy soi container…).
- Vụ Thanh tra- Kiểm tra và Cục Kiểm tra sau thông quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh kế hoạch thanh tra năm 2021 theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
- Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan đảm bảo vận hành hệ thống công nghệ thông tin an toàn, thông suốt 24/7 và an toàn bảo mật.
Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và thực hiện chỉ đạo của chính quyền địa phương, đảm bảo nguyên tắc an toàn, hiệu quả. Trường hợp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn, xử lý.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn vị biết, thực hiện./.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Luật Hải quan 2014
- 2 Chỉ thị 16/CT-TTg năm 2020 về thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Nghị quyết 84/NQ-CP năm 2020 về nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 do Chính phủ ban hành
- 4 Công văn 2547/TCHQ-GSQL năm 2021 thực hiện thủ tục hải quan trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid19 do Tổng cục Hải quan ban hành
- 5 Công văn 2956/TCHQ-GSQL năm 2021 về phương án giải quyết thủ tục hải quan trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp do Tổng cục Hải quan ban hành
- 6 Công văn 3695/TCHQ-GSQL năm 2021 về kiểm tra bảo quản hàng hóa trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp do Tổng cục Hải quan ban hành
- 7 Công văn 3980/TCHQ-GSQL năm 2021 về hỗ trợ thông quan hàng hóa phòng chống dịch Covid-19 do Tổng cục Hải quan ban hành
- 8 Công văn 6666/BYT-MT năm 2021 hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị do Bộ Y tế ban hành
- 9 Công điện 1102/CĐ-TTg năm 2021 về tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc do Thủ tướng Chính phủ điện