BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4276/BNN-TCTS | Hà Nội, ngày 14 tháng 12 năm 2012 |
Kính gửi: Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải,
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ của cá tra, tôm nước lợ; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo về tình hình sản xuất, tiêu thụ của cá tra, tôm nước lợ trong năm 2012 và xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ:
1. Tình hình sản xuất cá tra, tôm nước lợ:
a) Tình hình nuôi cá tra:
- Tính đến hết tháng 11/2012, sản lượng giống toàn vùng ước đạt 1,85 tỷ con cá giống về cơ bản đáp ứng nhu cầu thả nuôi của toàn vùng ĐBSCL (so với cùng kỳ năm 2011 tăng 18%). Do vào thời điểm cuối năm 2011 và đầu năm 2012 giá cá tra nguyên liệu tăng cao (28.000-29.000đ/kg) người nuôi có lãi nên nhu cầu thả giống đầu vụ cao, xuất hiện tượng thiếu cá giống, giá cá giống tăng 50-70% so vói cùng kỳ năm 2011 (loại 2 cm có giá từ 2.500 - 2.700 đồng/con, cỡ lớn hơn lên đến 3.000 đồng/con). Từ cuối tháng 4/2012 giá cá tra thương phẩm giảm nên giá giống bắt đầu giảm theo đến 10/12/2012 giá bán cá giống (loại 2 cm) giảm chỉ còn 700-900 đ/con.
- Tổng diện tích nuôi thả cá tra từ đầu năm đến nay là 5.477 ha (bằng 112,4% so với cùng kỳ năm 2011). Diện tích đã thu hoạch là 3.844 ha (bằng 113,5% so với cùng kỳ); tổng sản lượng thu hoạch lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 1.071.786 tấn (bằng 103,8% so với cùng kỳ 2011), năng suất bình quân 279 tấn/ha (năm 2011 là 305 tấn/ha).
- Vào thời điểm điểm cuối quý II đầu quý III/2012, sau khi có thông tin về gói tín dụng hỗ trợ cho SX&TT cá tra nên giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ giao động ở mức 20.500đ- 22.300đ/kg (tùy loai, tùy điều kiện thanh toán). Thời điểm hiện tại mặc dù thị trường tiêu thụ ở một số nước có dấu hiệu tăng trưởng do nhu cầu đón lễ Giáng sinh và mừng năm mới, nhưng giá thu mua cá tra tại các tỉnh vùng ĐBSCL sụt giảm còn 20.500-21.700đ (giảm 500-700đ/kg so với đầu tháng 12/2012), do hàng tồn kho lớn (An Giang trên 26.000tấn) và cá nuôi đến kỳ thu hoạch trong khi đó giá thành sản xuất 23.000-24.000đ/kg người nuôi lỗ 3.000- 3.300đ/kg.
- Về thức ăn: Do giá các nguyên liệu chủ lực để sản xuất thức ăn như: ngô, đậu tương, bột cá tăng, nên giá thức ăn bán ra tăng nhẹ, cho nên từ quý 1/2012 đến quý III/2012 với nhiều lần điều chỉnh tăng khiến giá thức ăn nuôi cá tăng trung bình 15-20%. Trong quý III/2012 đã có 3 lần điều chỉnh tăng giá thức ăn chăn nuôi do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn tăng mạnh, giá bán thức ăn nuôi cá tra ở mức 12.000-14.500 đ/kg, tăng gần 40% trong vòng 3 tháng và dự báo sẽ còn tăng. Nhiều hộ nuôi đã chuyển sang cho cá ăn thức ăn tự chế trong giai đoạn đầu, đến lúc gần thu hoạch cho ăn thức ăn viên để tiết kiệm chi phí.
b) Tình hình nuôi tôm nước lợ:
- Trong năm 2012 cả nước có 1.529 cơ sở sản xuất tôm sú giống, sản xuất được hơn 37 tỷ con giống và có 185 cơ sở sản xuất tôm chân trắng giống, sản xuất được gần 30 tỷ giống, số lượng cơ sở sản xuất giống giảm đi so với 2009 gần 600 cơ sở nhưng quy mô cơ sở lại lớn hơn nên sản lượng giống không giảm mà tăng lên. Hiện nay có 30 tỉnh/thành nuôi tôm nước lợ, đã thả nuôi 657.523 ha, đạt sản lượng 476.424 tấn (so với năm 2011 diện tích tăng 0,2% , sản lựợng giảm 3,9%). Bao gồm, diện tích nuôi tôm sú là 619.355 ha, đạt sản lượng 298.607 tấn (giảm 7,1% diện tích, giảm 6,5% về sản lượng); tôm chân trắng là 38.169 ha đạt sản lượng 177.817 tấn (tăng 5.000 ha tương đương 15,5% về diện tích, 3,2% về sản lượng); trong đó, tôm sú chiếm 94,1% tổng diện tích nuôi tôm và chiếm 62,7% sản lượng tôm nuôi trong cả nước, tôm thẻ nuôi chiếm 5,9% diện tích, sản lượng chiếm 27,3%. Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm nước lợ chủ yếu của cả nước, diện tích nuôi tôm là 595.723 ha, sản lượng 358.477 tấn (chiếm 90,61% diện tích, 75,2% sản lượng nuôi tôm cả nước), trong đó diện tích nuôi tôm sú là 579.997 ha, sản lượng 280.647 tấn (chiếm 93,6 % diện tích, 94% sản lượng tôm sú cả nước), diện tích nuôi tôm chân trắng là 15.727 ha, sản lượng 77.830 tấn (chiếm 41,2.% diện tích, 42% sản lượng tôm chân trắng nuôi cả nước).
- Đối với sản xuất tôm nước lợ hiện nay còn có những khó khăn, tồn tại: (i) dịch bệnh xảy ra thường xuyên và liên tục trong năm có 100.776 ha bị thiệt hại do dịch bệnh (tôm sú 91.174 ha, tôm chân trắng 7.068 ha), đặc biệt là hội chứng hoại tử gan, đốm trắng đã gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản lượng, giá trị xuất khẩu (trong đó thiệt hại do bệnh hoạt tử gan tụy là 46.093 ha); (ii) giá vật tư đầu vào liên tục tăng, giá thu mua tôm nguyên liệu thấp; (iii) các doanh nghiệp và người nuôi thiếu vốn, thiếu tôm nguyên liệu để chế biến; (iv) các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật do một số nước gây khó khăn cho việc xuất khẩu tôm của Việt Nam (hiện tại thị trường Nhật Bản với quy định quá khắt khe về tồn dự Ethoxyquyn 0,01ppm).
2. Về Chế biến và xuất khẩu:
a) Chế biến và xuất khẩu cá tra:
- Tính đến 15/11/2012, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,525 tỷ USD giảm 1,7% so với cùng kỳ; riêng trong tháng 10 xuất khẩu đạt kim ngạch 162,8 triệu USD giảm 4,6% so với cùng kỳ và nửa đầu tháng 11/2012 xuất khẩu cá tra đạt trên 70 triệu USD tăng 8,9% so với cùng kỳ (so với cùng kỳ 2011 thị trường EU giảm 19,8%, thị trường Mỹ tăng 17,3%, Trung Quốc, Hong Kong tăng 34,9%). Nguyên nhân giảm xuất khẩu cá tra:
+ Thị trường tiêu thụ khó khăn, nhất là thị trường EU;
+ Doanh nghiệp khó khăn về vốn, hạn mức vay giảm so với cùng kỳ 2011, lãi suất ngân hàng cao liên tục trong thời gian dài.
+ Chi phí đầu vào như điện nước, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng.
- Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện nay còn khoảng 160 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra giảm 30% so với năm 2011 (năm 2011 là 231 doanh nghiệp); tuy nhiên chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp duy trì được xuất khẩu ổn định, số doanh nghiệp còn lại chỉ sản xuất và xuất khẩu cầm chừng; trong đó 20 doanh nghiệp hàng đầu đạt doanh số 889,87 triệu USD, chiếm 61 % tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành.
- Về sản phẩm: xuất khẩu cá tra phile đông lạnh chiếm tỷ trọng gần 96% (so với năm 2011 là 97%), cắt khúc tươi/sống/đông lạnh chiếm 3,7% tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2011, số còn lại là cá tra chế biến.
- Dự báo giá trị xuất khẩu cá tra sang các thị trường trong quý IV/2012 sẽ tăng nhẹ so với quý III, ước đạt 470 triệu USD, tăng trên 7% so với Quý III (438,6 triệu USD), đưa tổng xuất khẩu cả năm lên gần 1,8 tỷ USD, tương đương với năm 2011.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn có những tồn tại lớn chưa giải quyết được, đó là tình trạng giá xuất khẩu cá tra liên tục thấp hơn giá thành trong thời gian dài, nguyên nhân: (i) hiện nay do chưa tổ chức tốt xuất khẩu nên các doanh nghiệp xuất khẩu cạnh tranh lẫn nhau và bị nhà nhập khẩu ép giá, hậu quả gần như “một mình một chợ” nhưng giá cá tra ngày càng giảm; (ii) nhu cầu của thị trường sụt giảm, đặc biệt là EU; (iii) lượng cá tồn trong kho của doanh nghiệp khá lớn cùng với việc thiếu vốn và sức ép thu hồi vốn của ngân hàng, người nuôi đòi thanh toán ngay bằng tiền mặt do đó một số doanh nghiệp buộc phải bán tháo sản phẩm dẫn đến một cuộc đua về hạ giá xuất khẩu.
b) Chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ:
- Kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đến ngày 15/11/2012 đạt 1,952 tỷ USD giảm 4,8% so với cùng kỳ 2011 (so với cùng kỳ 2011 thị trường Nhật tăng 6,3%, Trung Quốc & Hồng Kong tăng 12,7%, Hàn Quốc tăng 8,2%, Mỹ giảm 16,1%, EU giảm 25,2%, Asean giảm 13,8%); trong đó tháng 10/2012 đạt 232,2 triệu USD và trong nửa đầu tháng 11/2012 đạt 94,6 triệu USD giảm 2,4% so với cùng kỳ 2011.
- Ngoài việc chuyển hướng tăng nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Trung Quốc và Australia trong quý III, các vấn đề lớn trong quý II/212 của ngành sản xuất - XK tôm (ethoxyquin tại Nhật Bản; XK giảm sang 3 thị trường lớn EU, Mỹ, Nhật Bản; cạnh tranh từ tôm Ấn độ và Indonesia ...) vẫn tiếp tục chi phối kết quả xuất khẩu tôm trong quý IV/2012. Dự báo xuất khẩu tôm quý IV/2012 sẽ đạt 650 triệu USD, tăng 6,5% so với 650 triệu quý III, nhưng giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường chững lại; do đó dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2012 sẽ đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 8,3% so với mức trên 2,4 tỷ USD của năm 2011.
3. Về vốn:
- Theo phản ánh của các địa phương và của Vasep hiện nay nguồn vốn từ các ngân hàng cho sản xuất và tiêu thụ cá tra chủ yếu là vốn vay ngắn hạn. Cùng với việc hiện nay người nuôi và doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp là ao nuôi và các công trình phụ trợ chỉ được đánh giá như đất nông nghiệp nên nhiều hộ dân nuôi cá đã không tiếp tục được vay vốn, thua lỗ và đã phải “treo ao” hoặc chuyển sang nuôi gia công cho doanh nghiệp. Chu kỳ nuôi cá từ 7-8 tháng, nhưng nhiều trường hợp người nuôi chỉ được vay thời hạn 4-6 tháng nên đã gây khó khăn cho người nuôi. Mặt khác nhiều doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn để sản xuất cá tra nhưng đã đầu tư cho trung và dài hạn, nên doanh số cho vay đối với sản xuất cá tra có thể lớn (theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trong 9 tháng đầu năm 2012 đạt trên 38.000 tỷ đồng) nhưng thực chất trực tiếp cho nuôi và chế biến cá tra; theo phản ánh của Vasep và các địa phương thấp hơn nhiều. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012 đến nay các doanh nghiệp và người nuôi vẫn rất khó tiếp cận vốn (theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam từ 15/8-30/10/2012 doanh số cho vay đối với nuôi, chế biến cá tra là 10.354 tỷ đồng, nhưng cần phải có kiểm tra và xác minh).
4. Về công tác chỉ đạo điều hành
Ngay từ cuối tháng 04/2012, nhận thấy tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra có những dấu hiệu bất ổn; nhằm xác định đúng nguyên nhân để có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và tiêu thụ cá tra từ 07/5-11/5/2012 Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trực tiếp khảo sát đánh giá tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra tại một số tỉnh trọng điểm; kết quả chuyến công tác Bộ đã có báo cáo và dự thảo Quyết định một số chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ cá tra trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trên cơ sở đề xuất của Bộ, ngày 08/8/2012 Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1149/TTg-KTN về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản.
Để kiểm tra đôn đốc kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 24-29/9/2012 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đi công tác tại các tỉnh/thành phố trọng điểm nuôi cá tra như: An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và Vĩnh Long; Bộ đã có công văn số 3859/BNN-TCTS báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện theo chỉ đạo tại công văn 1149/TTg-KTN.
Ngày 26/11/2012, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, có sự tham gia của Bộ Tài chính, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra và các đơn vị liên quan để bàn giải pháp tập trung tháo gõ khó khăn vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ cá tra. Ngày 12/12/2012, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì Hội nghị tổng kết tình hình phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013 tại Bến Tre.
5. Kiến nghị đề xuất:
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn và tồn tại hiện nay và thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng thủy sản bền vững; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề sau:
5.1. Có giải pháp kịp thời đối với các đề xuất của Bộ tại công văn 3859/BNN-TCTS ngày 09/11/2012, gồm các nội dung sau:
- Đề nghị Phó Thủ tướng cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam tham gia cùng với các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 1149/TTg-KTN ngày 08/8/2012;
- Chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam: Có hướng dẫn để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay trong phân loại nợ đối với các khoản vay cho nuôi, thu mua và chế biến cá tra và tôm nước lợ; Có giải pháp đối với các khoản vay của người nuôi và doanh nghiệp sản xuất tôm, cá tra vay từ ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước cũng được hưởng chính sách theo chỉ đạo tại công văn 1149/TTg-KTN. Nghiên cứu cách tính tài sản thế chấp của các doanh nghiệp và hộ nuôi từ chính giá trị của thủy sản trong ao nuôi để nâng hạn mức cho vay cao hơn hạn mức cho vay hiện nay đối với các doanh nghiệp và cá nhân vay đáp yêu cầu sản xuất;
- Đề nghị bổ sung cho các đối tượng là doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu, các cơ sở/hộ nuôi tôm thâm canh/bán thâm canh được hưởng chính sách vay vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn 1149/TTg-KTN.
5.2. Chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm Quyết định thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam để tháng 01/2013 Hiệp hội cá tra đi vào hoạt động.
5.3. Chỉ đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam để có các giải pháp đẩy mạnh cho vay đối với sản xuất cá tra và tôm nước lợ; kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1149/TTg-KTN, đồng thời nghiên cứu cơ cấu lại vốn từ nguồn vay ngắn hạn sang vay trung dài hạn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ cá tra và làm rõ tổng vốn vay thực tế trong tổng doanh số đã cho vay cho nuôi, chế biến cá tra như báo cáo của Ngân hàng (trên 38.000 tỷ).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 2031/BNN-TCTS năm 2013 hỗ trợ hộ nuôi nghêu bị thiệt hại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2 Công văn 3869/VPCP-KTTH xử lý kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 1149/TTg-KTN về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành