BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4305/TCT-CS | Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2013 |
Kính gửi: Cục Thuế TP Hồ Chí Minh.
Trả lời công văn số 7119/CT-TTr1-N2 ngày 19/9/2013 của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh về chính sách thuế, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về chênh lệch tỷ giá
- Tại điểm 6 mục V phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định:
"6. Thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ; Lãi về chênh lệch tỷ giá hối đoái thực tế phát sinh trong kỳ của hoạt động sản xuất kinh doanh (không bao gồm lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn trước hoạt động sản xuất kinh doanh).
Thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ bằng tổng số tiền thu từ bán ngoại tệ trừ (-) tổng giá mua của số lượng ngoại tệ bán ra.".
- Tại Thông tư số 18/2011/TT-BTC ngày 10/02/2011 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 130/2008/TT-BTC nêu trên quy định:
"b) Sửa đổi, bổ sung điểm 6 mục V Phần C như sau:
- Trong năm tính thuế Doanh nghiệp có chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính, thì được xác định như sau:
+ Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp được tính vào chi phí hoặc thu nhập của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp. Khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ không liên quan trực tiếp đến doanh thu, chi phí của hoạt động sản xuất kinh doanh chính của doanh nghiệp, nếu phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tính vào chi phí sản xuất kinh doanh chính, nếu phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá tính vào thu nhập khác.
+ Lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính được bù trừ với lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ cuối năm tài chính. Sau khi bù trừ nếu còn lãi chênh lệch tỷ giá thì tính vào thu nhập khác, nếu lỗ chênh lệch tỷ giá thì tính vào chi phí sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế...".
- Tại điểm 2.27 mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC nêu trên quy định khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Căn cứ quy định nêu trên, Tổng Cục Thuế thống nhất với đề xuất của Cục Thuế TP Hồ Chí Minh: khoản vốn góp của Công ty TNHH Hưng Phú Gia đã được chia lợi nhuận sau thuế và không phải nộp thuế TNDN. Theo đó, Công ty không được tính khoản lỗ chênh lệch tỷ giá vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN do khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế.
2. Về chi phí dịch vụ mua ngoài
- Tại điểm 2.27 mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC nêu trên quy định khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
- Tại điểm b khoản 2 Điều 21 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/2/2011 của Bộ Tài chính quy định về ấn định thuế như sau:
"b) Qua kiểm tra hàng hóa mua vào, bán ra thấy người nộp thuế hạch toán giá trị hàng hóa mua vào, bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường.
Giá giao dịch thông thường trên thị trường là giá giao dịch theo thỏa thuận khách quan giữa các bên không có quan hệ liên kết.
Cơ quan thuế có thể tham khảo giá hàng hóa, dịch vụ do cơ quan quản lý nhà nước công bố cùng thời điểm, hoặc giá mua, giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng hoặc giá bán của doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng có qui mô kinh doanh và số khách hàng lớn tại địa phương để xác định giá giao dịch thông thường làm căn cứ ấn định giá bán, giá mua và số thuế phải nộp.".
Căn cứ quy định nêu trên, đề nghị Cục Thuế xem xét cụ thể tình hình thực tế các khoản chi phí dịch vụ mua ngoài của Công ty THHH Hưng Phú Gia có phù hợp với các giao dịch thông thường trên thị trường hay không để từ đó xác định cho phù hợp với thực tế.
3. Về khoản chi phí lãi vay để góp vốn điều lệ
Tại điểm 2.15 mục IV phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC nêu trên quy định khoản chi không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:
"2.15. Chi trả lãi tiền vay để góp vốn điều lệ hoặc chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh.".
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty TNHH Hưng Phú Gia có phát sinh khoản chi trả lãi vay ngân hàng để góp vốn điều lệ vào công ty con thì khoản chi trả lãi tiền vay này không được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế TNDN.
Tổng cục Thuế thông báo Cục Thuế TP Hồ Chí Minh biết, đề nghị Cục thuế căn cứ tình hình thực tế để hướng dẫn đơn vị thực hiện theo quy định.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 1409/TCT-CS năm 2014 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp do Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Công văn 1317/TCT-CS năm 2014 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp do Tổng cục Thuế ban hành
- 3 Công văn 1320/TCT-CS năm 2014 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp do Tổng cục Thuế ban hành
- 4 Thông tư 28/2011/TT-BTC hướng dẫn Luật quản lý thuế, Nghị định 85/2007/NĐ-CP và 106/2010/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Thông tư 18/2011/TT-BTC sửa đổi Thông tư 130/2008/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp 14/2008/QH12 và Nghị định 124/2008/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành
- 6 Thông tư 130/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 và Nghị định 124/2008/NĐ-CP thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành