BAN CHỈ ĐẠO QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4372/CV-BCĐ | Hà Nội, ngày 28 tháng 05 năm 2021 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang: dịch đã xảy ra tại các khu công nghiệp với số lượng người lao động lớn, nhiều khu vực đã thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế vùng (phong tỏa). Đồng thời, hiện đang vào mùa thu hoạch nông sản nên đã ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội của người dân; đòi hỏi phải có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, hỗ trợ người dân, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia ngày 21/5/2021 và ngày 24/5/2021; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia) đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chỉ đạo triển khai một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:
1. Thành lập Tổ thông tin đáp ứng nhanh thuộc Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh để thu thập, phân tích thông tin phục vụ công tác truy vết, đánh giá, dự báo tình hình dịch và phối hợp với Tổ thông tin đáp ứng nhanh thuộc Ban chỉ đạo Quốc gia để cập nhật thông tin và đề xuất các biện pháp đáp ứng phù hợp với diễn biến tình hình dịch.
2. Yêu cầu tất cả người lao động và người đến làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh phải cài đặt ứng dụng và thực hiện khai báo y tế bắt buộc hàng ngày. Tải ứng dụng tại https://tokhaiyte.vn, https://bluezone.gov.vn.
3. Đối với các ổ dịch lớn, xảy ra tại các khu công nghiệp, khu vực đông người, có số lượng lớn người tiếp xúc thuộc diện phải cách ly thì áp dụng thí điểm một số biện pháp sau:
- Phân loại các trường hợp lao động cùng phân xưởng với các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2: những trường hợp nào có tiếp xúc gần hoặc làm cùng dây chuyền, cùng trong phòng hẹp có không gian kín có nguy cơ cao phải đưa đi cách ly tập trung; các trường hợp còn lại có thể xem xét chuyển về cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
- Việc chuyển những người làm cùng phân xưởng với trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có nguy cơ thấp hơn về cách ly tại nhà, nơi lưu trú phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Chỉ áp dụng tại các vùng có áp dụng giãn cách xã hội, vùng phong tỏa để áp dụng giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện.
+ Thực hiện nghiêm các quy định về cách ly tại nhà, nơi lưu trú theo quy định của Bộ Y tế.
+ Hộ gia đình phải có đủ điều kiện cách ly như: có phòng riêng, thông thoáng, nhà vệ sinh phù hợp,...
+ Tại các nơi cách ly phải có biển cảnh báo.
+ Thực hiện thu gom và xử lý rác thải, như: khẩu trang, khăn, giấy lau miệng... theo quy định.
+ Chính quyền địa phương (Ban Chỉ đạo phòng chống dịch) phải cử người giám sát, theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và đảm bảo đủ thời gian cách ly như cách ly tập trung.
+ Xử lý nghiêm các trường hợp cách ly ở nhà không chấp hành nghiêm hướng dẫn và quy định về phòng, chống dịch.
- Xét nghiệm mẫu gộp các đối tượng thuộc diện phải cách ly tập trung, các trường hợp lao động cùng phân xưởng với các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 để phát hiện vi rút SARS-CoV-2, số lượng gộp mẫu và trường hợp cần gộp mẫu do địa phương cân nhắc thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và kinh nghiệm một số tỉnh, thành phố khác đã thực hiện nhằm đảm bảo việc trả mẫu được thực hiện một cách nhanh nhất, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận mẫu.
4. Đối với các khu vực thực hiện giãn cách xã hội, vùng phong tỏa, áp dụng thí điểm cho phép người dân được tiếp tục lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản tại vườn, vùng sản xuất của địa phương; đồng thời phải thực hiện nghiêm các biện pháp sau:
- Chỉ được phép làm việc theo nhóm từng hộ gia đình.
- Không được tiếp xúc giữa các hộ gia đình với nhau trong quá trình lao động, sản xuất, thu hoạch.
- Bắt buộc phải sử dụng khẩu trang và thường xuyên sử dụng dung dịch sát khuẩn.
- Trong trường hợp các gia đình có sử dụng chung máy móc, trang thiết bị, phải thực hiện việc khử khuẩn máy móc, trang thiết bị bằng dung dịch sát khuẩn thông thường trước khi bàn giao cho nhau và không được tiếp xúc gần trong quá trình bàn giao.
5. Trong quá trình thực hiện các biện pháp thí điểm tại mục 3 và 4, UBND tỉnh phải đảm bảo công tác phòng chống dịch, tuyệt đối không để dịch lây lan ra cộng đồng; thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm và báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia để có điều chỉnh phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
6. Tăng cường hoạt động của các Tổ COVID cộng đồng để theo dõi, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm.
Ban chỉ đạo Quốc gia đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang triển khai và phổ biến rộng rãi tới các đơn vị, người dân để thực hiện.
Trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận: | KT. TRƯỞNG BAN |
- 1 Công điện 749/CĐ-BCĐQG năm 2021 về khẩn trương rà soát và tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực,
- 2 Thông báo 129/TB-VPCP năm 2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh về phòng, chống dịch COVID-19 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn 4351/BYT-MT năm 2021 về tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa do Bộ Y tế ban hành
- 4 Quyết định 880/QĐ-BCĐ năm 2021 về Kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịch COVID-19 tại Bộ Tư pháp