Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4424/BGDĐT-PC
V/v: hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2017-2018 về công tác pháp chế

Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2017

 

Kính gửi:

- Các cơ sở giáo dục đại học;
- Các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm.

Căn cứ Chỉ thị số 2699/CT-BGDĐT ngày 08/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục và Công văn số 3878/BGDĐT-PC ngày 24/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức làm công tác pháp chế trong các cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi chung là nhà trường), Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2017-2018 về công tác pháp chế như sau:

I. NHIỆM VỤ CHUNG

1. Xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế, đội ngũ những người làm công tác pháp chế của nhà trường.

2. Thực hiện tham mưu, tư vấn cho Lãnh đạo nhà trường về những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của nhà trường; bảo đảm cho nhà trường hoạt động tuân theo pháp luật và nội quy, quy chế của nhà trường.

3. Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

4. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức và tham gia bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng công tác pháp chế nhằm nâng cao chất lượng và chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ những người làm công tác pháp chế của nhà trường.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Ngoài việc thực hiện các nội dung đã được hướng dẫn tại Công văn số 3878/BGDĐT-PC nêu trên, các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ những người làm công tác pháp chế

a) Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ những người làm công tác pháp chế theo Công văn số 3878/BGDĐT-PC ngày 24/7/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức làm công tác pháp chế trong các cơ Sở giáo dục đại học;

b) Cử cán bộ làm công tác pháp chế tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ pháp chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ, ngành tổ chức.

2. Về công tác tham mưu, tư vấn những vấn đề pháp lý liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động của nhà trường

a) Tham gia góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý, điều hành do các cơ quan, đơn vị gửi lấy ý kiến; kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản;

b) Tham gia xây dựng, góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học;

c) Tổ chức pháp chế chủ trì, phối hợp với các bộ phận liên quan tư vấn, tham mưu những vấn đề pháp lý trong tổ chức và hoạt động của nhà trường, trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, giảng viên, nhân viên, người học.

3. Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

a) Triển khai thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021, Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017 của ngành giáo dục ban hành kèm theo Quyết định số 6239/QĐ-BGDĐT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” đến năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Tuyên truyền, phổ biến kịp thời, thường xuyên các quy định pháp luật mới về giáo dục và các quy định pháp luật phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đối tượng cán bộ, giảng viên, nhân viên, người học thuộc phạm vi quản lý của nhà trường;

c) Đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; lồng ghép hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với các cuộc vận động, các hoạt động ngoại khóa và các phong trào thi đua lớn của ngành.

4. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật

a) Thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật tại nhà trường theo Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Quyết định số 571/QĐ-BGDĐT ngày 27/2/2017;

b) Tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành của nhà trường;

c) Tổ chức pháp chế kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả và xử lý các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế trong hoạt động của nhà trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng nhà trường tổ chức quán triệt hướng dẫn này đến cán bộ, giảng viên, nhân viên, người học; chỉ đạo phòng pháp chế, tổ chức pháp chế hoặc cán bộ làm công tác pháp chế xây dựng chương trình, kế hoạch công tác pháp chế; phê duyệt kế hoạch công tác pháp chế năm học 2017- 2018.

2. Các cơ sở giáo dục đại học; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm thực hiện chế độ báo cáo tổng kết công tác pháp chế năm học và báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu công tác pháp chế năm học trước ngày 30/6; thực hiện chế độ báo cáo đột xuất khi được yêu cầu.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học về công tác pháp chế, nếu có vấn đề nảy sinh, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Pháp chế) để phối hợp giải quyết. Địa chỉ liên lạc: Vụ Pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo, số 35 Đại Cồ Việt, Hà Nội; email: vupc@moet.gov.vn; điện thoại: 0243.6231059.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Website Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC (05).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phạm Mạnh Hùng