Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC GSQL VỀ HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4472/GSQL-GQ2
V/v vướng mắc của doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2019

 

Kính gửi: Công ty Dương Minh.
(59 Trần Đình Xu, Cầu Kho, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh)

Đối với các câu hỏi của Công ty Dương Minh trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ liên quan đến đề nghị hướng dẫn thủ tục hải quan, chính sách thuế đối với hàng hóa gia công, sản xuất xuất khẩu. Do không có hồ sơ cụ thể, nên trên cơ sở nội dung câu hỏi của Công ty và đối chiếu các quy định hiện hành, Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục hải quan đề nghị Công ty tham khảo, nghiên cứu các quy định cụ thể như sau:

1. Về việc xác định định mức thực tế

Theo hướng dẫn tại mẫu số 27 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC (mẫu giấy số 16/ĐMTT-GSQL Phụ lục số V) thì chỉ phản ánh nguyên liệu, vật tư ban đầu cấu thành sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất, không yêu cầu thể hiện các dạng bán thành phẩm mà nguyên liệu nhập khẩu tạo thành trong quá trình sản xuất như Công ty đã nêu, đề nghị Công ty căn cứ hướng dẫn tổng hợp các chứng từ liên quan đến việc xác định định mức thực tế để tính toán và thực hiện theo quy định nêu trên.

2. Về việc lập báo cáo quyết toán

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính về nguyên tắc lập sổ kế toán và báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân có hoạt động gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu có trách nhiệm quản lý và theo dõi nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng, xử lý phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị, sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công tiết kiệm được trong quá trình sản xuất theo quy định pháp luật trên hệ thống sổ kế toán theo các quy định về chế độ kế toán của Bộ Tài chính và theo nguồn nhập kho (nhập khẩu hoặc mua trong nước). Nguyên liệu, vật tư có nguồn gốc nhập khẩu được theo dõi chi tiết theo từng loại hình trong kỳ (nhập gia công, nhập sản xuất xuất khẩu, nhập kinh doanh, nhập lại nguyên vật liệu sau sản xuất...) đã khai trên tờ khai hải quan và chứng từ nhập kho trong kỳ.

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lập và lưu trữ sổ chi tiết đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu theo chứng từ hàng hóa nhập khẩu; lập và lưu trữ sổ chi tiết sản phẩm xuất kho để xuất khẩu theo hợp đồng, đơn hàng.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên Công ty có trách nhiệm tổ chức theo dõi, quản lý nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu theo từng loại hình đã nhập khẩu (nhập gia công, nhập sản xuất xuất khẩu, nhập kinh doanh, nhập lại nguyên vật liệu sau sản xuất...) đã khai trên tờ khai hải quan và ghi nhận, phản ánh trung thực vào hệ thống sổ kế toán theo các quy định về chế độ kế toán của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, về thể thức và nội dung hướng dẫn lập báo cáo quyết toán tình hình nhập - xuất tồn kho nguyên liệu, vật tư đã được hướng dẫn cụ thể tại mẫu biểu số 25 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC (mẫu giấy số 15/BCQT-NVL/GSQL Phụ lục số V); báo cáo quyết toán về tình hình nhập - xuất - tồn kho thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được hướng dẫn tại mẫu số 26 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư 39/2018/TT-BTC (mẫu giấy số 15a/BCQTSP-GSQL Phụ lục số V). Do đó, đề nghị Công ty căn cứ hướng dẫn tại các mẫu biểu này đối chiếu với thực tế chứng từ, sổ sách, dữ liệu phát sinh tại Công ty để lập các mẫu báo cáo nêu trên theo quy định và nộp cho cơ quan hải quan chậm nhất 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

3. Về chính sách thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu

- Đối với thuế nhập khẩu đề nghị Công ty nghiên cứu quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107/2016/QH13, Điều 10, Điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ đối chiếu với hồ sơ thực tế các trường hợp phát sinh tại Công ty để thực hiện.

- Đối với thuế giá trị gia tăng đề nghị Công ty nghiên cứu quy định tại khoản 20 Điều 5 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 quy định đối tượng không chịu thuế GTGT; khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định về thuế GTGT đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng gia công, sản xuất xuất khẩu đối chiếu với hồ sơ thực tế các trường hợp phát sinh tại Công ty để thực hiện.

4. Về việc hoàn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã nộp thuế khi nhập khẩu đề nghị Công ty nghiên cứu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13; Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của Chính phủ đối chiếu với hồ sơ thực tế các trường hợp phát sinh tại Công ty để thực hiện.

5. Về hoàn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư chênh lệch dương bị cơ quan hải quan ấn định thuế sau đó doanh nghiệp đã đưa số nguyên liệu, vật tư này vào sản xuất và đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài đề nghị Công ty nghiên cứu các quy định tại Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13, Nghị định 134/2016/NĐ-CP, khoản 6 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính đối chiếu với hồ sơ thực tế các trường hợp phát sinh tại Công ty để thực hiện.

6. Trường hợp còn vướng mắc phát sinh đề nghị Công ty liên hệ Chi cục Hải quan nơi đã thông báo cơ sở sản xuất (Chi cục Hải quan quản lý) cùng hồ sơ cụ thể để được kịp thời hướng dẫn, xử lý kịp thời theo quy định.

Cục Giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan trả lời Công ty Dương Minh biết, nghiên cứu thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Tài chính (để b/c);
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ (để đăng web);
- Phòng Thương mại và CN Việt Nam;
- Đ/c Mai Xuân Thành - PTCT (để b/c);
- Cục Thuế XNK (để biết);
- Lưu: VT, GQ2 (3b).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Vũ Lê Quân