Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 4525/TCT/NV7

Hà Nội, ngày 09 tháng 11 năm 2001

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC THUẾ SỐ 4525 TCT/NV7 NGÀY 9 THÁNG 11 NĂM 2001 VỀ VIỆC CHÍNH SÁCH THU TIỀN SDĐ

Kính gửi: Cục thuế tỉnh Bến Tre

Trả lời Công văn số 1015/CV-CT ngày 04/10/2001 của Cục thuế tỉnh Bến Tre, nêu vướng mắc về chính sách thu liên quan đến đất đai; Tổng cục thuế có ý kiến như sau:

1. Theo quy định tại Điều 116, 117 Bộ luật Dân sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì: "Chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên có thể là chủ hộ". Căn cứ vào quy định trên, trường hợp hộ gia đình phải nộp tiền sử dụng đất (SDĐ) khi hợp pháp hoá quyền SDĐ mà trong hộ gia đình có người thuộc đối tượng được xét giảm tiền SDĐ theo quy định tại mục C, Thông tư số 115/2000/TT-BTC ngày 11/12/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 38/2000/NĐ-CP ngày 23/8/2000 của Chính phủ về thu tiền SDĐ thì hộ đó thuộc diện xét giảm tiền SDĐ mặc dù người đứng tên chủ hộ đứng tên kê khai hợp pháp hoá quyền SDĐ không thuộc đối tượng được giảm tiền SDĐ.

2. Theo quy định của Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất (CQSDĐ) thì cơ quan thuế căn cứ vào giấy chứng nhận quyền SDĐ của người chuyển quyền để áp dụng mức thu thuế CQSDĐ là đất nông nghiệp hay đất ở, đất xây dựng công trình. Do đó nếu người nhận chuyển nhượng quyền SDĐ là đất nông nghiệp (đã được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) sau đó người sử dụng chuyển mục đích sang đất ở phải nộp tiền SDĐ theo quy định của pháp luật.

3. Đối với đất không có giấy tờ hợp lệ, khi nhà nước cho phép hợp pháp hoá quyền SDĐ thì phải nộp tiền sử dụng đất theo các mốc thời gian sử dụng đất. Trong trường hợp đất không có giấy tờ hợp lệ được cha, mẹ thừa kế lại cho các con (hoặc người được nhận thừa kế khác ngoài các con), thì người nhận quyền SDĐ là các con phải chứng minh được nguồn gốc đất và thời gian sử dụng đất trước đó của cha, mẹ mình. Trong trường hợp nếu không chứng minh được nguồn gốc và thời gian sử dụng đất của cha, mẹ, thì căn cứ vào mốc thời gian sử dụng đất của người con để tính mức thu tiền SDĐ.

4. Luật thuế CQSDĐ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/1994, do đó các trường hợp đã CQSDĐ trước thời điểm ngày 01/7/1994, đã làm thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì khi đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền SDĐ ở người SDĐ không phải nộp thuế CQSDĐ. Trường hợp nếu CQSDĐ trước thời điểm trên nhưng giữa người mua và người bán chưa làm thủ tục tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì khi hợp pháp hoá quyền sở hữu nhà ở, quyền SDĐ ở người SDĐ phải nộp thuế CQSDĐ thay cho người CQSDĐ trước đó theo quy định tại điểm 2d, mục VII, Thông tư số 104/2000/TT-BTC ngày 23/10/2000 của Bộ Tài chính. Trong trường hợp người nhận CQSD không có một trong các loại giấy tờ hợp lệ về quyền SDĐ quy định tại khoản 2, Điều 3, Nghị định số 17/1999/NĐ-CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ thì người sử dụng đất phải hợp pháp hoá quyền SDĐ và nộp tiền SDĐ theo quy định của pháp luật.

5. Theo quy định tại điểm 3e, mục I, Thông tư số 28/2000/TT-BTC ngày 18/4/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 176/1999/NĐ-CP ngày 21/12/1999 của Chính phủ về lệ phí trước bạ, thì chỉ không thu lệ phí đối với các trường hợp đất được Nhà nước giao cho các tổ chức chính trị, xã hội... Vì vậy, các cơ sở tôn giáo được tổ chức, cá nhân tặng, chuyển nhượng quyền SDĐ sẽ phải nộp lệ phí trước bạ, khi đăng ký quyền sử dụng đất. Trường hợp đất nhận chuyển nhượng là đất đang sản xuất nông nghiệp, sau đó cơ sở tôn giáo chuyển mục đích sử dụng thành đất xây dựng nếu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thì theo quy định của điểm 1.3, mục III, phần A, Thông tư số 115/2000/TT-BTC cơ sở tôn giáo không phải nộp tiền sử dụng đất.

Tổng cục thuế thông báo để Cục thuế Bến Tre biết và thực hiện.

 

Phạm Văn Huyến

(Đã ký)