BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4531/LĐTBXH-TE | Hà Nội, ngày 30 tháng 10 năm 2017 |
Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Triển khai Luật trẻ em, năm 2017 đã có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh. Tiếp theo Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, từ ngày 24/8 đến ngày 26/8/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức thành công Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5/2017 với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”. Tại Diễn đàn này, 200 trẻ em đại diện cho hơn 26 triệu trẻ em trong cả nước đã nêu ra các câu hỏi và thông điệp, kiến nghị, sáng kiến liên quan đến việc thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt các quyền được bảo vệ của trẻ em gửi tới các bộ, ngành, địa phương.
Thực hiện quy định tại Điều 74 và Điều 78 Luật trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần nghiên cứu, xem xét các kiến nghị, thông điệp của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia (tài liệu gửi kèm).
Trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
DIỄN ĐÀN TRẺ EM QUỐC GIA LẦN THỨ 5/2017
Hà Nội, ngày 24 - 26/8/2017
Chúng em, 200 trẻ em đến từ 50 tỉnh, thành phố, đơn vị đại diện cho trẻ em cả nước tham gia Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 5 từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 8 năm 2017 tại Hà Nội với chủ đề “Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”.
Chúng em trân trọng cảm ơn các bác, các cô, các chú lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các tổ chức đã dành cho chúng em sự quan tâm đặc biệt và ưu tiên thực hiện các quyền của trẻ em.
Chúng em vui mừng được biết Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đang nỗ lực xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách để bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tại Diễn đàn này, chúng em đã lựa chọn và thảo luận về các nội dung sau:
- Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực trẻ em;
- Trẻ em với vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn;
- Trẻ em với vấn đề phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em;
- Trẻ em với vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Trong quá trình thảo luận, chúng em nhận thấy, việc thực hiện phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn có những thách thức sau:
● Vẫn còn tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác
● Người xâm hại trẻ em có thể là bất cứ ai, kể cả trong nhà trường và gia đình. Tảo hôn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là trong cộng đồng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
● Vẫn còn một số trẻ em phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, không an toàn làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em.
● Trẻ em đã và đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng: bị lừa bởi các thông tin ảo, bị dụ dỗ, lôi kéo với mục đích xấu.
ĐỂ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM, CHÚNG EM XIN GỬI CÁC THÔNG ĐIỆP, KIẾN NGHỊ:
1. Bạo lực không bao giờ là cách giải quyết tốt nhất.
2. Hãy chấm dứt những hình phạt bạo lực với trẻ em trong nhà trường.
3. Trẻ em cần mạnh dạn lên tiếng khi mình hoặc bạn mình bị bạo lực, xâm hại.
4. Cha mẹ cần được nâng cao nhận thức về vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em.
5. Thành lập đội bảo vệ trẻ em tại địa phương trong đó có trẻ em tham gia.
6. Hãy tăng nặng các hình thức xử phạt đối với các hành vi bạo lực trẻ em.
Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn
7. Đừng để trẻ em sinh ra trẻ em.
8. Mọi người hãy hành động để chấm dứt nạn tảo hôn.
9. Cần tạo môi trường an toàn và hòa nhập cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục.
10. Báo chí không nên đưa thông tin chi tiết và cần tôn trọng quyền bí mật đời sống riêng tư khi thông tin về vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.
11. Trẻ em bị xâm hại tình dục chịu tổn thương, thiệt thòi, hãy vì lợi ích tốt nhất của trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em
12. Lao động trẻ em: Lợi trước mắt, hại lâu dài.
13. Nhà nước, các ban, ngành đoàn thể và chính quyền địa phương cần quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để ngăn ngừa lao động trẻ em.
14. Miễn, giảm học phí cho các bạn có hoàn cảnh đặc biệt.
15. Hỗ trợ vốn cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nghèo phát triển kinh tế.
16. Tăng cường các biện pháp xử phạt và xử phạt nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động trẻ em.
17. Các cơ quan, ban, ngành, trường học, tổ dân phố cần tăng cường truyền thông cho cha, mẹ, trẻ em và các công ty, xưởng sản xuất tại địa phương về hậu quả của các hình thức lao động trẻ em, đặc biệt là trẻ em bán vé số, phải làm việc trong các công ty, hầm mỏ và các công việc nặng nhọc, độc hại.
Phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng
18. Internet con dao hai lưỡi - sống ảo, hậu quả thật.
19. Vì trẻ em, hãy tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
20. Hãy để Internet là một người bạn tốt.
21. Các cơ quan quản lý cần thắt chặt an ninh mạng, kiểm duyệt tất cả các thông tin trước khi đăng tải, vô hiệu hóa kịp thời những trang mạng phản cảm, có nội dung xấu.
22. Quản lý chặt chẽ độ tuổi của trẻ em khi tham gia vào môi trường mạng. Cung cấp phần mềm quản lý độ tuổi, phát triển bộ lọc thông tin để quản lý thông tin phù hợp với lứa tuổi.
23. Mở rộng các lớp dạy kỹ năng cho trẻ em để tham gia vào môi trường mạng an toàn, biết cách tự bảo vệ bản thân.
Chúng em cam kết sẽ đóng góp sức mình cùng chung tay phòng, chống, bạo lực, xâm hại trẻ em, thực hiện tốt bổn phận của trẻ em.
Chúng em mong muốn những kiến nghị này được các cơ quan, tổ chức thường xuyên xem xét, đáp ứng và phản hồi cho chúng em.
Thay mặt cho trẻ em Việt Nam, chúng em xin hứa sẽ thực hiện tốt vai trò, bổn phận của mình; chia sẻ kết quả, nội dung của Diễn đàn này đến bạn bè ở địa phương; vận động và cùng nhiều trẻ em khác góp sức cùng các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc phát hiện, lên tiếng tố cáo và hỗ trợ trẻ em bị bóc lột, xâm hại./.
- 1 Thông tư 29/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức diễn đàn trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2 Luật trẻ em 2016
- 3 Thông tư 33/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4 Công văn 4648/LĐTBXH-BVCSTE về việc tổng hợp ý kiến trả lời câu hỏi tại Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 5 Báo cáo 87/BC-LĐTBXH về kết quả diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 1 Báo cáo 87/BC-LĐTBXH về kết quả diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 2 Công văn 4648/LĐTBXH-BVCSTE về việc tổng hợp ý kiến trả lời câu hỏi tại Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2009 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 3 Thông tư 33/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4 Thông tư 29/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức diễn đàn trẻ em do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành