Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4565/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Bộ Y tế nhận được Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Cử tri phản ánh hiện nay, nước ta đang đối mặt những vấn đề thách thức lớn về dân số như Việt Nam đang một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, tình trạng mất cân đối giới tính sinh gia tăng. Cử tri kiến nghị sớm sửa đổi chính sách dân số để giải quyết những vấn đề đặt ra hiện nay.

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Sự thành công của công tác dân số đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những thành công của công tác dân số, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và tình trạng mất cân đối giới tính khi sinh đang gia tăng.

Theo số liệu Điều tra Dân số năm 2022, tỷ lệ người từ đủ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 12,6% dân số, và dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy đến năm 2038, tỷ lệ này sẽ tăng lên 20,21%. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng trong thời gian qua, kết quả năm 2023 đạt 73,7 tuổi[1]. Tuổi thọ trung bình tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí... đặc biệt là tạo áp lực lớn đối với hệ thống y tế, an sinh xã hội và các dịch vụ chăm sóc y tế.

Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng là một thách thức lớn. Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta là 109,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, vượt ngưỡng cân bằng tự nhiên. Đến năm 2023, tỷ số này ở mức 112 bé trai/100 bé gái[2]; mặc dù tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, tuy nhiên vẫn chưa ổn định và vẫn cao so với mức cân bằng tự nhiên. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thừa nam thiếu nữ trong tương lai, gây ra những tác động tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và xã hội.

Trước thực trạng nêu trên, công tác dân số đòi hỏi phải có những đổi mới để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản. Với nguyên tắc chung của Đảng là lấy con người là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển bền vững của đất nước, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới với quan điểm trọng tâm là: “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017, giao các Bộ, ngành xây dựng, trình Luật Dân số và sửa đổi 06 luật; giao 12 Bộ, ngành xây dựng, triển khai 32 chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch can thiệp cụ thể.

Theo Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ[3], Bộ Y tế đang khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện nội dung hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Dân số, tập trung vào các nội dung như[4]: (1) Duy trì mức sinh thay thế; (2) Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh và đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; (3) Thích ứng với già hóa dân số, dân số già; (4) Phân bố dân số hợp lý; (5) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (6) Lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

2. Cử tri phản ánh tình trạng nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, quảng cáo trá hình, triển khai nhiều dịch vụ vượt quá phạm cho phép... tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của khách hàng. Cử tri kiến nghị Bộ Y tế tăng cường chỉ đạo công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ.

Hiện nay việc cấp phép đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ được quy định cụ thể tại khoản 12 Điều 40 Nghị định số 96/2023 ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh[5]. Các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép hoạt động theo quy định của Bộ Y tế chịu sự giám sát của Sở Y tế địa phương và được kiểm tra thường xuyên về chuyên môn cũng như nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, việc quản lý các cơ sở không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lấy tên là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, thẩm mỹ viện gặp rất nhiều khó khăn, các cơ sở này thường xuyên thực hiện các hành vi quảng cáo trá hình, cung cấp các dịch vụ vượt quá phạm vi cho phép, tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe và tính mạng của khách hàng.

Bộ Y tế liên tục chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để đôn đốc xử lý vi phạm đối với người hành nghề và cơ sở y tế có vi phạm theo quy định của pháp luật và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 15/11/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính quyền địa phương, nhất là Ủy ban nhân dân các cấp tăng cường quản lý các cơ sở dịch vụ làm đẹp trên địa bàn để phát hiện, ngăn chặn việc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật can thiệp thẩm mỹ mà chỉ các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ được cấp phép mới được làm.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An để biết, thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: DS, KCB;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan

 



[1] Báo cáo số 11/BC-BYT của Bộ Y tế ngày 04/1/2024, Tổng kết công tác y tế năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.

[2] Thông cáo báo chí về tình hình dân số, lao động việc làm Quý IV và năm 2023, Tổng cục thống kê, năm 2023

[3] Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

[4] Dự án Luật Dân số dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12/2024 để xem xét trình Quốc Hội thông qua vào tháng 10/2025

[5] Cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ dưới đây hoặc có sử dụng sản phẩm có tác dụng dược lý phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa:

a) Dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm:

- Làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân nặng (giảm béo, giảm mỡ cơ thể);

- Khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình theo ý muốn đối với các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người);

- Tái tạo, phục hồi tế bào hoặc bộ phận hoặc chức năng cơ thể người.

b) Dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây mê dạng tiêm.