- 1 Quyết định 1595/QĐ-BTTTT năm 2011 công bố Định mức tạo lập cơ sở dữ liệu trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2 Thông tư 194/2012/TT-BTC hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Thông tư 04/2014/TT-BNV về định mức kinh tế - kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 4 Thông tư 05/2017/TT-BTNMT quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5 Thông tư 39/2017/TT-BTTTT về Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 6 Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước
BỘ THÔNG TIN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/BTTTT-VP | Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2023 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 7963/VPCP-QHĐP ngày 26/11/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Chuyển đổi số quốc gia là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và nhiều Nghị quyết khác. Vai trò của chuyển đổi số quốc gia đã được kiểm nghiệm thực tế qua đại dịch Covid - 19 vừa qua trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cử tri cho rằng để đạt được mục đích cuối cùng mà chuyển đổi số đặt ra đó là xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thì còn rất nhiều việc phải làm; một trong những việc quan trọng nhất hiện nay đó là phải chuyển đổi được nhận thức của người dân Việt Nam về chuyển đổi số, vì thành công cuối cùng của chuyển đổi số quốc gia chính là việc người dân được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số mang lại, như vậy chuyển đổi số quốc gia mới thực chất, không hình thức, làm theo phong trào, gây lãng phí. Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và đẩy mạnh việc hiện thực hóa chủ trương này
Sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến trả lời như sau:
1. Về công tác thông tin, tuyên truyền
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, phổ biến kỹ năng tham gia không gian mạng an toàn.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn (Cục Thông tin cơ sở) ban hành 04 văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tuyên truyền về công tác chuyển đổi số1. Đến nay, đã có 63/63 Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền trên hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã trên toàn quốc về những nội dung trên. Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về ý nghĩa Ngày Chuyển đổi số quốc gia và sử dụng nền tảng Bản đồ số quốc gia nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền: “Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025” trên hệ thống thông tin cơ sở năm 2022 (Quyết định số 2078/QĐ-BTTTT ngày 14/11/2022); Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản” trên hệ thống thông tin cơ sở năm 2022 (Quyết định số 2081/QĐ-BTTTT ngày 14/11/2022). Trong đó, tổ chức sản xuất 60 chương trình phát thanh (Phóng sự chính luận) để phát sóng trên Kênh VOV1, VOV2 của Đài Tiếng nói Việt Nam và trên hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã trên toàn quốc.
2. Về đào tạo, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
- Ngày 13/01/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị phổ biến, chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số của 63 tỉnh, thành phố. Đồng thời, Bộ đã ra mắt Cổng thông tin T63 - Câu chuyện chuyển đổi số của 63 tỉnh, thành phố tại địa chỉ t63.mic.gov.vn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã lựa chọn 21 câu chuyện chuyển đổi số thành công của năm 2021, biên tập thành sách in để các bộ, ngành, địa phương tham khảo.
- Triển khai Nền tảng học trực tuyến mở đại trà tại địa chỉ https://onetouch.mic.gov.vn (Nền tảng OneTouch) do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng. Đến nay, đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho 204.397 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương; bồi dưỡng, tập huấn cho 255.545 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ); phổ cập kỹ năng số cho người dân đạt trên 13,4 triệu lượt truy cập. Tổng số lượt cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành khóa học, cả trực tuyến và trực tiếp là 27.855, vượt chỉ tiêu 10.000 cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 đặt ra.
- Triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Tổ Công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ là cầu nối của chính quyền địa phương để thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống, từ đó cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương.
Tính đến ngày 31/12/2022:
- 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Tổ CNSCĐ.
- Số Tổ CNSCĐ đã được thành lập: 68.933 tổ.
- Số người tham gia Tổ CNSCĐ: 320.839 thành viên.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp góp phần hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Đảng, Nhà nước.
Câu 2: Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét, ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá định mức triển khai số hóa cơ sở dữ liệu ngành phục vụ các nhiệm vụ tạo lập cơ sở dữ liệu.
1. Về tiêu chuẩn kỹ thuật số hóa cơ sở dữ liệu ngành phục vụ các nhiệm vụ tạo lập cơ sở dữ liệu
- Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 về Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước. Các cơ quan, đơn vị xây dựng và phát triển các hệ thống thông tin tuân thủ theo danh mục tiêu chuẩn này nhằm bảo đảm kết nối thông suốt, đồng bộ và khả năng chia sẻ, trao đổi thông tin an toàn, thuận tiện giữa các cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân. Danh mục các tiêu chuẩn chung này cũng được áp dụng để làm căn cứ trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
- Để triển khai số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đồng bộ, thống nhất trên cả nước, các bộ, ngành căn cứ chức năng, nghiệp vụ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật chi tiết đối với từng ngành, lĩnh vực. Ví dụ: Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BTNMT ngày 25/4/2017 quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.
2. Về đơn giá định mức triển khai số hóa cơ sở dữ liệu ngành
Định mức kinh tế - kỹ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và triển khai các dự án nói chung và các dự án chuyển đổi số, chính phủ số, xã hội số nói riêng. Định mức giúp quá trình đầu tư được hoạch định và triển khai nhanh chóng, chính xác, chặt chẽ; các chủ đầu tư yên tâm trong quá trình triển khai dự án.
Trong thời gian qua, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực xây dựng, ban hành khá đầy đủ các văn bản liên quan đến việc xác định các định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ triển khai các dự án nhiệm vụ công nghệ thông tin, đặc biệt là sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hiện Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành 12 văn bản (định mức, văn bản hướng dẫn lập dự toán, đơn giá).
Bên cạnh đó, qua theo dõi thống kê, có các văn bản về định mức, mức chi cho công tác số hóa, tạo tập cơ sở dữ liệu như sau:
- Quyết định số 1595/QĐ-BTTTT ngày 03/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc công bố định mức tạo lập cơ sở dữ liệu trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin;
- Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;
- Thông tư số 04/2014/TT-BNV ngày 23/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định định mức kinh tế - kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ.
Trong giai đoạn 2020-2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có kế hoạch xây dựng các định mức kinh tế - kỹ thuật, trong đó có một số định mức liên quan tới đầu tư công nghệ thông tin. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ tiếp tục đôn đốc, phối hợp với các Bộ, ngành xem xét, ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá định mức triển khai số hóa cơ sở dữ liệu ngành phục vụ các nhiệm vụ tạo lập cơ sở dữ liệu.
Câu 3: Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành mở, chia sẻ dữ liệu với các địa phương phục vụ việc triển khai xây dựng dữ liệu chuyên ngành, xây dựng Kho dữ liệu dùng chung của thành phố
- Tổ chức triển khai Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Kết quả, hiện đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với NDXP; có 08 CSDL (trong đó có 03 CSDL quốc gia ưu tiên: dân cư, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội), 12 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP. Tổng số giao dịch thông qua NDXP trong năm 2022 (tính đến hết 11/2022) là: hơn 770 triệu, tăng gấp 4,2 lần so với cả năm 2021 (khoảng 180 triệu), trung bình hàng ngày có khoảng 2,3 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP.
- Để đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước bảo đảm tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ. Công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; hạn chế cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Không thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu khi thực hiện thủ tục hành chính nếu thông tin, dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ, trừ trường hợp thông tin, dữ liệu không bảo đảm yêu cầu về chất lượng, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hoặc pháp luật có quy định khác”;
Để tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Tờ trình số 118/TTr-BTTTT ngày 31/10/2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về thúc đẩy phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, trong Tờ trình Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất 04 nội dung chính Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương như sau:
- Phát triển dữ liệu
Triển khai xây dựng dữ liệu theo nguyên tắc cần phải chuyển đổi số (số hóa) tất cả các thực thể, đối tượng quản lý bởi cơ quan nhà nước tạo thành các thực thể số, gán mã định danh chung để quản lý. Thực thể số phải “sống” và cập nhật theo cùng với sự thay đổi của các thực thể, đối tượng thực trong đời sống xã hội. Các bộ, ngành chủ trì hướng dẫn các địa phương số hóa các thực thể trong lĩnh vực quản lý của mình để tiến tới xây dựng các cơ sở dữ liệu thống nhất toàn quốc.
Thúc đẩy các cơ quan chủ quản cơ sở dữ liệu quốc gia tăng cường việc hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia được giao chủ trì; tích cực chia sẻ dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương để cải cách hoạt động hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
- Kết nối, chia sẻ dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường kết nối chia sẻ và sử dụng chung dữ liệu để khích lệ sự tham gia của người dân, doanh nghiệp phát triển các dịch vụ, sáng kiến chuyển đổi số.
- Phát triển các nền tảng số để các cơ quan nhà nước quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành dựa trên dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ Trung ương đến địa phương
Ưu tiên phát triển một số nền tảng lớn, sử dụng thống nhất từ Trung ương đến địa phương để thực hiện chuyển đổi số trong Chính phủ mạnh mẽ hơn. Sử dụng nền tảng thống nhất từ Trung ương đến địa phương cũng là giải pháp xây dựng, sử dụng và khai thác dữ liệu đồng bộ, thống nhất trong cơ quan nhà nước các cấp, quản trị dựa trên dữ liệu.
- Đảm bảo điều kiện xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu an toàn, hiệu quả.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền Thông đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.
| BỘ TRƯỞNG |
1 Công văn số 248/TTCS-TQ ngày 15/4/2022 về tuyên truyền phát triển kinh tế số, nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số và sử dụng nền tảng số quốc gia về Họp trực tuyến trên hệ thống thông tin cơ sở; Công văn số 493/TTCS-TQ ngày 20/7/2022 về việc tuyên truyền sử dụng nền tảng số quốc gia về sàn thương mại điện tử và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên hệ thống thông tin cơ sở; Công văn số 647/TTCS-TQ ngày 29/9/2022 về việc tuyên truyền Ngày Chuyển đổi số quốc gia và sử dụng nền tảng Bản đồ số quốc gia trên hệ thống thông tin cơ sở; Công văn số 649/TTCS-TQ ngày 30/9/2022 tuyên truyền về Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số trên hệ thống thông tin cơ sở.
- 1 Quyết định 1595/QĐ-BTTTT năm 2011 công bố Định mức tạo lập cơ sở dữ liệu trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2 Thông tư 194/2012/TT-BTC hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Thông tư 04/2014/TT-BNV về định mức kinh tế - kỹ thuật tạo lập cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành
- 4 Thông tư 05/2017/TT-BTNMT quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5 Thông tư 39/2017/TT-BTTTT về Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 6 Nghị định 47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước