BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4657/TCT-TNCN | Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2012 |
Kính gửi: Cục Thuế thành phố Hà Nội
Trả lời công văn số 17261/CT-HTr ngày 9/7/2012 Cục Thuế thành phố Hà Nội về việc chính sách thuế TNCN đối với thu nhập cá nhân nhận được từ hợp đồng dịch vụ đào tạo ký với Viện Quản lý toàn cầu, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
2.1. Về đối tượng nộp thuế và thuế suất
Chính sách thuế TNCN đối với cá nhân nước ngoài là đối tượng không cư trú có thu nhập từ hợp đồng dịch vụ tại Việt Nam, Tổng cục thuế đã có công văn hướng dẫn số 2426/TCT-TNCN ngày 07/7/2010:
"- Nếu cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng không cư trú tại Việt Nam là thương nhân thì thu nhập từ hợp đồng kinh doanh dịch vụ tại Việt Nam thuộc đối tượng nộp thuế nhà thầu và thuế TNCN từ hoạt động kinh doanh dịch vụ với thuế suất 5%.
Cá nhân nước ngoài là thương nhân phải có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc các giấy tờ chứng minh là thương nhân được pháp luật nước ngoài công nhận. Đăng ký kinh doanh phải có ngành nghề phù hợp với hoạt động có thu nhập chịu thuế tại Việt Nam ….
- Nếu cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng không cư trú tại Việt Nam, không là thương nhân thì thu nhập từ hoạt động dịch vụ tại Việt Nam nộp thuế TNCN theo quy định về tiền lương tiền công với thuế suất 20%."
Theo hướng dẫn tại công văn số 2426/TCT-TNCN nêu trên thì: Trường hợp ông B là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, không là thương nhân thì thu nhập từ hợp đồng dịch vụ giảng dạy tại Việt Nam nộp thuế TNCN theo quy định về tiền lương tiền công với thuế suất 20%.
2.2. Về thu nhập chịu thuế cá nhân nhận được từ hợp đồng dịch vụ đào tạo.
- Tại Mục II Phần C Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế TNCN hướng dẫn:
"2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là tổng số tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công mà cá nhân không cư trú nhận được bằng tiền và không bằng tiền do thực hiện công việc tại Việt Nam không phân biệt nơi trả thu nhập … được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú theo hướng dẫn tại khoản 2 mục I phần B Thông tư này".
- Tại Khoản 2 mục I phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 hướng dẫn: "2.1. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà đối tượng nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2 mục II phần A Thông tư này".
- Tại Khoản 2 Mục II phần A Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 hướng dẫn:
"2.1. Thu nhập từ tiền lương, tiền công là các khoản thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền, bao gồm:
2.1.1. Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công.
…
2.1.5. Các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền mà người lao động được hưởng ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả hoặc trả hộ cho người lao động, …"
- Tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008:
"2. Hướng dẫn cụ thể tiết 2.1.5 như sau: Đối với các khoản lợi ích khác mà người lao động được hưởng thì chỉ tính vào thu nhập chịu thuế đối với các trường hợp xác định đối tượng được hưởng; không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân đối với các khoản lợi ích không xác định được cụ thể người được hưởng. Cụ thể trong một số trường hợp như sau:
a) Khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động chi trả hộ: tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế chi trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà).
b) Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón tập thể người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động; trường hợp chỉ chuyên đưa đón riêng từng cá nhân thì phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân được đưa đón …"
* Qua xem xét tài liệu do Viện cung cấp: Hợp đồng dịch vụ số GMLVN-TM-2012/01 ngày 9/3/2012 được ký giữa Viện quản lý toàn cầu và ông Toshio Mitsutomi (ông B)
Tại Điều 3 quy định: "Chi phí tiền lương: 2.671.170 JPY/10 ngày. Toàn bộ chi phí vé máy bay từ Nhật Bản sang Việt Nam và ngược lại, chi phí ăn ở, đi lại của bên B tại Việt Nam sẽ do bên A chi trả"
Tại Điều 5 quy định: Viện đặt vé máy bay, sắp xếp chỗ ở, phương tiện đi lại cho ông B khi ông B sang Việt Nam thực hiện hợp đồng và thanh toán các chi phí trên cho Ông B
Căn cứ các hướng dẫn trên và thực tiễn thỏa thuận tại hợp đồng dịch vụ: Trong trường hợp các chi phí về chỗ ở, phương tiện đi lại, vé máy bay của ông B được viện chi trả hộ, thanh toán trực tiếp cho bên cung cấp thì:
Chi phí vé máy ban đi về giữa Nhật Bản - Việt Nam và chi phí đi lại trong quá trình giảng dạy tại Việt Nam của ông B tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Đối với chi phí chỗ ở cho thời gian ông B ở tại Việt Nam: có hóa đơn chứng từ hợp pháp thì tính vào thu nhập chịu thuế TNCN theo số thực tế chi trả nhưng không vượt quá 15% thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công (không bao gồm tiền thuê nhà).
Tổng cục Thuế trả lời để Cục Thuế thành phố Hà Nội được biết và thực hiện.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 1894/TCT-TNCN năm 2017 đề nghị hướng dẫn vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân từ hợp đồng dịch vụ do Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Công văn 2426/TCT-TNCN về chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân nước ngoài không cư trú có thu nhập tại Việt Nam do Tổng cục Thuế ban hành
- 3 Thông tư 62/2009/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 84/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 100/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Luật Thuế thu nhập cá nhân do Bộ Tài chính ban hành
- 4 Thông tư 84/2008/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 100/2008/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân do Bộ Tài chính ban hành