Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 469/TCHQ-TXNK
V/v phí bản quyền phụ tùng xe máy, động cơ nhập khẩu

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2015

 

Kính gửi: Công ty TNHH Việt Nam Suzuki.
(KCN Long Bình, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 20141215/CV ngày 15/12/2014 của quý công ty đề nghị hướng dẫn đối với việc cộng phí bản quyền vào trị giá tính thuế của hàng hóa nhập khẩu. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về điều kiện cộng phí bản quyền vào trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu:

Căn cứ quy định tại tiết đ1 điểm đ khoản 2 mục VII phần II Thông tư số 40/2008/TT-BTC ngày 21/5/2008 của Bộ Tài chính (hoặc tiết 1.2.5.1 điểm 1.2.5 khoản 1 Điều 14 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010) thì phí bản quyền phải cộng khi xác định trị giá tính thuế hàng nhập khẩu nếu đáp ứng đủ 03 điều kiện.

a) Phải được trả cho việc sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu đang được xác định trị giá tính thuế.

b) Do người mua phải trả trực tiếp hay gián tiếp, như một điều kiện cho giao dịch bán hàng hóa đang được xác định trị giá tính thuế, có nghĩa là người mua hàng phải trả phí bản quyền, phí giấy phép như một phần trong hoạt động mua bán hàng hóa nhập khẩu.

c) Chưa được tính trong giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán của hàng hóa nhập khẩu đang được xác định trị giá tính thuế.

2. Về thời điểm xác định phí bản quyền:

Căn cứ quy định tại điểm đ.3.2 khoản 2 mục VII phần II Thông tư số 40/2008/TT-BTC (hoặc điểm 1.2.5.4 khoản 1 Điều 14 Thông tư 205/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010): Trường hợp phí bản quyền không xác định được tại thời điểm nhập khẩu do phụ thuộc vào doanh thu bán hàng sau nhập khẩu hay lý do khác được quy định cụ thể tại hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc văn bản thỏa thuận riêng về việc trả phí bản quyền thì phải khai báo và cam kết bằng văn bản về việc khai báo bổ sung về các khoản chi phí này, để xác định trị giá tính thuế đầy đủ của lô hàng và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

3. Đối chiếu các quy định trên với nội dung trình bày của Công ty tại công văn số 20141215/CV, Hợp đồng chuyển giao công nghệ thì:

Phí bản quyền của Công ty không xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai mà phụ thuộc vào giá bán tịnh, theo đó, Giá bán tịnh = Tổng giá hóa đơn (sản phẩm và linh kiện) - Thuế thu nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng- Chiết khấu thương mại- Một số loại linh kiện nhất định mua từ bên giao hoặc các bên nhận được chỉ định- Chi phí bán hàng (chi phí đóng gói, chi phí vận chuyển và chi phí quảng cáo trong quá trình bán hàng).

Để xác định phí bản quyền có phải cộng vào trị giá hay không, Công ty cần phải căn cứ vào từng hồ sơ, giao dịch cụ thể để xác định phí bản quyền có thỏa mãn các điều kiện cộng tại mục 1 nêu trên hay không.

4. Về thuế nhà thầu:

Thuế nhà thầu (thu nhập từ bản quyền) và khoản phí bản quyền của hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng của hai sắc thuế khác nhau nên không phát sinh việc trùng thuế.

Tổng cục Hải quan thông báo để Công ty TNHH Việt Nam Suzuki được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT. Nguyễn Dương Thái (để b/c);
- Lưu: VT, TXNK-PG(5b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Tuấn