Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4714/BYT-VPB1
V/v trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Giang trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang

Bộ Y tế nhận được Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024 của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Giang.

Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến nghị liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:

1. Đề nghị xem xét sửa đổi Thông tư số 07/2015/TT-BYT ngày 03/04/2015 của Bộ Y tế theo hướng phân cấp cho Sở Y tế là đơn vị trực tiếp để tiếp nhận hồ sơ, quản lý và Quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai thí điểm kỹ thuật mới, phương pháp mới. Và khi đơn vị đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, quy trình kỹ thuật, trang thiết bị y tế thì được triển khai, áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám chữa bệnh mà không cần phải có chuyển giao kỹ thuật mới, phương pháp mới từ cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Vì căn cứ Thông tư số 07/2015/TT-BYT ngày 03/4/2015 của Bộ Y tế quy định chi tiết điều kiện, thủ tục cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám, chữa bệnh, trong đó: Tại Khoản 5, điều 8 và điểm b, khoản 1, Điều 9 của thông tư này, yêu cầu cần có hợp đồng chuyển giao kỹ thuật mới, phương pháp mới trong trường hợp nhận chuyển giao từ cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế là đơn vị tiếp nhận hồ sơ của cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc (trong đó có Bệnh viện tư nhân). Vì vậy, sẽ kéo dài thời gian được phê duyệt và thực hiện (do các đơn vị đều nộp tại Bộ Y tế dẫn đến ùn tắc, thời gian đi lại di chuyển lâu hơn khi nộp hồ sơ), khó khăn khi thành lập đoàn thẩm định tại các đơn vị, phát sinh thêm nhiều chi phí khác khi chuyển giao, người lao động có khả năng nhưng lại chưa được thực hiện dịch vụ.

Trên quan điểm người bệnh là trung tâm và mọi hoạt động đều hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn người bệnh, cũng như tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thuận lợi để phát triển và áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (từ Điều 92 đến Điều 99) và Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ (từ Điều 96 đến Điều 104) đã quy định đầy đủ, chi tiết việc áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh và thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh.

Theo đó, khi có kỹ thuật, phương pháp mới, Bộ Y tế sẽ phải xác định kỹ thuật, phương pháp đó thuộc trường hợp nào trong một trong các trường hợp sau đây:

(1) Phải thử nghiệm lâm sàng;

(2) Không phải thử nghiệm lâm sàng nhưng phải thực hiện thí điểm;

(3) Không phải thử nghiệm lâm sàng và không phải thực hiện thí điểm (khoản 4 Điều 96 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP).

Sau đó, trên cơ sở quyết định của Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sẽ tiến hành theo một trong các phương thức sau đây:

(1) Tiến hành thử nghiệm lâm sàng. Sau khi có kết quả sẽ báo cáo Bộ Y tế để phê duyệt: kết quả thử nghiệm, tên kỹ thuật, quy trình thực hiện, định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ kỹ thuật. Sau khi Bộ Y tế phê duyệt sẽ được áp dụng toàn quốc và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nếu muốn được áp dụng sẽ thực hiện theo thủ tục điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn.

(2) Tiến hành triển khai thí điểm. Sau khi có kết quả thí điểm sẽ báo cáo Bộ Y tế để phê duyệt: tên kỹ thuật, quy trình thực hiện, định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ kỹ thuật. Sau khi Bộ Y tế phê duyệt sẽ được áp dụng toàn quốc và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nếu muốn được áp dụng sẽ thực hiện theo thủ tục điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn.

(3) Không phải thực hiện thử lâm sàng hoặc thực hiện thí điểm thì trình Bộ Y tế phê duyệt: tên kỹ thuật, quy trình thực hiện, định mức kinh tế - kỹ thuật và giá dịch vụ kỹ thuật. Sau khi Bộ Y tế phê duyệt sẽ được áp dụng toàn quốc và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác nếu muốn được áp dụng sẽ thực hiện theo thủ tục điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn.

Như vậy có thể thấy:

(1) Đây là một chuỗi các công việc được thực hiện liên tục để bảo đảm khi có kết quả sẽ đạt được mục tiêu bảo đảm an toàn cho người bệnh, thống nhất thực hiện trong toàn quốc tránh tình trạng có sự khác biệt giữa các địa phương trong triển khai thực hiện cũng như tránh tình trạng lợi dụng để thực hiện thử nghiệm trên người dân Việt Nam;

(2) Khác với Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 đã giới hạn phạm vi của kỹ thuật mới, phương pháp mới chỉ còn các kỹ thuật lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Còn đối với các kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh muốn thực hiện lần đầu thì chỉ cần thực hiện thủ tục điều chỉnh phạm vi hoạt động chuyên môn mà không cần phải gửi về Bộ Y tế phê duyệt như trước đây.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp cho các đơn vị, địa phương, trong thời gian tới, căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 93 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, đánh giá thực tế năng lực của các đơn vị, địa phương để thực hiện việc phân cấp các thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh nói chung và trong giải quyết, cho phép áp dụng kỹ thuật mới, phương pháp mới nói riêng cho các đơn vị, địa phương đủ năng lực.

2. Đề nghị tham mưu cho Chính phủ xem xét sửa đổi Điều 27, Điều 28, Điều 29 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ các thủ tục về cấp giấy phép hành nghề nên giao cho Sở Y tế là đơn vị trực tiếp để tiếp nhận hồ sơ, quản lý và cấp phép cho Bệnh viện tư nhân trong địa bàn tỉnh, để thuận tiện trong việc theo dõi cũng như thực hiện.

Vì, thực hiện quy định về hướng dẫn, nội dung và trình tự đăng ký hành nghề tại các Điều 27, 28 và 29 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ, theo đó Bệnh viện tư nhân thực hiện việc đăng ký người hành nghề tại cơ sở mình, gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế để tổng hợp, đăng tải theo quy định. Do đặc thù là Bệnh viện tư nhân nên trong quá trình làm việc sẽ có biến động tăng giảm về nhân lực hành nghề thay đổi theo hàng tuần, hàng tháng và nhân lực làm việc không cố định ngày nghỉ trong tuần mà căn cứ thực tế Bệnh viện sẽ sắp xếp cho người lao động nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng. Tuy nhiên, khi đăng ký hành nghề phải ghi rõ ngày nghỉ cố định của từng người hành nghề. Như vậy, đơn vị Bệnh viện tư nhân phải đăng ký hành nghề hàng tuần, sẽ gây ùn tắc, mất nhiều thời gian và việc đăng tải trên Cổng thông tin sẽ bị chậm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Hiện nay, việc đăng ký hành nghề được thực hiện theo quy định tại các Điều 27, 28 và 29 của Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, theo đó việc đăng ký hành nghề không phải thực hiện hằng tuần mà chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây:

(1) Đối với trường hợp cơ sở mới được cấp giấy phép hoạt động thì việc đăng ký thực hiện cùng thời điểm cấp phép hoạt động;

(2) Đối với trường hợp thay đổi trong quá trình hoạt động:

- Nếu thêm người hành nghề: cơ sở gửi danh sách đăng ký hành nghề theo mẫu trong thời gian 10 ngày kể từ thời điểm bổ sung người hành nghề;

- Nếu người hành nghề không còn làm việc tại cơ sở: báo cáo với cơ quan có thẩm quyền trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ thời điểm người hành nghề chấm, dứt hành nghề tại cơ sở.

Các thủ tục nêu trên đều không phải phê duyệt mà chỉ là tiếp nhận thông tin vả công bố thông tin.

Hiện nay, toàn bộ thông tin về người hành nghề mà các bệnh viện tư nhân đã nộp về Bộ Y tế đã được đăng tải trên Hệ thống quản lý Quốc gia về đăng ký, cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số bệnh viện tư nhân chưa nộp hồ sơ đăng ký hành nghề hoặc đã nộp nhưng không thực hiện theo đúng biểu mẫu quy định nên Bộ Y tế chưa thể thực hiện việc công bố công khai.

Để thực hiện chủ trương phân cấp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngày 31/5/2024, Bộ Y tế đã có Công văn số 2985/BYT-KCB gửi các địa phương để xin ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý cửa Bộ Y tế, theo đó dự thảo đã quy định phân cấp cho Sở Y tế trong việc tiếp nhận đăng ký hành nghề đối với trường hợp người làm việc tại các bệnh viện tư nhân. Hiện nay, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo và dự kiến sẽ ban hành trong tháng 9/2024.

3. Đề nghị nghiên cứu, trình xem xét sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 28 của Luật khám bệnh, chữa bệnh theo hướng nên giao cho Sở Y tế thực hiện các thủ tục về cấp giấy phép hành nghề đối với đơn vị trực tiếp để tiếp nhận hồ sơ, quản lý và cấp phép cho Bệnh viện tư nhân trong địa bàn tỉnh, nhằm thuận tiện trong việc theo dõi cũng như thực hiện, kịp thời phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Vì hiện nay, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 28 của Luật khám bệnh, chữa bệnh quy định: “Thẩm quyền cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề được quy định như sau: Bộ Y tế cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng đối với người làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý”. Theo đó, Bệnh viện tư nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, do vậy khi cấp, điều chỉnh hoặc gia hạn Giấy phép hành nghề, người lao động của tất cả các Bệnh viện tư nhân phải nộp hồ sơ tại Bộ Y tế. Nên việc cấp Giấy phép hành nghề sẽ ùn tắc, kéo dài thời gian được làm việc hành nghề và vướng mắc cho người lao động.

Ngày 31/5/2024, Bộ Y tế đã có Công văn số 2985/BYT-KCB gửi các địa phương để xin ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định việc phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, theo đó tại dự thảo đã quy định phân cấp cho Sở Y tế trong việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hành nghề đối với trường hợp người làm việc tại các bệnh viện tư nhân. Hiện nay, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo và dự kiến sẽ ban hành trong tháng 9/2024.

4. Đề nghị tham mưu cho Chính phủ xem xét nâng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế Khoa Truyền thông GDSK từ mức 30% lên mức 40%) để để đảm bảo quyền lợi và động viên cán bộ của CDC bằng một số khoa chuyên môn của đơn vị y tế.

Lý do: Hiện tại mức hưởng ưu đãi nghề theo Nghị định 56/2011 thì các viên chức trong khoa chỉ được hưởng có 30%, mức thấp nhất so với các khoa khác trong đơn vị cơ sở y tế. Trong khi đó, thời gian vừa qua Sở Y tế Hà Giang đã triển khai sáp nhập các đơn vị: Trung tâm Y tế dự phòng; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; Trung tâm Phòng, chống sốt rét, ký sinh trùng côn trùng; Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe; Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản thành 01 trung tâm và được đặt tên là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và trong đó 5 đơn vị sáp nhập được chuyển đổi thành 03 phòng chức năng và 12 khoa chuyên môn. Do vậy, việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cơ bản như các trung tâm khác. Ngoài ra, khi chống dịch covid-19 cán bộ của khoa TT/GDSK phải làm 2 nhiệm vụ đảm bảo công tác truyền thông, thông tin tại các nơi nguy hiểm đảm bảo phải kịp thời đồng thời cử cán bộ tham gia thực hiện công việc chuyên môn về y tế... Mặt khác khó khăn lớn nhất là thu nhập của cán bộ làm truyền thông trong đó có cả các đối tượng là bác sĩ và các cán bộ làm truyền thông quá thấp so với các Khoa khác... Vì thế, xét thấy những đóng góp của đội ngũ cán bộ làm công tác TT/GDSK đối với công tác y tế ở tất cả thời điểm là vô cùng quan trọng, tuy nhiên chế độ ưu đãi chưa được xứng đáng.

Hiện nay, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập được thực hiện theo quy định tại các văn bản sau:

(1) Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập;

(2) Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP;

(3) Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế - Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính ban hành.

Bên cạnh đó, chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.

Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng:

(1) Nghị định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế;

(2) Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch; dự kiến ban hành trong năm 2024.

Trên đây là nội dung trả lời đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Giang liên quan đến lĩnh vực Y tế, Bộ Y tế trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang để biết, thông tin tới cử tri.

Xin trân trọng cảm ơn./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: KCB, TCCB, PC;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.

BỘ TRƯỞNG




Đào Hồng Lan