BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4732/BGDĐT-TĐKT | Hà Nội, ngày 23 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: | - Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; |
Thực hiện Nghị định số 27/2015/NĐ-CP ngày 10/3/2015 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” (sau đây gọi tắt là Nghị định số 27/2015/NĐ-CP), Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các Bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú (NGND, NGƯT) lần thứ 16 - năm 2023 như sau:
I. QUY ĐỊNH XÉT TẶNG DANH HIỆU NGND, NGƯT LẦN THỨ 16
1. Công tác xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT lần thứ 16 - năm 2023 thực hiện đúng theo các quy định tại Nghị định số 27/2015/NĐ-CP và Công văn này.
2. Các Bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Nghị định số 27/2015/NĐ-CP và Công văn này bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, dân chủ và tự nguyện; chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy, nhà giáo là nữ, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là người dân tộc ít người, nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Việc xét tặng cần thực hiện đúng đối tượng, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và thời gian quy định.
3. Thời gian nộp hồ sơ
a) Trước ngày 25 tháng 3 năm 2023
- Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng Đại học quốc gia, Hội đồng đại học vùng, và Hội đồng cơ sở trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nộp hồ sơ về Hội đồng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Hội đồng cấp cơ sở trực thuộc các Bộ, ban, ngành nộp hồ sơ về Hội đồng cấp Bộ, ban, ngành.
b) Trước ngày 10 tháng 5 năm 2023, Hội đồng cấp Bộ nộp hồ sơ về Hội đồng cấp Nhà nước (qua Bộ Giáo dục và Đào tạo).
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH XÉT TẶNG
1. Về đối tượng áp dụng
Thực hiện đầy đủ theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP. Tại thời điểm đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại địa bàn nào thì áp dụng tiêu chuẩn xét tặng tại địa bàn đó; nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc đối tượng nào thì áp dụng tiêu chuẩn xét tặng của đối tượng đó.
Đối tượng áp dụng tại điểm c, d khoản 1 Điều 2 Nghị định số 27/2015/NĐ- CP được hiểu như sau:
a) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có quyết định nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2020 cho đến thời điểm đề nghị xét tặng, thuộc đối tượng đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT năm 2023. Tiêu chuẩn thành tích liền kề năm đề nghị xét tặng là thành tích liền kề năm có quyết định nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội.
b) Các nhà giáo đã nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội tiếp tục giảng dạy, quản lý tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc đối tượng xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP khi có hợp đồng giảng dạy cơ hữu tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập và tham gia xét tặng danh hiệu thi đua hằng năm.
2. Về thời gian
a) Danh hiệu NGND được xét tặng cho các nhà giáo đã được phong tặng danh hiệu NGƯT và sau đó tiếp tục đạt được các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP. Riêng quy định tại khoản 5 Điều 8 được áp dụng cho toàn bộ quá trình công tác của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
b) Cán bộ quản lý giáo dục có đủ số năm trực tiếp giảng dạy mới đủ điều kiện đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT. Thời gian làm cán bộ quản lý giáo dục nhưng vẫn tham gia giảng dạy được tính là thời gian công tác trong ngành Giáo dục nhưng không được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.
c) Thời gian giảng dạy hợp đồng của nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền ký theo quy định của pháp luật được tính là thời gian trực tiếp giảng dạy.
d) Thành tích năm liền kề năm đề nghị xét tặng là thành tích đạt được trong năm học 2021-2022 đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc diện xét khen thưởng theo năm học và năm 2022 đối với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thuộc diện xét khen thưởng theo năm công tác.
3. Về danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
a) Trong cùng 01 năm nhà giáo đạt các danh hiệu giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cơ sở và giáo viên, giảng viên dạy giỏi cấp tỉnh, Bộ, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bộ thì được tính 01 thành tích cấp cơ sở và 01 thành tích cấp tỉnh, Bộ.
b) Tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua cấp Bộ, tỉnh quản lý trực tiếp có thể dùng minh chứng Cờ thi đua nêu trên để thay cho minh chứng danh hiệu thi đua Tập thể lao động xuất sắc.
4. Về sách chuyên khảo, đề tài nghiên cứu khoa học
a) Tiêu chuẩn “tác giả chính 02 sách chuyên khảo” được hiểu là chủ biên hoặc đồng chủ biên sách chuyên khảo có từ 02 tác giả trở lên.
b) Đề tài nghiên cứu khoa học là đề tài khoa học và công nghệ. Do vậy, đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia được tính là đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia; đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh, bộ được tính là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, bộ.
5. Về thủ tục, hồ sơ và các vấn đề liên quan đến quy trình xét tặng
a) Tiêu chuẩn thành tích nhà giáo trực tiếp giảng dạy, bồi dưỡng học sinh, sinh viên đoạt huy chương hoặc đoạt giải trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế do cơ sở giáo dục nơi nhà giáo công tác và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận.
b) Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trách nhiệm kê khai đủ thông tin theo mẫu số 01, Phụ lục II Nghị định số 27/2015/NĐ-CP. Trường hợp nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có thành tích thay thế thì nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và người có trách nhiệm giúp Hội đồng tóm tắt thành tích hồ sơ cá nhân phải ghi rõ thành tích đó thay thế cho tiêu chuẩn thành tích nào.
Trường hợp nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đề nghị xét theo tiêu chuẩn vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ cần kê khai rõ thời gian công tác tại vùng đặc biệt khó khăn và minh chứng xác nhận vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.
c) Trường hợp đơn vị có người đứng đầu và các cấp phó của người đứng đầu cùng tham gia đề nghị xét phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT thì người đứng đầu đơn vị trước khi ký quyết định thành lập Hội đồng có văn bản đề nghị cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp cử người làm Chủ tịch Hội đồng.
d) Bỏ thành phần Chủ tịch công đoàn ngành Giáo dục cấp huyện làm Phó Chủ tịch Hội đồng cấp huyện đối với các địa phương đã hoàn thành sắp xếp lại công đoàn giáo dục cấp huyện theo Công văn số 704/HD-TLĐ ngày 12/5/2017 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
đ) Việc tổ chức giới thiệu và lấy phiếu tín nhiệm đối với cơ sở giáo dục có số viên chức và người lao động từ 200 người trở lên được thực hiện theo khoa, phòng, ban, viện, trung tâm… có tổ chức Đảng và công đoàn bộ phận hoặc tổ chức theo nhóm đơn vị (nhóm các khoa, trung tâm (giảng dạy)/nhóm các phòng, ban (quản lý hành chính)) hoặc theo cụm thi đua, có sự tham dự của đại diện tổ chức Đảng, công đoàn cơ sở. Việc tổ chức giới thiệu và lấy phiếu tín nhiệm do người đứng đầu đơn vị quyết định và hướng dẫn.
e) Khi đề nghị xét tặng danh hiệu NGND, Hội đồng cấp tỉnh, Bộ xin ý kiến Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Ban cán sự Đảng bộ, ngành trước khi nộp hồ sơ về Bộ Giáo dục và Đào tạo.
g) Tổ thư ký có trách nhiệm thẩm định hồ sơ báo cáo Hội đồng, trong đó cần nêu rõ các thành tích, số liệu theo tiêu chuẩn xét tặng quy định tại Điều 8, 9 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP (Mẫu tóm tắt thành tích gửi kèm).
h) Dòng cuối cùng của trang 10, phần ghi chú Mẫu số 04 Phụ lục II được hiểu là “11. Ghi rõ số phiếu tín nhiệm của quần chúng trên tổng số quần chúng tham gia họp; số phiếu đồng ý của thành viên hội đồng trên tổng số thành viên hội đồng có tên trong quyết định thành lập và chia tỷ lệ %”.
i) Hồ sơ Hội đồng cấp dưới gửi Hội đồng cấp trên xếp theo thứ tự quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP, gồm: Tờ trình, danh sách, báo cáo tóm tắt thành tích, biên bản họp Hội đồng và hồ sơ cá nhân (lưu ý: Hồ sơ cá nhân sắp xếp và đánh số thứ tự theo số thứ tự của danh sách quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP).
k) Hồ sơ cá nhân không đóng quyển và xếp theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP, gồm: Bản khai thành tích cá nhân và các tài liệu minh chứng kèm theo (lưu ý: Lập danh mục các tài liệu minh chứng và đánh số theo thứ tự hướng dẫn tại điểm b khoản 1 Điều 17 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP).
6. Về kinh phí
Kinh phí tổ chức xét tặng và tiền thưởng: Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng dự toán đề nghị cấp có thẩm quyền cấp kinh phí cho hoạt động xét tặng của Hội đồng và tiền thưởng kèm theo danh hiệu NGND, NGƯT theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 27/2015/NĐ-CP.
Trên đây là hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT lần thứ 16, năm 2023. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị liên hệ với thường trực Thi đua - Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bà Ngô Thị Thu Hương, điện thoại 024.38695144, số máy lẻ 446 hoặc qua email: ntthuong@moet.gov.vn) để được giải đáp.
Trân trọng./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |