Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
CỤC THUẾ TP. HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4808/CT-TTHT
V/v chính sách thuế

Thành phố Hồ Chí Minh , ngày 27 tháng 05 năm 2016

 

Kính gửi: Công ty TNHH Mandom Việt Nam
Đ/chỉ: S21 Tầng 31, Tòa nhà Sài gòn Trade Center, số 37 Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
MST: 0313093281

Trả lời văn bản số 02/MVC ngày 15/4/2016 của Công ty về chính sách thuế, Cục Thuế TP có ý kiến như sau:

Căn cứ Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (có hiệu lực thi hành từ ngày 06/08/2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN từ năm 2015) sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:

“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

...

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.1. Khoản chi không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế, cụ thể như sau:

Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.

Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

a) Hồ sơ đối với tài sản, hàng hóa bị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn được tính vào chi phí được trừ như sau:

- Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập.

Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa tổn thất phải xác định rõ giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).

- Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).

…”.

Căn cứ công văn số 3158/TCT-CS ngày 25/09/2013 của Tổng cục Thuế về việc chính sách thuế đối với lô hàng thuốc phải thu hồi, tiêu hủy,

Trường hợp của Công ty theo trình bày hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối bán buôn, phân phối bán lẻ các mặt hàng mỹ phẩm (chủ yếu được nhập khẩu từ Nhà máy sản xuất tại Indonesia). Ngày 13/4/2015 Cục Quản lý Dược có văn bản số 6577/QLD-MP về việc cập nhật quy định về các chất dùng trong mỹ phẩm, theo văn bản của Cục Quản lý Dược thì kể từ ngày 01/07/2016 trở đi tỷ lệ thành phần của hoạt chất Probyparaben cho phép trong sản phẩm là 0.14% (trước ngày 01/07/2016 là 0.4%). Như vậy các sản phẩm lưu thông trên thị trường của Công ty tại thời điểm lưu hành hiện nay đáp ứng yêu cầu của cơ quan chuyên ngành (không thuộc lỗi chủ quan của Công ty). Tuy nhiên do cơ quan nhà nước thay đổi cơ chế chính sách nên từ ngày 01/07/2016 trở đi Công ty và nhà phân phối tiến hành thu hồi mua lại sản phẩm theo công thức cũ (sản phẩm công thức cũ đang lưu hành có chứa 0.2% hoạt chất Probyparaben) đã bán trước đây từ cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ, người tiêu dùng để tiêu hủy (không được nhà sản xuất hỗ trợ, bồi thường).

Trường hợp Công ty chứng minh không có sai sót trong quá trình mua lô hàng có hoạt chất Probyparaben thì phần thiệt hại do thu hồi và tiêu hủy lô hàng nêu trên là giá trị tổn thất trong trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường, nếu Công ty có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2.1 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC) đối với hàng hóa thu hồi đem tiêu hủy thì hồ sơ này cùng với các văn bản của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế quy định về các chất dùng trong mỹ phẩm là căn cứ để Công ty tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Đối với các chi phí liên quan đến thu hồi sản phẩm như chi phí vận chuyển, chi phí tiêu hủy sản phẩm, chi phí kiểm tra sản phẩm, lưu kho sản phẩm nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Cục Thuế TP thông báo Công ty biết để thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- P.KT số 2;
- P.PC;
- Lưu (VT, TTHT).
905-14916273/16-Phong

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Thị Lệ Nga