BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4839/TCHQ-TXNK | Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2021 |
Kính gửi: Các đơn vị thuộc và trực thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan.
Năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 là 315.000 tỷ đồng. Dự toán 2021 được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6%; giá dầu thô 45$/thùng; các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) tiếp tục trong giai đoạn cắt giảm sâu, một số FTA mới được ký kết.
Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2021 tăng 5% so với dự toán (331.000 tỷ đồng). Tại cuộc họp Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính ngày 29/8/2021, Lãnh đạo Bộ giao chỉ tiêu thu NSNN năm 2021 cho Tổng cục Hải quan là 335.000 tỷ đồng, tăng 20.0000 tỷ đồng so với dự toán.
Triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị 215/CT-TCHQ ngày 15/1/2021 về tăng cường hiệu quả thu ngân sách nhà nước, trong đó chỉ ra các nhóm giải pháp chung và giải pháp cụ thể cho từng đơn vị để triển khai đồng bộ trong toàn ngành. Do đó, tình hình thu NSNN 9 tháng đầu năm của toàn ngành đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN do Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính giao, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đồng chí Thủ trưởng các đơn vị tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung:
1. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 02/2021/NQ-CP của Chính phủ; Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các DN phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề để tăng thu cho NSNN; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, thủ tục hành chính, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ DN ở tất cả các khâu, các bộ phận, các lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
2. Thường xuyên đánh giá tình hình thu NSNN, rà soát nắm vững nguồn thu, nhất là các nguồn thu chính của đơn vị.
3. Song song với việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, cần tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát; Kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; Quán triệt công văn số 119/TCHQ-GSQL ngày 11/01/2021 của Tổng cục Hải quan về tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu cho cán bộ công chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện; Tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ,... kiên quyết không để tình trạng thất thu xảy ra trên địa bàn.
- Rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế.
- Thực hiện kiểm tra trị giá đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có khả năng rủi ro cao về trị giá tránh trường hợp bỏ sót, bỏ lọt các lô hàng có mức giá khai báo thấp, bất hợp lý nhưng không được tham vấn hoặc xử lý kịp thời trong đó tập trung chỉ đạo theo chuyên đề đối với những nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu có thuế suất cao.
4. Rà soát, thực hiện phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ không có khả năng thu, tổ chức thực hiện thu hồi và xử lý nợ thuế đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hồi nợ được giao tại Quyết định số 912/QĐ-TCHQ ngày 30/03/2021 của Tổng cục Hải quan; tăng cường triển khai công tác khoanh, xóa nợ theo quy định tại điều 83 và 85 Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 và Thông tư hướng dẫn số 69/2020/TT-BTC ngày 22/7/2020 theo yêu cầu tại công văn số 4735/TCHQ-TXNK ngày 6/10/2021 về thu hồi và xử lý nợ thuế, đảm bảo nợ thuế đến 31/12/2021 thấp hơn thời điểm 31/12/2020.
5. Kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, tổ chức thực hiện các giải pháp chống gian lận trong công tác hoàn thuế theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan tại công văn số 4539/TCHQ-TXNK ngày 21/9/2021 về thực hiện quản lý việc hoàn thuế giá trị gia tăng; phối hợp với cơ quan Thuế nội địa và các lực lượng khác trong đấu tranh ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, đúng chính sách quy định; Yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát số thuế phải hoàn của năm 2021, thực hiện hoàn thuế đúng đối tượng quy định, chậm nhất trong tháng 1/2022, tập trung vào các đối tượng:
- Hoàn thuế của các trường hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại điều 7a, 7b Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ.
- Hoàn thuế của các trường hợp xuất nhập khẩu tại chỗ đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ.
- Hoàn thuế của các trường hợp bổ sung C/O, nộp thừa...
6. Căn cứ tình hình thực hiện thu NSNN 9 tháng đầu năm 2021, dự kiến tình hình thu NSNN các tháng cuối năm, Tổng cục Hải quan điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN cho một số đơn vị Hải quan theo phụ lục đính kèm công văn này.
Tổng cục Hải quan thông báo để các đơn triển khai thực hiện.
| KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1 Công văn 984/TCHQ-TXNK năm 2017 vướng mắc trong công tác phối hợp thu ngân sách nhà nước theo Thông tư 184/2015/TT-BTC do Tổng cục Hải quan ban hành
- 2 Công văn 727/TCHQ-TXNK năm 2018 về thông báo ngân hàng thương mại đã ký Thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước với Tổng cục Hải quan
- 3 Công văn 2434/TCHQ-TXNK năm 2020 về triển khai bổ sung thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách nhà nước do Tổng cục Hải quan ban hành